Thuở nhỏ nhà tôi nằm trong một làng hoa. Những khu vườn tít tắp nối tiếp nhau rực một màu vàng của mai, cúc, có khi chen đỏ cam vàng tím đủ các loại. Những ngày sắp tết, khi những khu vườn trống không cũng là lúc những ngôi nhà trống không, bởi những người đàn ông trong gia đình đã theo đám cúc, đám mai, thược dược co mình trong xe tải bít bùng xuôi ngược vào Nam ra Bắc.
Và rồi một số người may mắn về nhà kịp 30 tết với một niềm hoan hỷ nhẹ nhàng (cúc năm nay được giá). Một số người ráng nấn ná ở lại sáng 30, mới bán đổ bán tháo dọn về, để rồi đón giao thừa trên chuyến xe đò hiu hắt nhạc vàng.
Một số người xông đất nhà mình vào sáng mùng Một, cố nặn một nụ cười hy vọng năm sau trúng bông, kịp về ăn tết với vợ con. Người ở nhà cũng ráng tưng bừng để giấu đi cả chục ngày quạnh quẽ và chục đêm thao thức phập phồng. Giấu đi cả một đêm giao thừa dài như không bao giờ đến.
Thương những người đàn bà tháng Chạp tạt qua nhà nhau, gửi cây chả, cây nem, gói lạp xưởng, đòn bánh tét hỏi nhau: "Anh Năm về kịp không chị, mai lạnh quá không biết có bung lớp trấu được không?" Hay "Mấy ba con thằng Sáu, thằng Bảy ăn uống ngủ nghê sao bay? Thằng Tư của bà năm ngoái bán về tắt tiếng, nằm ngủ từ sáng mùng Một đến sáng mùng Hai mới thức dậy ăn một lát bánh tét…"
|
Ảnh minh họa |
Những người phụ nữ, tôi còn nhớ, mỗi lần qua nhà Thùy xin lửa, có khi mượn gạo, thảng hoặc nghe mẹ của bạn lầm rầm: “Đúng là vắng đàn ông, vắng nhà. Vắng đàn bà quạnh bếp, con hé”. Bà nói với một con nhỏ đâu chừng 9-10 tuổi như thể đang tâm sự với bạn thân. Khổ nỗi, con nhỏ có biết gì đâu ngoài việc gục gặc cái đầu ra chiều thông cảm.
Nhiều khi tay còn cầm lon gạo, gắp cục than, chân không chịu về nhanh cho kịp giờ cơm mà chàng ràng ra ruộng rau muống chơi với bạn. Một đứa than: "Mày sướng quá, ba với mấy ông anh mày về thế nào cũng mang theo đồ mới". Con Thùy chút éc, mà già trước tuổi. Nó trầm ngâm: "Sướng gì mày ơi, mấy ổng không nhớ mang đồ về cho tao đâu. Đàn ông đàn ang, không có màng đến áo quần".
"Vậy chớ nẫu quan tâm cái gì?". "Có ai nói đâu mà tao biết. Nhưng mà mấy ông anh mày sướng, được đi Sài Gòn". "Sướng gì, tại mày không biết thôi. Cực lắm. Mấy ổng phải thức canh cây sợ người ta trộm mất. Nằm thì nằm đất. Đúng nghĩa màn trời chiếu đất. Nước tưới cây không có lấy đâu ra nước tắm. Ăn thì không ai nấu".
"Mà ba tao kêu, người Nam nấu cái gì cũng bỏ đường, mắc cười lắm, món canh chua mà ngọt như chè. Trong khi món chè thì lạt như canh. Ổng ăn xong cứ tưởng ngủ ngoài đường chục ngày vị giác thay đổi. Ổng kể xong cười ha ha. Má tao không cười, mà trào hai hàng nước mắt. Bởi đàn bà kỳ, nghe kể chuyện cười mà hổng cười còn khóc mày!".
Tôi cũng vui miệng góp chuyện mình: "Má tao cũng ngộ lắm. Cuối năm đi mua chuối, đứng lựa sao hồi bà Mười Đắc chạy xe vô chợ quệt bả té gãy tay. Bả ôm cánh tay gãy vô bệnh viện một mình. Y tá nắn cái tay xong vô chụp X-quang, cha nội kỹ thuật làm trật ra, phải đẩy xuống bác sĩ xếp lại. Đẩy lên cha kỹ thuật lại làm trật ra. Ba bận vậy, bả cắn răn, hai hàng nước mắt chảy".
|
Ảnh minh họa |
"Tết nhứt mà, trời lạnh cái chỗ gãy đau lắm, đàn ông còn chịu không nổi huống chi đàn bà. Má tao cũng kỳ lắm, con đông, nhà cửa bề bộn, mà nhứt định không chịu nhắn ba về. Còn cấm mọi người không ai được cho ổng biết, để ổng yên tâm bán mai. Đến khi ba tao về, thấy cái tay bó bột của bả, ổng chửi quá trời vì cái tội không chịu cho ổng hay. Mày thấy người lớn kỳ không? Người ta thương mà chửi. Xót người ta không hết thì thôi còn chửi là sao mày?".
Nhiều khi chuyện đang buôn ngon trớn, một hồi, chợt thấy mặt con Thùy tái mét. Quay lại, má tôi cầm một cây tiểu nhơn dài đứng sừng sững phía sau từ bao giờ. Cục than đi xin cũng đã tắt ngấm. Lon gạo vẫn còn trên tay. “Trưa nay ăn roi trừ cơm hả con”. Má tôi có kiểu cười lạnh lùng sương giá và giọng nói ngọt ngào rùng rợn như thế. Nhất là khi hai nét ghê gớm đó kết hợp với nhau.
Mọi điều vậy mà cũng qua. Các con lớn lên một ngày cận tết về thưa với ba: "Tết này ba dự kiến sẽ kiếm được nhiêu tiền bông ba?". Ông già ậm ừ: "Thì được nhiêu hay nhiêu con". "Rồi ba định làm gì với số tiền đó?" Ông già thủng thẳng: "Thì lợp lại cái mái hiên cho má mày, bữa bão cuốn phăng còn gì, để bả đi bớt mưa bớt gió. Rồi thì làm mộ lại cho bà nội, đưa bà với cô Bảy con về nằm cạnh nhau cho vui. Dư chút đỉnh ba sửa sang chăm chút vườn mai…"
"Vậy thôi tụi con tính vầy: anh chị em mỗi đứa gom lại cũng đủ tiền để hoàn thành hết việc ba định làm. Năm nay ba nghỉ bán một năm đi ba. Cái chân hổm làm mai bị té nay vẫn còn cà nhắc". Ông già im lặng. Chắc ông vẫn không chịu nhận mình già. Ngày cuối cùng mấy đứa đi ông già mới thủng thẳng: "Ba cảm ơn tấm lòng mấy con, nhưng mấy con để ba bán năm nay nữa". Thấy nguyên bầy con định phản đối, ông nhẹ nhàng tiếp: "Bệ lúc nào còn làm được cứ để ba làm. Mai mốt có khi ba không còn làm nổi".
Không biết tại không khí cuối ngày chùng xuống, tại lạnh, tại những bông hoa cuối ngày khép cánh, hay tại lẽ vô thường len lén chường bộ mặt thản nhiên của mình, mà những đứa con đều im ắng. Chỉ có bà chị thở dài, cất tiếng "dạ" cho ba yên lòng.
Thôi thì cũng đã xong những mùa mai…
Ban Mai