Tết Nguyên Đán được hơn 1 tỉ người trên khắp các quốc gia chờ mong. Trước thời điểm đại dịch corona, đây cũng được xem là sự kiện hồi hương quy mô nhất thế giới, khi nhà nhà người người cùng quay về nơi chốn sinh thành để đoàn tụ bên gia đình.
Ở phương Đông, cụm từ “Tết Nguyên Đán” mang ý nghĩa chuyển hóa đặc biệt: từ mùa đông lạnh giá sang xuân ấm áp – thời khắc vạn vật tái sinh và phát triển. Dẫu có xuất phát điểm cổ xưa, đáng ngạc nhiên là đến tận ngày này, Tết chưa từng đánh mất vị thế văn hóa không thể thay thế đối với người dân châu Á lẫn rất nhiều kiều dân gốc Á sinh sống trên mọi châu lục. Hẳn nhiên, ẩm thực đóng vai trò thiết yếu trong dịp lễ này.
Được tận hưởng tại quê nhà hay giữa đất khách xa lạ, “kho tàng” ẩm thực Tết luôn ẩn hiện sức hút kỳ diệu của sự kế thừa. Nếu người cao tuổi lưu giữ nhiều giá trị cổ truyền tốt đẹp, mùa Tết của thế hệ đương thời trong các cộng đồng người nhập cư lại được bổ sung cảm nhận đổi mới hiện đại, biểu thị nỗ lực “nối liền” quá khứ và hiện thực.
Tại Mỹ, mảnh đất tập trung đông đảo cộng đồng nhập cư, không ít người trẻ gốc Á nhìn nhận ẩm thực như “cánh cửa thông hành” giúp họ tiếp tục gìn giữ nếp nhà truyền thống, sum vầy cùng gia đình - bạn bè ngày đầu xuân, và trên hết, để tỏ lòng biết ơn thế hệ đi trước.
“Tinh túy” súp bò hầm củ cải
Seollal – Tết cổ truyền nổi tiếng trong văn hóa Hàn Quốc, là dịp mỗi gia đình thể hiện sự kính trọng đối với bậc cao niên. Một hoạt động đặc sắc thuộc khuôn khổ sự kiện kéo dài 3 ngày là lễ jesa, được tin rằng sẽ giúp củng cố “mối dây” liên kết giữa người đang sống và đã khuất. Nghi thức lễ có thể khác biệt tùy từng nhà, nhưng nét đặc trưng phổ biến ở jesa là một bàn ăn phong phú được chuẩn bị bởi những người phụ nữ trong gia đình.
Kỷ niệm Tết của chàng thanh niên gốc Hàn James Park hiện sống ở thành phố New York, đều xoay quanh bàn tiệc jesa do mẹ anh chăm chút. “Mẹ cùng các dì tôi dành liên tục nhiều ngày để hoàn tất đủ loại jeon [bánh xèo truyền thống kiểu Hàn] và vô số món ăn thịnh soạn khác”, Park – nhà sản xuất video cho trang web quảng bá ẩm thực Kitchn, bày tỏ. “Tôi yêu mùi hương tỏa ra từ mỗi đĩa bánh jeon nóng hổi. Sau ngày lễ chính tại nhà, anh em tôi đến thăm họ hàng và tiếp tục ăn uống, tham gia các hoạt động khác mùa Tết”.
Park chia sẻ, một nồi súp thịt bò và củ cải trắng bổ dưỡng với tên gọi tang-guk là “món ngon tinh túy” góp mặt thường trực trên bàn tiệc jesa tại nhà anh. “Công thức rất đơn giản, chỉ đòi hỏi vài nguyên liệu thế nhưng lại có thể tạo thành thứ hương vị thanh mát ấm lòng. Tôi nhớ nhất phiên bản tang-guk của mẹ. Mỗi dịp năm mới, bà ấy đều nấu một nồi súp lớn. Cả nhà có thể ăn thỏa thích suốt những ngày Tết mà không ngán”.
|
Tang-guk |
Giờ đây khi phải sống xa nhà, hồi tưởng về lễ Seollal, Park cho biết bản thân vẫn xem đây “như một phần quan trọng trong cuộc sống”. Anh nói: “Tôi muốn trân trọng những nghi lễ, phong tục đã quen thuộc với mình suốt thời niên thiếu. Không thể ở bên nhưng vào mỗi dịp Tết, khi gọi video hỏi thăm sức khỏe bố mẹ, tôi vẫn cung kính cúi đầu hành lễ trước họ. Tôi luôn mong gia đình có thể tận hưởng một năm mới tuyệt vời”.
Món cuốn tôm thịt “hòa quyện” tình thân
Ở Singapore, nơi tác giả sách nấu ăn Sharon Wee sinh ra và lớn lên, Tết là sự kiện văn hóa ẩm thực quy mô. Wee xuất thân từ một gia đình người Peranakan, cộng đồng gốc Hoa có lịch sử di cư từ rất sớm đến các khu vực khác nhau của Đông Nam Á, chủ yếu tại Malaysia, Singapore và Indonesia. Nơi đất khách, qua hàng thế kỉ, họ đã xây dựng một nền văn hóa đa sắc tộc thú vị.
Ngày Tết, cả gia đình Wee cùng tái ngộ, thưởng thức bữa cơm họp mặt gồm một nồi lẩu tỏa hương thơm nghi ngút và nhiều món phụ hấp dẫn. Cô hồi tưởng: “Thuở bé, tôi thường chứng kiến mẹ tất bật chuẩn bị cả bàn ăn lớn nhân buổi sum họp đầu năm. Các thành viên khác trong gia đình chung tay dọn dẹp nhà cửa thật gọn gàng. Chúng tôi dán giấy đỏ mừng tân niên ngoài phòng khách, đổi chăn nệm mới cho phòng ngủ, sắp xếp bánh mứt đầy đủ trên bàn trà để đãi khách”.
|
Ngo hiang |
Tết là thời điểm ấm áp, khi ngôi nhà tuổi thơ luôn được bao bọc bởi mùi hương phảng phất từ căn bếp của mẹ Wee. “Tôi vẫn nhớ mùi ngũ vị hương thơm nồng của món cuốn tôm thịt, mùi sả, ớt, dừa tươi luôn hiện diện trong bếp”, cô nói. “Sau bữa ăn, trẻ con chúng tôi chúc thọ người lớn trong nhà. Trẻ em, người già, thanh niên độc thân đều được nhận lì xì”.
Wee tiết lộ: Ngo hiang, bánh cuốn tôm thịt (làm từ tôm, thịt heo băm nhuyễn cùng ngũ vị hương, bọc trong váng đậu rồi đem chiên giòn) biểu trưng cho sự sung túc – thịnh vượng, là món ngon ngày Tết điển hình được người Peranakan yêu thích.
Nay đã sang Mỹ định cư nhưng Wee vẫn duy trì nhiều tập tục đón Tết truyền thống. Trong dịp tụ hội vui vẻ đầu năm bên người thân, bạn bè, cô thường chuẩn bị các thực đơn kiểu Peranakan mang thông điệp sum vầy. Nữ đầu bếp lý giải: “Tôi muốn ‘nối gót’ thế hệ trước, truyền dạy con cháu về phong tục cũng như nền ẩm thực Tết. Về sau, chúng sẽ tiếp bước tôi gìn giữ những di sản tinh thần đáng quý này”.
Bánh dứa ngọt vị xuân may mắn
Tác gia – chuyên gia ẩm thực Pat Tanumihardja lưu giữ nhiều hồi ức đơn giản mà ấm cúng về Tahun Baru Imlek, tên gọi Tết Nguyên Đán tại quê hương Indonesia của cô. Có dòng máu gốc Hoa lẫn Indonesia, nhưng vì hoàn cảnh, gia đình Tanumihardja không thể hưởng một dịp nghỉ Tết đúng nghĩa mãi tới khi họ di dân đến Singapore.
Cô bày tỏ: “Mùa Tết đầu tiên ở Singapore, lúc ấy tôi còn nhỏ, cả gia đình cùng quây quần quanh bàn ăn tại nhà bà dì. Sau bữa cơm thịnh soạn, đám trẻ bọn tôi hăm hở chờ nhận lì xì. Mẹ tôi đặc biệt thích mặc trang phục đỏ và vàng cho chúng tôi như một cách cầu may vào năm mới”.
Tahun Baru Imlek, kéo dài 15 ngày, được các gia đình Indonesia nhập cư nhiệt tình hưởng ứng. Đến thăm nhà họ hàng, bạn bè sống trong cùng cộng đồng, họ thường tặng nhau quà Tết là những hộp bánh bao nhân cam, dứa ngọt lịm.
|
Kue nastar |
Ở Đông Nam Á, nhiều loại bánh nướng nhân ngọt như bánh bao dứa đặc biệt thịnh hành trong mùa Tết. “Thứ nhất, vì dứa là loại trái cây phổ biển ở nhiều nước Đông Nam Á. Thứ hai, theo niềm tin tín ngưỡng phương Đông, dứa tượng trưng cho may mắn và tài lộc”, Tanumihardja nói.
Tên gọi, hình dáng bánh có thể rất khác biệt tùy từng vùng miền. Tại Indonesia, chúng được gọi là kue nastar. Bánh được tạo hình tròn nhỏ với sắc vàng óng bắt mắt. Lớp nhân gồm mứt dứa được giấu bên trong vỏ bánh thơm ngậy vị bơ. “Trong tiếng Đài Loan, thường được sử dụng bởi người nhập cư gốc Hoa ở Singapore và Indonesia, phát âm của dứa là ‘ong lai’ – hay ‘vận may sẽ đến’”, Tanumihardja cho biết.
Nữ văn sĩ, đang sống tại bang Virginia (miền đông Hoa Kỳ), hy vọng có thể gìn giữ tiếp nối nét đẹp ngày Tết cổ truyền. “Tôi luôn có thói quen trang hoàng nhà cửa, làm các món ăn ngon đón mừng năm mới bên gia đình. Dù cách xa quê hương, tôi muốn dạy con trai tôi những giá trị tốt đẹp về văn hóa Tết”.
Như Ý (theo TheWashingtonPost)