Những món ngon từ trái cà na tốt cho sức khỏe

18/10/2020 - 10:52

PNO - Trái cà na là loại đặc sản dân dã của miền Tây, nhưng không kém phần độc đáo. Đây là loại quả bình dị, mộc mạc của tự nhiên ban tặng và được người dân tận dụng để chế biến thành nhiều món ngon, là món quà quê "thơm mùi ký ức".

 

Cây cà na mọc ở đâu?

Trái cà na còn có tên gọi Côm háo ẩm, Côm cánh ướt, Trám xanh (miền Bắc) và tên khoa học là Elaeocarpus hygrophilus Kurz là một loài thực vật phân bố ở Đông Nam Á. Cà na là cây đại mộc sống lâu năm, sống được trên vùng đất ẩm hoặc có dao động thủy triều.

Ở Việt Nam cây cà na mọc hoang dại hoặc được trồng ven sông rạch chủ yếu ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nhất là ở vùng đất phèn Đồng Tháp Mười, chịu được nước ngập mùa nước lũ. 

Cà na là cây thân gỗ cao từ 10 - 25m, có thể đến 30m. Rễ phát triển mạnh, lan tỏa rộng trong đất bùn, ở gốc thân có nhiều rễ khí sinh mọc thành chùm (dạng rễ mọc trong không khí lơ lửng trong không trung hay cắm thẳng xuống đất). Mùa hoa tháng 4 - 6, có quả tháng 9 - 10. Chúng tái sinh bằng hạt. 

Hoa mọc thành chùm có lông mềm, màu bạc ở nách những lá đã rụng, dài 4-7 cm, có cuống dài 3-5mm. Quả hạch hình bầu dục nhọn, dài 3cm. Trái già có màu xanh đậm, vị chát; còn trái chín có màu xanh nhạt, vị chua. Hạt hình thoi, có vỏ hạt cứng, mỗi trái có 1 hạt.

Công dụng của trái cà na

Hiện nay, các công trình nghiên cứu trong nước và trên thế giới về loài cây này còn hạn chế.

Cây cà na (Elaeocarpus hygrophilus Kurz) của vùng đất phèn Đồng Tháp Mười là dạng cây gỗ đặc trưng, chịu được nước ngập 3 - 6 tháng, mùa khô cạn vẫn xanh tốt. Rễ, trái, lá người dân dùng làm thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sinh tân dịch.

Vỏ cây có tinh dầu và tanin dùng tắm chữa ghẻ, chống dị ứng sơn và hoá chất bảo vệ da. 

Thành phần hóa học của thịt trái cà na gồm: protein, đường, chất béo, polyphenol, acid citric. Nhờ đó, trái cà na dùng làm thuốc. Vỏ dùng hãm nước cho phụ nữ mới sinh đẻ uống trong vòng 15 ngày sau khi sinh.

Món ngon từ trái cà na

Trái cà na được sử dụng làm thực phẩm ở một số nước Đông Nam Á, nhiều nhất là ở Thái Lan. Ở Việt Nam, cà na mọc hoang rất nhiều ở đồng bằng Sông Cửu Long. Đây là một nguồn nguyên liệu phong phú, dễ tìm, rẻ tiền nhưng hiện nay người dân chỉ mới dừng lại ở việc sử dụng trái cà na như một loại rau rừng.

Vào mùa nước nổi, miền Tây Nam Bộ không chỉ có nguồn tôm cá dồi dào mà còn xuất hiện nhiều loại cây trái đặc trưng, đậm chất miền quê, đặc biệt là trái cà na. Nhờ có vị chua và chát, trái cà na được trẻ con trên vùng đất chua phèn dùng làm loại quả để ăn sống chấm muối ớt.

Những món ăn ngon từ trái cà na gồm: cà na chấm muối ớt, mứt cà na, muối dưa, ô mai, cà na ngâm nước mắm, cà na ngào đường...

 

Cây cà na ở miền Bắc còn gọi là cây trám - giống cây cà na ở Trung Quốc, không liên quan với giống cà na ở miền Nam.

Cây cà na Trung Quốc có 2 loài cây thuộc chi Trám (Canarium) là Cây trám trắng (Canarium album) có tên tiếng Anh là Chinese white olive (trám trắng Trung Quốc) và Cây trám đen (Canarium tramdeum) có tên tiếng Anh là Chinese black olive (trám đen Trung Quốc).

Bác sĩ CK2 Huỳnh Tấn Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI