Con ở với mẹ tới hết đời luôn!
“Con coi có ai được thì tiến tới để sau này không phải côi cút, Tư à” - đã nhiều lần bà Tuyết nói với con dâu như vậy. Nhưng chị Tư chỉ cười, rồi trả lời: “Con có mẹ rồi, sao côi cút được. Con ở với mẹ tới hết đời luôn”. Bà Tuyết lại tặc lưỡi: “Về làm dâu mẹ, bây khổ quá”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết (khu phố 4, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TPHCM) nay đã 75 tuổi, bị bệnh tiểu đường dẫn đến bị võng mạc, suy thận, mắt mờ, phải cắt bỏ ngón chân cái, đi lại và ăn uống đều khó khăn. Nhưng nhờ có con dâu chăm sóc tận tình mà tinh thần bà luôn thoải mái.
|
Chị Nguyễn Thị Bé Tư thường đọc báo và kể chuyện vui cho mẹ chồng nghe để bà thoải mái tinh thần |
“Mỗi ngày con Tư đều đọc báo cho tôi nghe, xoa bóp tay chân và nói đủ thứ chuyện để tôi dễ ngủ. Tôi nằm trên giường, con Tư trải chiếu dưới sàn, bảo lên gác với sắp nhỏ mà nó đâu có chịu. Chưa bao giờ tôi nghe nó càm ràm, đùn đẩy việc khó, việc nặng gì hết” - bà Tuyết chia sẻ.
Chị Tư tên đầy đủ là Nguyễn Thị Bé Tư, nay đã 47 tuổi. Vì chồng làm thợ cơ khí ô tô nên hồi mới cưới, chị Tư thường theo chồng đi khắp thành phố và các tỉnh miền Tây để lo cơm nước cho chồng. Năm 2008, mẹ chồng phát bệnh, ba chồng bị tai biến nằm một chỗ, chị đành ở nhà chăm sóc ông bà và 3 đứa con còn nhỏ. Cha chồng đã mất, giờ đây chị tiếp tục chăm mẹ chồng, mỗi ngày 4-5 bữa ăn, tiêm thuốc, đều phải đúng giờ.
Chị Tư tâm sự: “Quê tôi ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Thời con gái quanh năm làm mướn, lên thành phố làm dâu đường sá không biết, chợ búa chẳng rành. Ba chồng ân cần chỉ dạy từng chút, từ cách ướp nồi cá, kho nồi thịt đến nấu tô canh. Mẹ chồng chỉ bảo tôi từng lời ăn tiếng nói, cách cư xử với xóm làng. Tình thương ba mẹ chồng dành cho tôi như vậy, tôi có vất vả chút cũng nhằm gì”.
Năm 2021, chồng chị Tư mất trong thời gian tình nguyện tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Mặc dù kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng chị Tư vẫn ưu tiên cho việc chăm sóc mẹ chồng.
Ngoài ra, chị còn là người nhiệt tình với công tác hội và hiện là chi hội phó chi hội phụ nữ khu phố 4, phường An Lạc A.
Ai đến thăm cũng khen con dâu vén khéo
Trên đường Nguyễn Duy Trinh, khu phố 2, phường Phú Hữu (TP Thủ Đức, TPHCM), buổi trưa, quán vắng, chị Nguyễn Thị Vinh - chủ quán, 50 tuổi - ngồi cắt móng tay cho mẹ chồng là bà Lương Thị Ruộng - 85 tuổi. Bà Ruộng hiện mang trong người đủ thứ bệnh như tiểu đường, đau khớp gối, mất thính lực.
“Mới đầu, tôi không ưng con Vinh. Vì nhà mình mấy đời mần ruộng mà con nhỏ có biết cầm cuốc, nhổ cỏ gì đâu. Nhưng con trai cương quyết nên mình phải xuôi theo. Giờ nghĩ lại thấy thương. 29 năm làm dâu là chừng đó thời gian nó vất vả” - bà Ruộng giãi bày.
|
29 năm làm dâu với nhiều vất vả, chị Nguyễn Thị Vinh vẫn giữ trọn đạo hiếu, tận tâm chăm sóc mẹ và em gái chồng |
Nhớ chuyện xưa, chị Vinh cười xác nhận: đúng là hồi đầu mẹ chồng hay “nặng nhẹ” với chị, nhưng chị không vì vậy mà buồn tủi. Chị kể, 16 tuổi chị đã mồ côi cha, gia đình có tới 9 chị em, thành ra phải bươn chải kiếm sống từ nhỏ.
Lớn lên, chị vào làm trong Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM rồi gặp chồng là anh Dương Văn Oai ở đó. 3 năm trước, sức khỏe của bà Ruộng xấu đi, phải vào bệnh viện thường xuyên, nên chị phải xin nghỉ việc để kề cận chăm sóc, giúp bà được an vui tuổi già, dù kinh tế chẳng hề thoải mái.
Chị chia sẻ: “Những năm đầu hôn nhân, không biết kể sao cho hết nhọc nhằn. Vợ chồng tôi vừa đi làm vừa nuôi một bầy heo. Rồi ba chồng mất, mẹ chồng phát bệnh, mẹ ruột tôi bị đột quỵ, nằm một chỗ hơn 10 năm, các con còn nhỏ. Mọi thứ sao mà bế tắc. Song, tôi không bi quan. Có câu “Thuận vợ, thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”. Anh Oai chịu khó và hết mực thương vợ con, đó là phước của tôi”.
Ngoài người mẹ chồng đau yếu, chị Vinh còn phải chăm lo cho cô em chồng đã 47 tuổi bị thiểu năng. Năm ngoái, khi con trai qua đời ở tuổi 25, chị Vinh như người chết đuối, chới với, bềnh bồng. Nhưng rồi khi nhìn mẹ và em chồng đang cần mình, từ bữa cơm, viên thuốc, chị lại cố gượng dậy.
Cũng như chị Vinh, chị Lê Thị Hiểu - 44 tuổi, Tổ trưởng tổ phụ nữ 34, khu phố 3, phường An Khánh, TP Thủ Đức - cũng phải xin nghỉ việc để toàn tâm phụng dưỡng mẹ chồng.
|
Chị Hiểu luôn kề cận bên mẹ chồng từ khi bà bệnh nặng nằm một chỗ |
Bà bị bệnh tâm thần phân liệt và bị gãy xương khớp háng. Sự chu đáo của chị Hiểu khiến ai đến thăm cũng phải khen “con dâu vén khéo”, vì phòng mẹ chồng luôn sạch sẽ, mát mẻ. Để được vậy, hằng ngày, chị Hiểu dùng nước muối sinh lý và bông gạc làm vệ sinh răng miệng cho mẹ; lau người, thay tã, thay ga để mẹ được thoải mái.
Hằng ngày, sau khi đưa đón các con, lo cơm nước và thuốc men cho cha chồng (cũng đang bị bệnh) là chị lại tranh thủ vào xoa bóp tay chân, đổi tư thế nằm cho mẹ. Cuộc sống gia đình hiện dựa vào đồng lương nhân viên công ty công ích của chồng và mấy phòng trọ cho thuê, dẫu còn chật vật nhưng chị luôn giữ nụ cười trên môi, bởi chị nghĩ: “Chỉ khi thấy mình vui thì ba mẹ mới an lòng”.
Gặp gỡ, giao lưu, tuyên dương 44 người con hiếu thảo Theo kế hoạch, ngày 7/10, Hội LHPN TPHCM sẽ phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố tổ chức hội nghị tuyên dương “Người con hiếu thảo” năm 2023. Chương trình là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa 44 gương điển hình có tấm lòng hiếu thảo, biết sống có ích cho gia đình và góp phần giữ gìn, vun đắp các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nhiều tấm gương trong số đó đã vượt lên trên số phận để thành đạt trong cuộc sống. Được biết, phong trào “Người con hiếu thảo” được Hội LHPN và Hội Liên hiệp Thanh niên TPHCM phát động từ năm 1995. Đến nay, phong trào đã lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân thành phố. Các cấp Hội LHPN và Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhằm duy trì và nhân rộng phong trào bằng nhiều hình thức phong phú, nội dung cụ thể, góp sức cùng với gia đình, nhà trường, xã hội giáo dục và hình thành nhân cách sống đẹp trong cộng đồng. Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - cho biết, 2 đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện phong trào “Người con hiếu thảo” bằng nhiều hình thức, nội dung, cách làm phong phú, phù hợp, đi sâu vào từng địa phương, từng người dân để phong trào ngày càng phát triển rộng khắp. Bên cạnh đó, hội sẽ kịp thời phát hiện, tuyên dương nhân rộng các điển hình con cháu hiếu thảo với những thành tích tiêu biểu đột xuất để động viên, khuyến khích các gương điển hình vượt qua khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia thực hiện phong trào nhằm nâng cao nhận thức, đề cao giá trị truyền thống tốt đẹp về lòng hiếu thảo của người Việt Nam, qua đó định hướng và giáo dục lối sống đẹp trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là thanh thiếu niên thành phố. Nguyệt Minh |
Mẫn Nhi