Việc tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho giáo viên nằm trong chương trình tiêm chủng của TPHCM dành cho các đối tượng ưu tiên, trong đó có cả người nước ngoài làm việc tại các cơ sở giáo dục. Những liều vắc xin đã mang lại niềm tin cho những giáo viên nước ngoài, sau khi chịu đựng những bất ổn về việc làm, trong những đợt giãn cách xã hội.
An tâm vì đã được tiêm phòng
Cuối tháng Sáu, 200 giáo viên và nhân viên tuyến đầu của hệ thống trường quốc tế Canada (CISS) đã được tiêm liều vắc xin AstraZeneca đầu tiên. Tiến sĩ S. Brenda J. Williamson, Tổng Hiệu trưởng CISS, vui mừng kể lại việc trường đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
|
Giáo viên và nhân viên của hệ thống trường quốc tế Canada (CISS) đã được tiêm vắc xin COVID-19 tại TPHCM |
Tiến sĩ Williamson cho hay: “Việt Nam đã luôn quản lý tốt việc phòng, chống COVID-19 và hệ thống tiêm phòng cũng rất hiệu quả. Chúng tôi rất cảm kích vì công tác tổ chức rất tốt, thể hiện được sự quan tâm đến sức khỏe cho cả người Việt và người nước ngoài đang giảng dạy. Dù COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp thì trường cũng cảm thấy an tâm hơn vì đã được tiêm phòng. Trường chỉ cần thực hiện nghiêm về 5K và vệ sinh khuôn viên trường là học sinh có thể tận hưởng những ngày đến trường từ tháng 8/2021”. Để ứng phó với tình hình dịch bệnh, CISS đã tổ chức dạy trực tuyến. Tuy nhiên, trường cũng mong quay lại việc dạy trực tiếp để học sinh có thể tham gia các hoạt động tập thể.
Đối với các trường quốc tế, nơi có nhiều giáo viên nước ngoài thì việc tiêm phòng rất quan trọng. Dịch bệnh kéo dài nên các trường phải đóng cửa trong những đợt giãn cách xã hội và nhiều trường tư thục kêu rằng họ đã kiệt sức. Tháng 3/2020, 150 cơ sở giáo dục ngoài công lập gửi thư kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ. Trong thư nêu dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến 40% trường phải chịu lỗ, chỉ 40% tồn tại được. Nhiều cơ sở có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu - chi vì bệnh dịch kéo dài. Theo thống kê của nền tảng đánh giá và đăng ký khóa học Edu2Review, có khoảng 30% đối tác là cơ sở giáo dục của họ đã đóng cửa từ tháng 3/2020.
Theo Cổng thông tin điện tử của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, thành phố có 22 trường có yếu tố nước ngoài. Trong đó, có 13 trường quốc tế và một số trường tư thục dạy thí điểm chương trình nước ngoài. Cũng theo thống kê của sở, riêng khối giáo dục mầm non, có tới 879 cơ sở với hơn 23.464 cán bộ quản lý, giáo viên, và nhân viên bị ảnh hưởng về các khoản lương, bảo hiểm theo quy định từ năm 2020. Trong thời gian nghỉ học phòng dịch, có tới 80% giáo viên cơ sở mầm non bị ảnh hưởng việc làm.
Không nằm ngoài ảnh hưởng chung, giáo viên nước ngoài tại các trường mầm non quốc tế cũng mất việc tạm thời hoặc mất hẳn. Samantha Morgan, giáo viên người Úc một trường mầm non, kể rằng COVID-19 khiến trường phải thường xuyên đóng cửa, công việc của cô ngày càng bấp bênh. Trong khi các đồng nghiệp dạy các cấp lớn hơn được giảng dạy trực tuyến, cô lại không có việc. Các bé mầm non còn quá nhỏ, chỉ mới 2-5 tuổi nên không thể giữ chúng ngồi học trước màn hình vi tính được lâu. Vì vậy, phương án dạy trực tuyến không thể áp dụng với lứa tuổi này.
Trút bỏ áp lực tinh thần từ đại dịch
“Chỉ khi nào 80% nhân viên của trường được tiêm vắc xin thì giáo viên mới có thể quay lại lớp học. Tình hình dịch căng thẳng như thế này, tôi không biết khi nào mới quay lại trường dạy được”, Morgan buồn bã nói. Cô kể rằng, mình chưa nhận được lương vì trường gặp khó khăn và đồng nghiệp của cô cũng đang trong tình trạng tương tự, vì một số trường đang phải đóng cửa. Dù muốn được tiếp tục dạy các học trò nhỏ của mình, cô vẫn phải tìm việc mới để trang trải cuộc sống. Cô cũng hiểu rằng, dù bây giờ có nhận được việc làm ở một nước khác cũng khó ra khỏi Việt Nam. Các chuyến bay quốc tế đang bị hạn chế nên cô rất khó nhận được việc.
Có một nghịch lý là tuy lượng giáo viên nước ngoài chờ việc rất nhiều nhưng Việt Nam vẫn thiếu giáo viên bản ngữ. Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị của CISS, cho biết: “Từ năm ngoái đến nay, tình hình tuyển dụng giáo viên nước ngoài ngày càng khó khăn. Năm ngoái, nhà trường đã phải động viên và có chính sách đãi ngộ thêm nhằm giữ chân giáo viên nước ngoài không về nước trong cả kỳ nghỉ hè và nghỉ đông. Năm nay, dù trường vẫn tiếp tục chính sách như năm ngoái, nhưng cách nay vài tháng, nhiều giáo viên đã tỏ ra hoang mang vì chưa thấy có triển vọng về việc được tiêm vắc xin ở Việt Nam.
May mắn là trong dịp này, với chủ trương ưu tiên tiêm vắc xin cho ngành giáo dục, giáo viên của trường gồm cả người nước ngoài đều đã được TPHCM tổ chức cho tiêm phòng. Các giáo viên mới tuyển sắp tới Việt Nam, khi biết tin ngành giáo dục đã được ưu tiên tiêm vắc xin, họ cũng yên tâm xác nhận sẽ tới làm việc”.
SD, nữ giáo viên dạy toán và khoa học đến từ Anh, đã tiêm mũi vắc xin đầu tiên tại Nhà thi đấu Phú Thọ vào ngày 27/6. Cô nghĩ rằng mũi tiêm này đánh dấu việc chấm dứt giai đoạn khó khăn do COVID-19. Đến Việt Nam năm 2018, việc dạy học của cô suôn sẻ cho đến khi COVID-19 kéo đến: “Tôi đã trải qua hầu hết tai họa do đại dịch. Tôi đã từng vào khu cách ly tập trung từ làn sóng dịch đầu tiên, rồi công việc trở nên ngày càng bấp bênh. Có những tháng tôi không có việc. Tôi phải chuyển chỗ ở nhiều lần, càng về sau giá thuê càng rẻ. Bố đã mất mà tôi không thể về nhà thọ tang”.
Đến khi trường quốc tế nơi cô làm chuyển sang dạy trực tuyến ổn định hơn thì cô mới có việc lại. Dù tháng đầu tiên không được nhận lương nhưng đối với cô, có việc làm là tốt rồi. vắc xin đã giúp cô trút bỏ áp lực tinh thần từ đại dịch, tuy cô phải thừa nhận rằng tình hình chưa xán lạn hoàn toàn ngay được. Nhưng vắc xin mang lại niềm tin cho những giáo viên như cô, sau khi chịu đựng những bất ổn về việc làm, nguồn nuôi sống mình. Khi giáo viên được trang bị vắc xin ngừa COVID-19, phụ huynh và học sinh đến trường cũng an tâm hơn.
Mỹ Huyền