Những ngày này, “mùi của tết” đã xộc vào từng nhà. Khắp nơi, không khí xuân khiến lòng người nôn nao. Trong cái rộn ràng, háo hức ấy, Jenny nhớ những cái tết xưa, nhớ những món ăn đã đi vào tiềm thức.
Món thịt đông phương Bắc
Ngày xưa chỉ đến tết mới được ăn thịt đông, nên Jenny vẫn nhớ món ăn của những ngày thơ bé. Hồi ấy, tết ở quê năm nào cũng lạnh căm, món thịt đông trông rất ngon với nước thịt sánh đặc, trong veo.
Món này được làm từ thịt ba chỉ, cộng thêm da gà, tất cả mang đi nấu nhừ. Thịt mềm, lấy nồi thịt ra khỏi bếp và đặt ở ngoài sân, đậy kỹ cho món ăn thu lấy cái rét mướt của đất trời vào đêm; đến sớm hôm sau đã có nồi thịt đông đẹp mắt. Giữa tiết trời se lạnh, thưởng thức món thịt đông mang lại cảm giác ngon miệng và hấp dẫn đến lạ. Giờ hầu như nhà ai cũng có tủ lạnh, mọi thứ đơn giản hơn rất nhiều. Hãy thử làm món thịt đông này cho nhà mình đón tết, dù bạn là người miền Bắc hay miền Nam.
Nồi thịt kho trứng trứ danh
Vừa nhắc đến thôi, lòng Jenny đã rộn ràng quá đỗi. Lớn lên ở miền Nam, Jenny hòa nhập rất nhanh với phong vị tết của người Nam bộ, đặc biệt là món thịt kho trứng lừng danh.
Tưởng tượng cuốn một miếng trứng, một miếng thịt, chút dưa giá, cảm nhận mùi mỡ tan trên đầu lưỡi, mùi nước dừa ngọt ngào, đã nghe yêu thương ùa về. Thương thương, nhớ nhớ.
Một cậu bạn của Jenny từng chia sẻ: “Đi đâu thì đi, tết phải về nhà, để nhìn nồi thịt kho rệu, nhìn mẹ chăm chút cho miếng thịt trong veo, nước thịt đậm đà... Không thể dời mắt khỏi hình ảnh ấy. Thế nên, có năm vì công việc không về được, nhìn đâu cũng nhớ dáng mẹ kho thịt ngoài vườn, bằng củi...”. Jenny nghe mà thương bạn. Có những điều đã trở thành hình ảnh bất tử trong lòng mình. Đôi khi ăn một miếng thịt kho là thấm đẫm những kỷ niệm.
Jenny biết mỗi bà mẹ miền Nam đều có bí kíp cho nồi thịt kho của riêng mình. Nhưng tất cả đều đặc biệt như nhau: chứa chan tình cảm với những đứa con.
Về miền Tây ăn tết với bánh tét lá cẩm
Jenny đặc biệt thích món bánh tét lá cẩm vì màu sắc đặc trưng của nó: màu tím. Bánh cũng nhân đậu nhưng có thêm trứng muối, thịt mỡ, lạp xưởng. Nhìn thôi đã thấy bắt mắt. Tết năm nay, sao chúng ta không thử đổi vị, thay vì ăn bánh chưng, bánh tét truyền thống, sẽ là bánh tét lá cẩm, một món ăn rất Nam bộ?
Bánh bó
Một món ăn ngày tết nữa của người miền Trung làm Jenny mê mẩn chính là bánh bó, người Huế còn gọi là bánh lăn. Bó hay lăn cũng chính là một trong những công đoạn làm bánh.
Nguyên liệu chính làm bánh bó là nếp, đường, cà chua chín, quất, cà rốt, bí đao, gừng, chuối ép và dứa.
Theo kinh nghiệm được người xưa truyền lại, muốn bột nếp dẻo, trắng và ngon, bắt buộc phải rang trong những chiếc om hay nồi đất. Rang lâu quá hạt nếp sẽ cứng, nhưng nếu nhanh quá hạt nếp còn sống, khi giã sẽ bị nhão. Rồi người ta rim mứt để “bó" cùng bột. Tỉ mẩn xắt cà chua, quất, bí đao, dứa, gừng, chuối ép ra từng lát mỏng. Riêng cà rốt thì băm thành từng hạt nhỏ như hạt lựu. Tất cả cho vào chảo cùng một ít đường rim với lửa nhỏ đến khi đã nổi bong bóng lăn tăn trên mặt chảo, trộn đều rồi canh đúng lúc nước đường gần như đặc quánh, những lát trái cây trở thành mứt dẻo, miếng nào miếng nấy săn lại đẫm chất đường thì tắt bếp, để nguội.
Công đoạn thì rắc rối, lại còn bó lăn... Jenny quả thực không làm sao nhớ hết, dù đã nhiều lần nhìn thấy.
Ôi, tết đã thực sự đến rất gần rồi đấy!
Thịt heo ngâm nước mắm - món ăn ngày tết của người miền Trung
Tết về miền Trung sẽ thấy nhà nào cũng có một hũ thịt heo ngâm nước mắm trong ngăn bếp, dùng để đãi khách nhâm nhi. Đưa một miếng thịt vào miệng, cảm nhận mùi thơm đặc trưng của nước mắm, vị béo béo, ngọt ngọt, mặn mặn kích thích vị giác, khiến bạn “say” quên cả đường về.
Năm nào Jenny cũng tự tay làm cho nhà mình một hũ thịt ngâm nước mắm để ăn tết. Cách làm rất đơn giản. Bạn chỉ cần chọn mua thịt ba rọi/thịt đùi ngon, rửa sạch, dùng dây lạt quấn lại cho thật chặt, để khi luộc thịt chín miếng thịt sẽ quyện lại thành một khối săn chắc. Bắc nồi lên bếp, nước sôi cho thịt vào luộc. Canh cho thịt vừa chín tới là vớt ra, cho vào thau nước lạnh ngâm để thịt được trắng. Chừng 15-20 phút vớt thịt ra, cho vào tủ lạnh vài giờ giúp miếng thịt săn và khô hơn. Cho nước mắm, đường và giấm vào nồi bắc lên bếp để lửa riu riu, khuấy đến khi tan hết đường, hỗn hợp keo sền sệt thì nhắc nồi xuống, cho tỏi xắt miếng mỏng, tiêu đập giập, ớt rửa sạch vào, để thật nguội.
Xếp thịt vào một cái hũ thủy tinh trụng qua nước sôi, lau khô, rồi đổ hỗn hợp nước mắm vào cho ngập thịt. Dùng đũa tre dằn để thịt không nổi lên, đậy kín nắp hũ, bảo quản nơi khô ráo.
Món này làm đạt yêu cầu là phần mỡ phải trong, phần thịt ửng hồng, ăn giòn giòn, vị mặn ngọt và chua nhẹ.
Jenny Lê