1. Đi ngang hàng xôi đầu làng, nghe mùi thơm lựng của xôi bắp, xôi đậu xanh, đậu đen, lá dứa… cái bụng con nít cồn cào. Tôi dừng lại mua gói xôi 500 đồng mà cứ dòm tới dòm lui cho đã con mắt rồi mới “quyết định”. Người bán cho xôi vào lá chuối, cuộn lại, cột thun, giắt thêm khúc lá dừa làm muỗng. Mùi nếp quyện cùng mùi lá, thơm thơm…
Nhiều năm sau khi lên thành phố học đại học, về quê lần nào tôi cũng ghé hàng xôi cũ mua một gói xôi đậu, có rắc dừa nạo, muối mè. Giá xôi sau này là 2.000 đồng/gói, tăng nhiều so với hồi tôi còn bé. Nhưng tôi ăn gói xôi ấy không phải vì giá quá rẻ so với trên phố, mà chỉ là muốn thưởng thức lại mùi thơm của xôi nếp được gói trong lá chuối.
|
Món ăn dân dã vương thơm mùi lá chuối… - Ảnh: huongsacmientay |
Hồi ấy, những hôm có dư mấy cái gáo dừa (quả dừa khô đã nạo hết cơm dừa rồi bổ đôi để đựng thức ăn), dì bán xôi hay hỏi: “Có muốn ăn xôi trong gáo dừa không con?”. Tôi gật lia gật lịa, khoái chí, hí ha hí hửng ngồi thụp xuống, ngóng từng vá xôi được đơm vào gáo dừa. Ăn kiểu ấy vị giác được kích thích gấp bội vì mùi dừa thơm nức. Mỗi khi nhà nấu cơm nếp, má tôi nạo dừa xong là hai chị em tôi liền mỗi người giữ một nửa cái gáo dừa. Đến lúc ăn thì hớn hở lấy ra xới cơm nếp vào, rồi bê ra đống rơm hay gốc cây, thềm nhà thưởng thức. Thoảng trong gió còn có mùi hương của cánh đồng, cỏ cây.
Lâu lắm rồi tôi không được ăn xôi bằng cách đó. Ở phố, thức ăn chủ yếu đựng trong hộp xốp, túi ni-lông, hộp giấy… Xôi phố đủ màu đủ vị, xôi mặn lẫn xôi ngọt nhưng hiếm có hàng xôi nào gói trong lá chuối hay có gáo dừa để kẻ nhà quê thơ thẩn tìm kiếm hương ngày xưa.
Những thế hệ trẻ thơ ngày ấy đã sống trong không gian trong lành biết mấy. Ra chợ ăn quà không phải lo lắng món này có hóa chất độc hại hay món kia pha bằng nguyên liệu không rõ nguồn gốc.
Tôi cứ nhớ hoài món sữa đậu nành của người chị ngoài bến đò. Chị xay đậu nành, nấu với lá dứa, nồi sữa đậu nành nghi ngút khói từ đằng xa đã nghe dậy mùi thơm. Mỗi lần được “đi huyện”, ra bến đò (cách nhà khoảng 5km) tôi sẽ được mua cho một ly sữa đậu nành đá ngon tuyệt. Nhìn chị múc sữa nóng vào ly, khuấy đều, rồi bào đá cho vào, lòng tôi rộn ràng chờ ly sữa được trao tay.
Thời gian đầu uống sữa đậu nành ở phố, tôi cứ thắc mắc sao không thấy mùi thơm đậm đà, có khi uống thì uống vậy chứ không thấy ngon. Có người bảo do đậu nành bây giờ là loại đậu biến đổi gen, cách trồng khác xưa, có người bảo do người bán dùng thêm hương đậu nành nhân tạo cho có lãi.
2. Bọn trẻ con ngày ấy mê ăn quà vặt rồi vô tư vứt bỏ những tấm lá chuối ngoài đường ngoài ruộng. Cứ thế “rác” xanh phân hủy tự nhiên, người lớn cũng chẳng phải lo lắng gì về rác thải có hại cho môi trường. Những món ăn hồi ấy thật… sinh thái và nhân văn. Giờ thì, nhiều miền quê tôi đi qua, nơi nào cũng có rác thải nhựa, trên những dòng kênh, bờ sông lềnh bềnh hộp xốp, vỏ chai nước. Sự tiện dụng tức thời của đồ dùng nhựa đã bức hại môi trường. Để rồi khi bắt gặp bó rau bó hành được gói trong lá chuối, buộc lạt bày bán trong các siêu thị, lại thấy có chút gì đó thật thân thương, gần gũi, tin cậy.
Những năm một ngàn chín trăm… hồi đó, trong vườn nhà tôi có một khoảnh đất rộng, trồng toàn chuối. Tôi gọi đó là “rừng chuối” vì những lúc chơi trò trốn tìm thì cứ vào rừng chuối ấy, đảm bảo bạn bè tìm không ra. Mỗi dịp tết xóm giềng đến xin, muốn cắt bao nhiêu cũng có. Nhà này làm bánh mang cho người kia cũng gói trong lá chuối: bánh khoai mì nướng, bánh tằm, bánh xèo, bánh da lợn, bắp hầm… Bọn trẻ con chơi đồ hàng cũng bắt chước hái lá chuối gói thức ăn như người lớn. Lũ trẻ ngày ấy nào biết đến hộp xốp là gì.
Hôm trước đọc thông tin từ cuốn sách Loài Plastic - Khi nhựa trỗi dậy (Nhà xuất bản Kim Đồng), tôi giật mình vì những con số mà nhóm tác giả đưa ra: “Ước tính mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra tại Việt Nam nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế. Có khoảng 5 ngàn tỷ mảnh nhựa đã xâm nhập vào đại dương, đủ để có thể rải vòng quanh trái đất 400 lần. Mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn nhựa được thải ra biển, phần lớn là ống hút. Nhựa đã sát hại hơn 1,1 triệu loài chim biển và động vật mỗi năm…”. Những con số biết nói - hậu quả của những thay đổi hành vi sử dụng nhựa của con người chỉ sau vài thập niên.
|
Nhiều bạn trẻ nói không với ly nhựa dùng một lần, tôi cũng đang cố gắng - Ảnh minh họa |
Mới đây tôi đi mua bắp luộc, người khách cùng mua hàng dặn dò: “Em nhớ đừng bao giờ để ngô nóng hay các món ăn nóng trong túi ni-lông, độc hại lắm nghen”. Lâu rồi tôi đã tập thói quen hạn chế tối đa việc phải lấy túi ni-lông hay hộp xốp khi đi chợ. Rau củ thì để trong giỏ mây mang theo, các loại nước ép thì nhờ người bán cho vào bình nước cá nhân, mua thức ăn sáng ở những quán gần nhà thì mang theo đồ đựng. Thực hành một thói quen cũng là cách để tự vấn, tự thấy bản thân có lỗi sau quá nhiều năm vô tư sử dụng ni-lông, đồ nhựa.
Biết rằng mọi thứ đều phải thay đổi trên những nấc thang “tiến hóa” của loài người, có những điều chẳng thể nào quay lại thuở xưa. Nhưng điều ta có thể làm được bây giờ vì môi trường có lẽ là thay đổi cách nghĩ, hành vi tiêu dùng của chính mình.
Bùi Tiểu Quyên