Những mùa cốm dẹp xưa xa

19/12/2021 - 07:05

PNO - Sau khi lấy một mớ cốm để dành cúng trăng, ngoại tôi hốt một nắm ăn kèm với chuối chín. Ngoại nói người già răng yếu, thích ăn cốm với chuối vì khi đó, cốm sẽ mềm hơn.

Hằng năm, khoảng đầu tháng Mười âm lịch, trước mùa lễ hội Ok-om-bok (lễ hội cúng trăng của người Khmer) quê tôi, ngoài chợ bắt đầu bày bán cốm dẹp. Đa số bà con người Khmer bưng thúng bán cốm dẹp chưa qua chế biến, một số người ở chợ thì bán cốm dẹp đã trộn dừa nạo, đường cát, đem về là ăn ngay trong ngày, không cần chế biến thêm.

Hơn 1/3 dân số Sóc Trăng là người Khmer. Ở miền đất này, người Khmer cùng người Kinh và người Hoa cộng cư lâu đời nên đời sống văn hóa, tinh thần nơi đây rất phong phú, giao thoa lẫn nhau, không phân biệt giữa các dân tộc. Vì vậy, lễ tết của người Khmer hay người Hoa thì người Kinh cũng cùng chung vui và ngược lại. Người ta “ăn” lễ, tết qua lại vui vẻ, hòa đồng. Không chỉ người lớn mà bọn con nít cũng thế - lễ tết của dân tộc nào cũng ăn, cũng làm cùng nhau. 

Nhớ thuở còn tắm mưa, bọn con nít chúng tôi thường rủ nhau ra đồng cùng người lớn cắt lúa nếp đem về giã rồi quết thành cốm dẹp để ăn dần cho tới hết mùa mưa. Ăn cốm dẹp vào mùa này mới ngon. Lúa nếp gặt xong đem về quết ngay, còn thơm lừng hương lúa mới. Nếu để lâu mới làm cốm, sẽ mất mùi thơm đặc trưng này. Tuy vậy, vẫn có nhà để dành lúa nếp, tới gần tết Nguyên đán đem ra quết ăn cùng bánh phồng nướng giòn tan rồi bẻ nhỏ ra, gói trong bánh tráng ướt trên lò còn nóng hổi. Món đặc sản này không phải vùng nào cũng có.

Năm nào cũng vậy, nhà tôi thường chừa chừng một công đất làm lúa nếp để giã cốm dẹp cúng trăng và gói bánh trong các dịp giỗ chạp. Người lớn cắt lúa nếp mang về để ngoài sân, bọn con nít nhanh nhảu dùng chân đạp mạnh cho hạt lúa rơi ra trông rất điệu nghệ. Bọn nhỏ hốt lúa nếp lên, đem rửa sạch rồi phơi khô một nắng.

Khi cơm nước xong, mẹ tôi nhóm lửa bằng cà ràng và giao cho tôi rang hạt lúa nếp bằng cái nồi đất bóng lưỡng, là “bảo bối” của ngoại tôi. Lần nào qua lấy nồi đất, ngoại cũng dặn đi dặn lại “nhớ xài cho kỹ nha con” vì đây là kỷ vật của ông cố.

Trong tiết trời se lạnh, gió hiu hiu thổi từ hướng đông báo hiệu mùa gió chướng đang đến gần, bên ánh lửa bập bùng, hòa với tiếng chày khua cắc cùm cum khi giã nếp, chúng tôi cảm thấy ấm áp, hãnh diện vô cùng vì được cùng người lớn làm một công việc có ý nghĩa: chuẩn bị lễ vật đặc trưng của người Khmer Nam bộ đón mừng lễ hội truyền thống của dân tộc.

Trong dịp lễ này, ngoài cốm dẹp, chúng tôi còn cúng nhiều sản vật tự trồng như: củ mài, khoai lang, khoai môn... Tuy mệt nhưng đám con nít rất vui vì được góp sức tỏ lòng tri ân đối với ông mặt trăng đã điều tiết mùa màng cho nhà nông.

Khi lúa nóng, nổ lốp bốp, tỏa hương thơm nức mũi, tôi nhanh tay đổ hạt cốm vào cối, cha tôi và anh tôi lấy chày, cây gạt quết lẹ làng. Làm như vậy cốm sẽ dẹp, đều và thơm ngon hơn. Mẹ tôi lấy vá hốt cốm trong chày còn nóng hổi, bỏ vào nia sàng sảy cho sạch những hạt trấu li ti. Nhìn hạt cốm mang màu trắng tinh khôi tỏa mùi hương thơm phức, tôi vui trong lòng và mong sẽ được thưởng thức ngay.

Rang lúa nếp
Rang lúa nếp

Sau khi lấy một mớ cốm để dành cúng trăng, ngoại tôi hốt một nắm ăn kèm với chuối chín. Ngoại nói người già răng yếu, thích ăn cốm với chuối vì khi đó, cốm sẽ mềm hơn. Cha tôi lại thích ăn cốm dẹp với tép mòng chấy mỡ thơm giòn.

Lũ trẻ chúng tôi thì thích món cốm dẹp trộn đường cát, củ mài, cọng dừa nạo để cúng trăng. Hạt cốm càng mềm hơn khi rưới thêm ít nước dừa tươi, béo hơn khi trộn thêm đậu xanh hấp chín. Thú vị nhất là ăn cốm dẹp lúc làm lễ cúng trăng vì tụi con nít vừa được người lớn đút cho ăn vừa được bày tỏ nỗi lòng thầm kín của mình trước sự chứng kiến của nhiều người.

Lễ cúng trăng thường được tổ chức vào giai đoạn thu hoạch hoa màu nhằm thể hiện sự trân trọng đối với thiên nhiên đã ban cho con người sự sống và thành quả trong lao động, nôm na là nhằm tạ ơn thần mặt trăng đã điều tiết thủy triều - ruộng luôn đầy nước, rau quả luôn xanh tốt mà có được hoa trái, lương thực.

Tôi còn nhớ lễ cúng trăng đầu tiên tôi được dự. Sau khi bày lễ vật, mọi người trong xóm quây quần với nhau, trải chiếu rồi cùng ngồi chắp tay, quay mặt về hướng mặt trăng để làm lễ.

Đợi đúng khi mặt trăng lên cao tỏa sáng vằng vặc, thường là khi trăng mọc lên khỏi ngọn tre cuối vườn, người ta đốt nhang, nến; rót trà rồi mời một người lớn tuổi có uy tín nhất trong xóm làm chủ lễ, khấn vái nói lên lòng biết ơn đối với thần mặt trăng, xin thần tiếp nhận những lễ vật do đồng bào dâng cúng và ban phước cho mọi người sức khỏe dồi dào, mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu trong năm mới.

Cúng xong, chủ lễ mời bọn trẻ đến gần, ngồi chắp tay hướng về mặt trăng, lấy cốm dẹp cùng các thức cúng khác mỗi thứ một ít đút vào miệng bọn trẻ rồi hỏi về ước mơ của chúng.

Mỗi đứa trẻ có một ước mơ khác nhau. Có đứa ước sẽ có nhiều vàng bạc, châu báu, ruộng đất, trâu bò. Có đứa lại ước muốn có nhiều tài, đức. Cũng có đứa muốn có nhà cao, cửa rộng.

Ông chủ lễ đút cho tôi một nắm cốm dẹp có ngâm nước dừa xiêm trộn với đường cát, kèm trái chuối chín. Tôi ráng nuốt rồi lí nhí nói lên ước muốn của mình: “Con muốn được tiếp tục học hành tới nơi tới chốn để đền đáp công ơn cha mẹ đã nuôi nấng dạy bảo”.

Ông nghe không rõ, hỏi lại mấy lần nhưng vì đang ngậm một họng không thể nói được, tôi lắc đầu nguầy nguậy rồi đứng lên, vù chạy ra ngoài, để lại sau lưng một tràng tiếng cười giòn đầy thông cảm... 

Sau lễ cúng trăng, người ta còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như thả đèn nước, thả đèn gió, đá cầu, múa Rom vong (múa Lâm Thôn hay múa vòng tròn) cho đến khuya. Dịp này, hội đua ghe ngo cũng được tổ chức, thu hút đông đảo bà con đến xem và cổ vũ.

Quết lúa nếp thành cốm dẹp
Quết lúa nếp thành cốm dẹp

Bao nhiêu năm trôi qua, tôi vẫn không thể quên hương vị cốm dẹp do chính ngoại và mẹ tôi chế biến. Bây giờ, cốm dẹp được sản xuất bằng máy và bán quanh năm ở các chợ. Do để lâu nên mùi thơm đặc trưng của cốm dẹp không còn, dừa được nạo bằng mô tơ nên dễ nát chứ không còn dài loằng ngoằng, béo ngậy. 

Ngày nay, gia đình tôi không còn trồng lúa nếp do ngoại và cha mẹ tôi không còn, các anh chị có gia đình ra riêng ở tứ xứ nên cũng không có dịp đoàn tụ như khi xưa để cắt lúa nếp về quết cốm dẹp.

Mọi thứ giờ được bày bán sẵn ngoài chợ hay trong siêu thị nên thỉnh thoảng tôi lại có cảm giác thèm hương vị ngọt ngào, thơm phức của cốm dẹp; nhớ mùi mạ non, mùi rơm mới thoang thoảng trong gió chiều; nhớ đồng ruộng mênh mông, bát ngát, nhất là khi đến mùa lúa chín chuyển sang màu vàng rực xa tít tận chân trời.

Tôi cứ tiếc hùi hụi, ước gì nhà mình được trở lại như xưa, quây quần cùng nhau giã cốm dẹp cho con cháu được hưởng cảnh ấm áp như cha mẹ chúng ngày xưa. Một trong những điều tuyệt vời nhất của tuổi thơ tôi có lẽ là được tự tay quết cốm dẹp, thưởng thức vị ngon của món quà vặt mộc mạc quê nhà do chính mình làm ra. 

Bài và ảnh: Hoàng Liên Phương 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI