Những môn thể thao chữa bệnh mà bác sĩ thường khuyên thực hiện

28/09/2019 - 07:00

PNO - Lợi ích của hoạt động thể chất phụ thuộc ba yếu tố: cường độ, thời gian và tần suất tập luyện. Thế nhưng, tùy tình trạng bệnh mà bạn lựa chọn những môn thể dục thể thao khác nhau.

Bơi lội

Nhung mon the thao chua benh ma bac si thuong khuyen thuc hien
 

Lợi ích của bơi lội

Bác sĩ Phạm Thanh Vũ - Phụ trách Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện Quận 11 TP.HCM - lý giải: “Bơi lội là một hình thức thể dục, vận động toàn thể. Khi bơi, cơ thể sẽ vận động từ đầu đến chân. Đây là hình thức massage tự nhiên tốt nhất, có thể thúc đẩy tuần hoàn máu toàn thân; làm tăng tiêu hao mỡ; thúc đẩy sự phát triển của cơ bắp chân tay, bụng, đùi, lưng… tăng cường công năng cơ quan nội tạng…

Vì thế, bơi lội giúp phòng ngừa viêm khớp, giảm cân, có lợi cho hô hấp, tốt cho tuần hoàn và giải tỏa áp lực, stress một cách hiệu quả. Các nghiên cứu cho thấy, bơi đều đặn 30-60 phút/ngày rất tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần.

Bơi lội là môn thể thao thích hợp với hầu hết với mọi lứa tuổi. Nếu duy trì lịch sinh hoạt và tập luyện thường xuyên sẽ cho kết quả tốt.

Người bệnh gì không được bơi lội?

- Người bị động kinh thường lên cơn đột ngột, không có dấu hiệu báo trước, dễ đuối nước.

- Người mắc một số bệnh lý tim mạch mà khả năng gắng sức hạn chế như tim bẩm sinh, thông liên thất, thông liên nhĩ… thì không nên bơi lội gắng sức.

- Người bị dị ứng nước hồ bơi hay bệnh lý da không nên tập bơi vì có thể gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh.

Tập Yoga

Nhung mon the thao chua benh ma bac si thuong khuyen thuc hien
 

Tác dụng tuyệt vời của Yoga

Yoga cho phép bạn thư giãn bằng phương pháp thiền định đồng thời phòng chữa bệnh, tăng cường sức khỏe. Các bài tập yoga có những tác dụng như ngăn ngừa các bệnh về xương khớp (giảm đau lưng, đau cổ, đau vai, đau nhức các khớp); cải thiện khả năng hoạt động của phổi; ổn định đường huyết cho bệnh nhân tiểu đường; giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Có thể bắt đầu tập luyện yoga ở bất cứ độ tuổi nào và tập luyện đến hết cuộc đời. Hãy yên tâm rằng yoga luôn có các mức độ luyện tập khác nhau và sẽ luôn có những sự lựa chọn hợp lý nhất dành cho mỗi người.

Ai không nên tập yoga?

Những người bị đau dạ dày, chảy máu dạ dày, cao huyết áp, từng bị nhồi máu não… phải hết sức cẩn thận khi tập luyện, nếu có biến chứng nào cần dừng tập và xử lý ngay.

Có những động tác khá nguy hiểm, chẳng hạn như động tác bánh xe, trồng cây chuối đặc biệt không tốt cho người bị cao huyết áp; động tác vặn, xoắn dồn lực vào khoang bụng và dạ dày nguy hiểm với những người có dạ dày bị tổn thương.

Đạp xe

Nhung mon the thao chua benh ma bac si thuong khuyen thuc hien
 

Lợi ích của đạp xe

Đạp xe có nhiều tác dụng rất tốt cho cơ thể như: hình thành cơ bắp, tăng cường sức khỏe tim mạch, tăng tuần hoàn máu, giảm stress. Đây là cách vận động nhẹ nhàng nhưng không kém phần hiệu quả trong việc rèn luyện thể chất.

Thường xuyên đạp xe giúp tăng cường cơ chân, các khớp hông và khớp gối. Đạp xe cũng tăng cường cơ tay, cải thiện chức năng cơ của cơ thể. Mặt khác, khi đạp xe, tim sẽ đập nhanh hơn bình thường, bơm máu nhanh hơn, giúp cải thiện tình trạng của tim. Những người đạp xe mỗi ngày ít có khả năng bị huyết áp cao.

Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ. Đạp xe mỗi ngày trong hơn 30 phút sẽ giảm 40% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Đây là một trong những cách tốt nhất để kiểm soát lượng đường huyết. 

Đạp xe cũng là cách để loại bỏ chất béo không mong muốn khỏi cơ thể. Đạp xe đạp là tập thể dục cơ đùi và cũng làm tăng tỷ lệ trao đổi chất, do đó giúp giảm béo bụng.

Từ trẻ em cho đến người cao tuổi, ai cũng có thể đi xe đạp để cải thiện tình trạng sức khỏe. Bạn có thể tập luyện với xe đạp tập thể dục tại nhà hoặc đạp xe ngoài trời khoảng 30 phút mỗi ngày và tập từ 3 đến 5 buổi mỗi tuần.

Đi bộ

Nhung mon the thao chua benh ma bac si thuong khuyen thuc hien
 

Đi bộ chữa bệnh gì?

Bác sĩ Nguyễn Văn An, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM - giải thích: đi bộ giúp giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ. Cụ thể, đi bộ giúp cải thiện các yếu tố nguy cơ về tim như cholesterol, huyết áp, tiểu đường, béo phì, xơ cứng và viêm mạch máu, căng thẳng tinh thần. Đi bộ cũng giúp bảo vệ, chống lại chứng mất trí nhớ, bệnh động mạch ngoại biên, béo phì, tiểu đường, trầm cảm, ung thư đại tràng, thậm chí là rối loạn cương dương.

Đi bộ thường xuyên có thể giúp tăng cường cơ bắp, đồng thời có khả năng kích thích sự phát triển của sụn khớp, giúp giảm đau, ít gây cứng khớp, rất có lợi cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối và viêm xương khớp nói chung. 

Đi bộ giúp khớp linh hoạt hơn. Đây là chìa khóa vàng cho những người bị viêm khớp dạng thấp (RA), vì các khớp bị cứng khi không hoạt động. Ngoài ra, đi bộ còn giúp tăng cường máu cho các cơ và mô xung quanh khớp, bảo vệ khớp. 

Với người bệnh khớp, hãy đi bộ 5 phút vào buổi sáng và 5 phút vào buổi tối với tốc độ chậm. Sau đó, bạn có thể tăng dần số phút tùy theo tình trạng sức khỏe. Không nên tăng đột ngột. 

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị nên đi trung bình 10.000 bước mỗi ngày để tăng cường sức khỏe của tim, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường loại 2 và ung thư. 

Bệnh gì nên hạn chế đi bộ? 

Thạc sĩ - bác sĩ Trịnh Đức Thọ - Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và bác sĩ Nguyễn Duy Lượng - Khoa Nội, Bệnh viện Vạn Phúc 2 - cho rằng, đi bộ phù hợp với hầu hết mọi người nhưng lại hạn chế với một số bệnh như: người bị bệnh xương khớp nặng, người mới hồi phục sau chấn thương; người bị giãn tĩnh mạch chi dưới, người bị viêm - tắc động tĩnh mạch chi dưới; người đang bị phù chi dưới (thận hư, suy thận, suy tim, xơ gan cổ chướng, phù khi mang thai). 

Nhung mon the thao chua benh ma bac si thuong khuyen thuc hien
 

Những lưu ý khi tập thể dục

Không phải mọi người đều có chung bài tập thể dục nên phải chọn bài tập thể dục nào, cách tập ra sao, tập trong bao lâu và trong điều kiện nào tùy thuộc cơ địa và mục tiêu của mỗi người.

Độ tuổi: ở người trẻ, việc chuyển hóa trong cơ thể tốt nên có thể lựa chọn những bài tập theo sở thích. Thế nhưng với người già, nhất là người bị loãng xương, thiếu dinh dưỡng, bài tập thể dục nên nhẹ nhàng vì nếu quá sức có thể dẫn đến kiệt sức, thậm chí tử vong.

Dấu hiệu kiệt sức: thông thường khoảng 20-30 phút sau tập, người tập sẽ hết mệt nhưng nếu sau khi tập thể dục đã lâu mà vẫn mệt rã rời suốt ngày thì phải xem tần suất vận động hợp lý chưa để giảm bớt. Hiện tượng khát nước và thấy đói cồn cào, thèm ăn sau khi tập luyện là điều bình thường, nhưng nếu đã uống rất nhiều nước mà vẫn cảm thấy khát, ăn rất nhiều phải đến ngay bác sĩ vì đó là dạng bệnh. Ngoài ra, khi tập thấy choáng váng, nhức đầu kéo dài rất lâu sau tập cũng là dấu hiệu của việc tập luyện quá sức.

Coi chừng kẻo phải bắt đầu lại: nhiều người cho rằng nếu bỏ qua một khoảng thời gian ngắn  không tập luyện thể dục, cơ thể bạn vẫn sẽ giữ vóc dáng như bình thường. Tuy nhiên, hầu hết mọi người sẽ mất cơ sau 1 tuần không tập luyện. 

Nên tập vào thời điểm nào trong ngày? Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt đáng kể trong kết quả giữa việc tập luyện thể dục vào ban ngày và ban đêm.

Nhuận Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI