|
Bệnh nhân đột quỵ tại Đơn vị chăm sóc mạch vành (CCU), khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định |
Sau những ngày dài nằm trên giường bệnh nặng tại đơn vị chăm sóc mạch vành (CCU), khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh nhân ngơ ngác hỏi bác sĩ điều trị: “Tôi có thể trở lại như ngày xưa được không?”.
Nở nụ cười động viên nhưng câu trả lời thực sự từ đáy lòng của bác sĩ trưởng khoa Nguyễn Đỗ Anh là: “Với đột quỵ, bác sĩ không phải đấng cứu thế, mà chỉ là người sửa chữa sự cố nghiêm trọng xảy ra cho chiếc xe “cơ thể”, giúp chiếc xe ấy chạy nốt quãng đường còn lại của cuộc đời”.
Với đột quỵ, bác sĩ không phải đấng cứu thế
T.V.T., sinh năm 1989 (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đang nằm mê man trên giường bệnh tại khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Bảy ngày trước đó, T. là một thanh niên sung sức, nặng 105kg, cao 1,75m. Khi đang ăn sáng, uống cà phê, T. ngã do một cơn đau ngực xuất hiện đột ngột kèm theo vã mồ hôi khắp người.
2 tiếng sau cơn đau nhói ngực trái, T. được đưa vào phòng thông tim can thiệp của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, được can thiệp cấp cứu đặt stent mạch vành để giải cứu khỏi cơn nhồi máu cơ tim cấp. Gia đình cho biết T. thất nghiệp trong mấy năm gần đây. Anh có thói quen hút mỗi ngày một gói thuốc từ khi mới 15 tuổi và kéo dài đến nay. Mẹ của T. cũng bị bệnh hẹp mạch vành ở tim.
Vài ngày sau, người nằm kế bên T. cũng là một nam thanh niên cùng độ tuổi. Anh L.V.U., 31 tuổi (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) là nhân viên kinh doanh của một công ty bất động sản. Tuy không có thói quen hút thuốc thường xuyên như anh T. nhưng anh U. thường xuyên uống rượu bia vào dịp cuối tuần. U. còn được phát hiện có tình trạng rối loạn lipid máu. Anh rơi vào tình trạng sốc tim, hiểu nôm na là tình trạng trụy tim mạch, lơ mơ ngay từ khi đến cửa phòng cấp cứu.
Anh U. được cứu sống nhờ người nhà phát hiện kịp thời và đưa vào bệnh viện trong thời gian vàng của đột quỵ - thời điểm các bác sĩ có thể can thiệp, làm được điều tốt nhất cho nạn nhân các cơn đột quỵ cấp. Bác sĩ Nguyễn Đỗ Anh cho biết: thời gian vàng của nhồi máu cơ tim cấp là trong vòng sáu giờ đầu tiên kể từ khi xuất hiện triệu chứng đau ngực, là thời gian trái tim của nạn nhân có cơ may phục hồi và sống sót tốt nhất nếu được các bác sĩ thông mạch máu tim, đặt stent kịp thời.
Những trường hợp như hai thanh niên trên có thể coi như vẫn còn rất may mắn vì kịp thời được cứu sống sau cú tấn công của cơn đột quỵ tim. Bác sĩ Nguyễn Đỗ Anh ước tính 50% trường hợp bệnh nhân khi bị đột quỵ tim (nhồi máu cơ tim cấp) sẽ tử vong ngay tức thì. Trong 50% còn lại, tỷ lệ tử vong sẽ được kéo giảm từ 30% xuống còn 1-5% nếu được tái thông mạch vành tim cấp cứu. Người lớn tuổi thường là đối tượng tấn công của cơn đột quỵ tim. Tuy nhiên, hiện nay đột quỵ tim không chừa cả người trẻ.
Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, người bị đột quỵ được đưa vào hai nơi: khoa Tim mạch can thiệp xử trí các ca nhồi máu cơ tim cấp; khoa Nội thần kinh xử trí các ca đột quỵ não. Theo ghi nhận tại hai nơi này, người bị đột quỵ có xu hướng trẻ hóa. Người trẻ nhất được tiếp nhận là một sinh viên ngành y chỉ mới 19 tuổi, đã tử vong sau cơn nhồi máu não.
Đột quỵ não có hai loại là xuất huyết não (vỡ các mạch máu trong não) và nhồi máu não (tắc các mạch máu trong não, tương tự như tắc các mạch máu trong tim gây nhồi máu cơ tim cấp). Cũng tương tự đột quỵ tim, đột quỵ não nếu nhập viện trong thời gian vàng (trong vòng sáu giờ đầu kể từ khi có triệu chứng) hoặc nếu người bệnh có triệu chứng nghi ngờ đột quỵ não thì sẽ giảm các di chứng nặng nề về sau.
|
BS Nguyễn Đỗ Anh - Trưởng khoa mạch can thiệp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định |
Mượn nhầm triệu chứng - cái giấu mặt xảo quyệt của cơn đột quỵ
Để nhận biết dấu hiện đột quỵ, theo bác sĩ Nguyễn Đỗ Anh, dễ thuộc nhất là nhớ đến cụm từ F.A.S.T. trong đó: (face): gương mặt mất cân đối hoặc méo xệ một bên miệng; (arm): kiểm tra tình trạng hiện yếu hoặc liệt tay, chân; (speech): ngôn ngữ bất thường; (time): thời gian. Nếu xuất hiện một trong ba dấu hiệu kể trên, người bệnh có nguy cơ đột quỵ rất cao. Khi đó, hãy khẩn trương gọi cấp cứu và ngay lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ.
Tuy nhiên, không phải cơn đột quỵ nào cũng dễ dàng được phát hiện. Cái “xảo quyệt” của đột quỵ chính là khả năng “mượn nhầm triệu chứng”. Như trường hợp một thanh niên ngoài 30 tuổi vào cấp cứu vì đau bụng dữ dội vùng thượng vị. Cơn đột quỵ đã đánh lừa được bác sĩ cấp cứu khi nạn nhân bị chuyển lên chuyên khoa tiêu hóa với chẩn đoán có thể bị thủng dạ dày nhưng kết quả không phải. Khi đang được theo dõi tại bệnh viện, nạn nhân đột ngột rơi vào tình trạng sốc với biểu hiện như bị viêm cơ tim. May mắn, các bác sĩ nghi ngờ nạn nhân bị nhồi máu cơ tim cấp nên đã chuyển kịp thời đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Lý giải hiện tượng mượn nhầm triệu chứng, bác sĩ Nguyễn Đỗ Anh cho biết vùng cơ tim tựa lên cơ hoành và dùng chung dây thần kinh nên khiến bộ não giải mã nhầm cơn nhồi máu cơ tim với cơn đau vùng thượng vị, biểu hiện như nôn ói, đau chấn thủy. Một số trường hợp nhồi máu cơ tim có biểu hiện như bị trúng gió (vã mồ hôi, khó thở...). Đây chính là lý do khiến nhiều người đến bệnh viện quá trễ sau khi tự “sơ cứu” bằng cách cạo gió, tự uống thuốc điều trị đau bao tử...
Theo lý giải của bác sĩ Nguyễn Đỗ Anh, không phải vô cớ mà cơn đột quỵ tìm đến người này mà tha người kia. Những nạn nhân kịp chạy thoát khỏi cú đánh chết người của đột quỵ không hề biết rằng bản thân mang những yếu tố nguy cơ của đột quỵ: béo phì, rối loạn lipid, hút thuốc lá và gia đình có người mắc bệnh mạch vành.
“Những năm tháng chinh chiến với cuộc đời làm cho mạch máu của người lớn tuổi bị xơ vữa. Nhưng những người trẻ, ngoài lý do có bệnh lý tim mạch nhưng không biết, chính bản thân họ đã tự phá nát những mạch máu của mình bằng lối sống không lành mạnh với bia rượu, thuốc lá, ít vận động, ăn thức ăn nhanh...”, bác sĩ Nguyễn Đỗ Anh cho hay.
|
Mọi người đều có thể phòng ngừa đột quỵ bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ - Ảnh minh họa - Nguồn: www.aamc.org |
Làm sao thoát khỏi sự tấn công của đột quỵ?
Nhiều bác sĩ chuyên khoa thần kinh đều cho biết ở thời điểm hiện tại, cách phòng ngừa đột quỵ tốt nhất là phải kiểm soát các yếu tố nguy cơ như: phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch, kiểm soát tình trạng huyết áp, vận động vừa sức, có lối sống lành mạnh...
Sự khó lường của đột quỵ đã khiến nhiều nạn nhân hoàn toàn bất ngờ. Có người sau khi tỉnh dậy đã ngơ ngác hỏi bác sĩ, liệu mình có thể trở lại bình thường như lúc xưa. Thật ra, những bệnh lý liên quan đến tim và não nếu đã xảy ra đều để lại những hậu quả rất lớn.
Theo con số thống kê của bác sĩ Võ Văn Tân - Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Nhân dân Gia Định, sau những ngày dài nằm viện với chi phí điều trị xấp xỉ 100 triệu đồng, đến 30% nạn nhân đột quỵ còn sống sót sẽ rơi vào trầm cảm.
Ngoài việc phải tập vật lý trị liệu, họ phải uống thuốc cho đến cuối đời. Việc bỏ thuốc đồng nghĩa với sự xuất hiện trở lại của cơn đột quỵ. Những thói quen trước kia sẽ phải thay đổi theo hướng có chừng mực hơn, kể cả sinh hoạt tình dục. Nếu nạn nhân là trụ cột của gia đình, áp lực cuộc sống sẽ khiến họ càng dễ rơi vào trạng thái trầm uất.
|
Hiếu Nguyễn