Những nắm đất sét

29/04/2014 - 06:45

PNO - PN - Mới dọn nhà về chỉ một tuần, tôi đã chứng kiến cảnh tượng ê chề của cậu bé khoảng 11 tuổi, nhà đối diện. Không hiểu vì mê game, trốn học, nói dối, ăn cắp tiền hay hỗn láo, cậu bị cha đánh đòn. Chưa hả giận, cha...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hồi lâu, mặt trời xoay nắng rọi chang chang trên đầu. Tôi ruột nóng như thiêu, đứng ngồi không yên nhưng chẳng biết làm sao. Thấy ông hàng xóm mở cửa bước ra, tôi mừng thầm vì cậu bé sắp được “đặc xá”. Cậu òa khóc, một tay che “ngã ba”, tay kia níu áo cha van lơn. Nhưng ông quát bằng những lời tục tĩu, gọi cậu là “thứ chó ăn c…”, dọa sẽ đuổi cổ nếu cậu cứ chứng nào tật nấy, rồi dắt xe đi mất.

Nhung nam dat set

Ông đi rồi, hàng xóm mới dám xôn xao bàn tán. Nhiều người đã quen chiêu… dạy con quái gở của ông: đánh đập, bắt đeo bảng với các chữ xấu xa, bêu xấu con với hàng xóm. Hình phạt cởi truồng phơi nắng ông áp dụng từ lúc cậu chỉ mới bốn tuổi. Một bác kể, do biết thằng con sợ nhất là ở truồng phơi nắng nên ông bố đã tận dụng hình thức này để trừng phạt. Nghe tôi có ý định gặp ông để khuyên can góp ý hoặc báo cho tổ trưởng tổ dân phố, cảnh sát khu vực, bác vội can ngăn: “Ông là tay anh chị, dữ dằn lắm, khôn hồn mà tránh xa, đụng vào chỉ rước họa. Với lại, người ngoài càng bênh, thằng bé càng bị ông hành hạ nhiều hơn. Ông từng tuyên bố “con tao tao dạy không ai được xía vào”. Chồng tôi cũng bảo cứ để mặc họ, mình là “ma mới”, biết tính ý ông thế nào mà can thiệp.

Bạo gan tiến lại gần, đưa chai nước lọc và chiếc khăn cho cậu bé khoác, tôi hỏi: “Con làm gì mà bị ba phạt? Biết ba nóng tính vậy, sao con không ngoan ngoãn vâng lời?”. Cậu nấc: “Ổng… ổng… la oan… con”. Tôi hỏi tiếp, cậu không nói, chỉ nấc. “Uống nước đi con!” - tôi giục nhưng cậu lắc đầu, cậu không thiết gì nữa. Tôi nghĩ mình không thể cầu an, thờ ơ trước nỗi tủi nhục dai dẳng của cậu bé, trước sai lầm và hơn cả là vi phạm pháp luật của người cha. Khi nắm nhiều thông tin và tìm được cách thức phù hợp, tôi nhất định sẽ làm điều gì đó cho cậu bé và gia đình.

Tôi không biết người ta lớn đến cỡ nào thì đủ sức chịu đựng sự sỉ nhục, nhưng chắc chắn với trẻ, bị sỉ nhục là một đòn giáng nặng nề. Tôi đã từng tham gia buổi nói chuyện của tiến sĩ tâm lý Trần Thị Giồng về kỹ năng làm cha mẹ và ghi khắc một ý bà nói: “Ẩn ức tuổi thơ có sức ám ảnh kinh khủng. Điều gì in rất sớm thì sẽ in rất sâu. Người lớn trách mắng, chỉ trích hay hành động xúc phạm là đang vò nặn tinh thần trẻ. Tuổi thơ như nắm đất sét còn mềm ướt, sẽ hằn rõ những ngón tay, vân tay và không thể xóa nhòa theo thời gian, dù sau đó có cố khỏa lấp. Đối với nắm đất sét đã khô cứng thì ít in hằn tác động bên ngoài hơn, ít bị tổn thương hơn”.

Từ khi nghe lời này, tôi cố gắng kiểm soát cơn giận dữ; cẩn trọng trong từng lời nói, hành động với con mình. Kỳ thực, từ dạo tôi đối xử ôn hòa, tế nhị, các con ít ương bướng, trở nên lễ phép, gần gũi, quan tâm và hiếu thảo với tôi hơn. Chạy đua với thời gian, tôi tranh thủ in đậm vào hai “nắm đất sét chưa khô cứng” nhà mình bằng bàn tay yêu thương, nâng niu và sẻ chia của tôi. Cũng như ba của cậu bé và nhiều phụ huynh khác, tôi đã từng bế tắc trong cách dạy con, nhiều lần sỉ nhục con với suy nghĩ “càng nhục thì con sẽ càng tởn, bỏ tật xấu”. Tôi mong các phụ huynh khác đừng bao giờ có suy nghĩ sai lệch như thế và sớm hiểu rằng sỉ nhục làm trẻ đau nhiều, đau lâu hơn cả đòn roi.

LAM KIỀU (P.14, Q.4, TP.HCM)

LTS: Sau khi Báo Phụ Nữ đăng bài Kẻ trộm sách (ngày 16/4), nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến bày tỏ nỗi bức xúc trước sự vô cảm của người lớn khi sẵn sàng buộc tội trẻ, bất chấp việc làm ấy gây nên tổn thương tinh thần, dư chấn về tâm lý, ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Với mong muốn góp thêm tiếng nói vào việc xây đắp tình yêu thương, tôn trọng trẻ, để các em được lớn lên trong sự nâng đỡ, Báo Phụ Nữ tổ chức diễn đàn Khi trẻ bị sỉ nhục.

Mời bạn đọc tham gia ý kiến trao đổi gửi về địa chỉ: khitrebisinhuc@baophunu.org.vn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI