Những nạn nhân “vô danh” của biến đổi khí hậu

12/11/2021 - 07:38

PNO - Đó là những con người, cộng đồng không được thống kê trong các báo cáo nhưng đang phải gánh chịu tác động trực tiếp từ biến đổi khí hậu. Theo Ngân hàng Thế giới, vào năm 2050, có tới 216 triệu người ở sáu khu vực trên thế giới có thể buộc phải thay đổi nơi sinh sống. Trong đó, nặng nề nhất là Yemen và vùng Sừng châu Phi.

“Tị nạn khí hậu”

Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu toàn cầu COP26 đang diễn ra ở Glasgow (Scotland), thế giới đã được nghe về hoàn cảnh của những người “tị nạn khí hậu”. Đây là những con người đang phải đối diện với nguy cơ bị ảnh hưởng vĩnh viễn do những hiện tượng mưa trái mùa, mùa đông khắc nghiệt, mùa hè khô hạn hơn và nhiều tác động khác gây ra bởi tình trạng biến đổi khí hậu. Nhu cầu của họ là phải tìm một “ngôi nhà mới” để tồn tại.

Hàng triệu người Bengal đang sinh sống ở Pakistan trong tình trạng không quốc tịch, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, không nhận được các hỗ trợ của quốc tế - ẢNH: GETTY IMAGES
Hàng triệu người Bengal đang sinh sống ở Pakistan trong tình trạng không quốc tịch, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, không nhận được các hỗ trợ của quốc tế - Ảnh: Getty Images

Trong lúc còn rất nhiều việc phải làm để giải quyết nhu cầu của người “tị nạn khí hậu”, giờ đây xuất hiện thêm nhóm vừa gánh chịu biến đổi khí hậu, vừa là người vô quốc tịch. Đây là những cá nhân không được cấp quyền công dân hoặc thường trú nhân tại các quốc gia. Những cộng đồng này hiếm khi được nhắc đến và dường như vô hình tại các hội nghị về biến đổi khí hậu. Số lượng người trong hoàn cảnh như vậy đang lên đến hàng chục triệu. Đơn cử như cộng đồng người Rohingya theo đạo Hồi ở Nam Á, người Romani ở Serbia…

Những cộng đồng này bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt nắng nóng, mưa trái mùa tàn phá nơi sinh sống vốn đã rất ô nhiễm của mình. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải sống trong các khu ổ chuột, khu định cư không chính thức. Điều kiện sống tồi tệ, mất vệ sinh đó kéo dài ngày càng làm tăng nguy cơ lây lan bệnh truyền nhiễm. Thế nhưng, việc “nhổ trại” để dời đi, tìm một chỗ cư trú an toàn mới là quá khó đối với họ. Chi phí di chuyển cao cùng nhiều rủi ro trong đó có khả năng bị nhũng nhiễu, ngược đãi… ở chỗ cư trú mới khiến việc quyết định “ra đi” có thể trở thành tai họa.

Khoảng cách trong các nỗ lực cứu trợ

Tại Pakistan, hàng triệu người dân tộc Bengal không quốc tịch bị đánh đồng với biểu tượng thù nghịch. Bất cứ khi nào, họ cũng có thể phải đối mặt với sự quấy phá, hành động khiêu khích, thậm chí bạo lực. Họ sống trong các khu ổ chuột tại các đô thị. Ở thành phố Karachi, khu ổ chuột nổi tiếng của người Bengal vô quốc tịch được mệnh danh là “thuộc địa Machar”. Nơi đây không có hệ thống vệ sinh và dịch bệnh tràn lan. Muốn được chăm sóc sức khỏe, họ chỉ có thể tìm đến các phòng khám tư nhân với chi phí đắt đỏ.

Trả lời báo chí, Noor - một thành viên của cộng đồng Bengal vô quốc tịch ở Pakistan - yêu cầu không sử dụng họ của mình trên báo vì sợ bị bắt nếu bị gán cho tội chỉ trích chính quyền. Theo Noor, biến đổi khí hậu đang tác động lớn đến cuộc sống của gia đình anh. “Ngày càng có nhiều đợt khô hạn, dẫn đến chất lượng không khí tồi tệ. Trước đây vài năm, không có bụi trong không khí và các con của tôi khỏe mạnh lắm. Bây giờ rất nhiều bụi vào mùa hè và mùa thu”, anh cho biết. Hiện những người trong cộng đồng của anh thường xuất hiện triệu chứng ho mạn tính, hoặc các chứng nhiễm trùng. Tuy nhiên, hầu hết không đủ khả năng tài chính để đến bác sĩ. Họ tự tìm cách điều trị tại nhà và chỉ đến bệnh viện khi gặp tình trạng nguy cấp. 

Feroza cũng là cư dân của “thuộc địa Machar”, cũng yêu cầu giấu họ vì những lý do giống như Noor. Bà nói: “Những trận mưa chưa từng có ở Karachi trong ba năm qua đã tàn phá cuộc sống nặng nề. Nước dâng cao đến thắt lưng. Nước thải chảy tràn ngập các ngôi nhà. Trời mưa gây khó khăn lớn đối với trẻ em đi học, người lớn đi làm”. Những điều mà Noor và Feroza đang phải đối mặt, ngày càng được công nhận là hậu quả của biến đổi khí hậu. Các đợt khô hạn và ngập lụt không thể dự đoán đang trở nên bình thường tại các thành phố ở khắp thế giới.

Luật sư Tahera Hasan - người sáng lập kiêm Giám đốc Tổ chức phúc lợi Imkaan - kêu gọi quốc tế hướng tầm ngắm vào những cộng đồng vô quốc tịch và bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ tác động của biến đổi khí hậu. Nguồn tài chính hạn chế, tiếng nói không được lắng nghe đã khiến những cộng đồng đang gặp vô vàn khó khăn này như trở nên “vô hình” đối với phần còn lại của thế giới. Hay nói cách khác, họ là những “nạn nhân vô danh” của biến đổi khí hậu. 

Nam Anh (theo NPR, Tribune)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI