Những món ăn nổi tiếng bị cấm ở nhiều nước

13/10/2024 - 16:53

PNO - Các món ăn này là đặc trưng ẩm thực truyền thống của nhiều quốc gia, song là nỗii ám ảnh của thế giới, thậm chí chính nơi "khai sinh" ra chúng.

Gan ngỗng béo (Foie gras). Ảnh: Vile Oksanen.
Gan ngỗng béo (Foie gras) - Ảnh: Vile Oksanen

Được xem là nét văn hóa đặc trưng của ẩm thực nước Pháp, gan ngỗng là một trong những món ăn xa hoa và hấp dẫn của thế giới. Tuy nhiên, món ăn này vấp phải nhiều luồng ý kiến về cách chế biến. Vì ngỗng được lựa chọn thực hiện món ăn được vỗ béo đặc biệt trong vòng 2 tuần, người ta sẽ mang ngỗng ra giết mổ và lấy gan chế biến. Các nhà hoạt động vì quyền động vật thì cho rằng quá trình vỗ béo ngỗng là một hành vi sai trái.

Chính vì lẽ đó, nhiều nước đã ban lệnh cấm ăn gan ngỗng là Ấn Độ, Israel, Argentina, nhiều nước ở châu Âu và nhiều bang tại Mỹ.

Thực khách dùng món họa mi nướng rượu phải chùm một chiếc khăn trăng. Ảnh: MAXPP/Richard Cottenier.
Thực khách dùng món họa mi nướng rượu phải trùm một chiếc khăn trắng - Ảnh: MAXPP/Richard Cottenier

Tương tự gan ngỗng béo, họa mi nướng rượu cũng có nguồn gốc từ Pháp. Để chế biến món này, người ta bắt chim nhốt vào lồng chật, không để chim nhúc nhích được. Để gia tăng kích thước chim trước khi đem nhúng rượu, người ta sẽ cho chim ăn hạt kê, nho khô và quả sung... để làm tăng kích thước của họa mi từ 2-4 lần. Để thưởng thức món này theo truyền thống, thực khách sẽ dùng một chiếc khăn lớn để trùm đầu khi ăn. Khăn có công dụng lưu giữ mùi hương của món ăn và đảm bảo lịch sự khi nhai, nhả xương. Đây cũng được cho là cách để người ăn né tránh đôi mắt của Chúa, khi họ đang nhai xương một con chim xinh đẹp từng bị bắt và chế biến tàn nhẫn.

Liên đoàn bảo vệ chim của Pháp công bố số lượng họa mi đã giảm 30% từ năm 1997 đến năm 2007. Trong đó, ước tính 30.000 con bị bắt mỗi năm, quanh khu vực Aquitaine. Năm 2007, Chính phủ Pháp ban hành lệnh cấm săn bắt, với mức phạt tối đa 6.000 euro để bảo vệ loài chim này. Việc giết và chế biến chim họa mi cũng bị cấm trên khắp châu Âu.

Nước ép mắt cừu (mắt cừu tươi). Ảnh: Disgusting Museum
Nước ép mắt cừu (mắt cừu tươi) - Ảnh: Disgusting Museum

Món ăn này thường xuất hiện trong các bữa tiệc hoặc dịp lễ hội, được xem là thước đo của sự dũng cảm và khả năng chịu đựng của người Mông Cổ. Theo đó, tại Mông Cổ, cừu là một phần quan trọng trong ẩm thực và văn hóa, chúng cung cấp thịt, sữa và các sản phẩm khác. Một số người Mông Cổ tin rằng 1 ly nước ép cà chua hoặc cà rốt, có trang trí mắt của 1 con cừu là phương thuốc nhanh nhất để chữa đau đầu, chóng mặt.

Theo CBS News, nước ép mắt cừu được trưng bày ở bảo tàng những món ăn kinh dị (Disgusting Museum) ở Malmo, Thụy Điển.

Haggis (từ phổi cừu). Ảnh: Adobe Stock
Haggis (từ phổi cừu) - Ảnh: Adobe Stock

Haggis là món ăn nổi tiếng của người Scotland, bao gồm nội tạng của cừu được băm nhỏ, trộn với hành tây, gia vị... và nhồi trong dạ dày của cừu rồi luộc chín. Chính vì món ăn có liên quan đến nội tạng, đặc biệt là phổi cừu, nên Haggis bị cấm không được nhập khẩu vào một số quốc gia, trong đó có Mỹ.

Trứng của cá tầm Beluga. Ảnh: Getty
Trứng của cá tầm Beluga - Ảnh: Getty

Trứng cá muối tượng trưng cho sự sang trọng nhưng đắt đỏ. Tuy nhiên cá tầm Beluga đang nằm trong danh sách những loài cá có nguy cơ tuyệt chủng. Năm 2005, Hiệp hội bảo vệ cá và các loài động vật hoang dã Mỹ đã cấm nhập khẩu trứng cá muối Beluga.

Bánh Lớp vỏ bên ngoài giòn, bên trong là nhân mềm gồm thịt cừu hoặc bò xay, mỡ phần đuôi và gia vị. Ảnh: Bbivirys
Bánh Samosas (samsa) với lớp vỏ bên ngoài giòn, bên trong là nhân mềm gồm thịt cừu hoặc bò xay, mỡ phần đuôi và gia vị - Ảnh: Bbivirys

Có nguồn gốc từ các nước Trung Đông và Trung Á, Samosas là món bánh chiên với nhân là thịt và rau, có hình tam giác. Tuy nhiên, món bánh này bị cấm ở Somali vì nhóm hồi giáo Al-Shabaab cho rằng hình dáng của món ăn này giống biểu tượng của Chúa ba ngôi. Nhóm đã chạy xe khắp cả nước để tuyên truyền với người dân cấm món ăn này.

Quốc Thái (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI