Những mô hình bứt phá trong phòng chống dịch COVID-19 tại TPHCM

30/10/2021 - 18:17

PNO - Mô hình tháp đa tầng điều trị COVID-19, trạm y tế lưu động, tổng đài tư vấn từ xa,... là những mô hình hay, hiệu quả trong phòng, chống COVID-19 tại TPHCM.

Chiều 30/10, tại Hội nghị sơ kết Công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngành Y tế TPHCM – Đợt dịch lần 4 ở Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhìn nhận có thời điểm việc dự báo diễn biến dịch không theo kịp sự lây lan của biến chủng Delta.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế, cuối tháng 4/2021, ca nhiễm đầu tiên ở quận Bình Tân khởi phát dịch COVID-19 đợt 4 tại TPHCM. Tiếp đó, ngày 18/5, tại quận 7 và TP. Thủ Đức phát hiện 2 ca F0 cộng đồng. Đây là 2 trường hợp người bệnh nhiễm chủng Delta. Đến ngày 27/5, Bệnh viện Nhân dân Gia Định phát hiện 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, truy vết dịch tễ phát hiện các chùm ca liên quan đến điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng quận Gò Vấp. Đây cũng là giai đoạn số ca mắc COVID-19 càng ngày càng cao.

Mô hình Trạm Y tế lưu động tại quận 11
Mô hình Trạm Y tế lưu động tại quận 11

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết: "Để ứng phó, kiểm soát dịch, Thành phố đã áp dụng hàng loạt giải pháp, từ xét nghiệm phát hiện, bóc tách F0, tiêm vắc xin điều trị F0, triển khai mô hình tháp 3 tầng, tổ chức cách ly tại nhà, cấp cứu và vận chuyển cấp cứu,...

Tuy nhiên, ngành Y tế Thành phố cũng gặp phải một số điểm yếu trong công tác ứng phó với dịch bệnh. Đầu tiên là công tác dự báo chưa theo kịp diễn biến của dịch bệnh. Tiếp đến là năng lực xét nghiệm của Thành phố lúc đó cũng chưa tương xứng với tốc độ lây lan quá nhanh của chủng Delta. Cách ly tập trung toàn bộ F0 gây quá tải,..."

Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, những điểm yếu này xuất phát từ thực tế đại dịch mới, chưa có tiền lệ, chưa từng xảy ra nên ngành Y tế ban đầu chưa ứng xử kịp thời, dân số TPHCM đông khiến tốc độ dịch lây lan rất nhanh trong thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, hệ thống y tế cũng chưa dự báo đầy đủ, cũng chưa tổ chức diễn tập trước đó. Hệ thống y tế cơ sở, y tế cộng đồng chưa được đầu tư đúng mức, chưa có chính sách thu hút hệ thống y tế tư nhân tham gia. Ứng dụng công nghệ thông trong công tác phòng, chống dịch chưa khoa học và đồng bộ.

Trung tâm H.O.P.E chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ là sản phụ mắc COVID-19 của Bệnh viện Hùng Vương
Trung tâm H.O.P.E chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ là sản phụ mắc COVID-19 của Bệnh viện Hùng Vương

Tuy nhiên, với nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát dịch, điều trị nhanh cho người dân, TPHCM đã có rất nhiều cuộc họp, tham vấn chuyên gia,... nhằm đưa ra các mô hình hay, hiệu quả góp phần phòng, chống dịch COVID-19.

Nổi bật là những mô hình như Mô hình Tháp 3 tầng thu dung điều trị với Tầng 1 dành cho F0 không triệu chứng hoặc nhẹ, được 530 trạm y tế lưu động chăm sóc cho F0 tại nhà,  201 cơ sở cách ly tập trung tại các quận huyện và TP. Thủ Đức với 39.000 giường; Tầng 2 cấp cứu và điều trị F0 từ nhẹ, trung bình, nặng, có bệnh nền, nguy cơ cao với hơn 80 bệnh viện điều trị COVID-19 được chuyển đổi, tổng cộng hơn 60.000 giường; Tầng 3 có khoảng 4.600 giường của 10 bệnh viện, Trung tâm Hồi sức COVID-19, các bệnh viện thuộc Thành phố, Trung ương, các Bộ ngành hỗ trợ.

Từ tháng 7, TPHCM triển khai cách ly F0 tại nhà để tạo tâm lý thoải mái, an toàn cho bệnh nhân, mô hình Trạm Y tế lưu động ra đời do y tế địa phương đang quá tải. Mô hình Trạm y tế lưu động do nhân viên của Bộ Quốc phòng hỗ trợ, thiết lập 525 trạm y tế lưu động. Các trạm y tế lưu động quản lý, chăm sóc, điều trị, cấp cứu F0.

Mô hình tư vấn F0 từ xa qua tổng đài 1022 của các chuyên gia, các bác sĩ đã về hưu của Hội Y học TPHCM tham gia tư vấn, kịp thời theo dõi và phát hiện chuyển viện cho các F0 chuyển nặng.

Mô hình hoán cải xe vận chuyển hành khách, xe taxi thành xe vận chuyển người bệnh, có 260 xe Phương Trang 16 chỗ cải tiến thành xe cứu thương đơn giản, và 100 xe taxi Mai Linh (4-7 chỗ) cải tiến thành xe chuyển bệnh cấp cứu do thời điểm này xe cứu thương chuyên dụng của bệnh viện không thể đáp ứng kịp.

Mô hình chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng của Trường Đại học Y dược TPHCM

Mô hình "bệnh viện chị em" là các bệnh viện lớn, Trung ương được giao nhiệm vụ tập huấn, đào tạo và hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện tuyến dưới.

Mô hình bệnh viện dã chiến 3 tầng được ghép lại từ các Bệnh viện Dã chiến Thành phố và Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19. Lúc này, F0 được chỉ định nhập viện chỉ điều trị tại một bệnh viện, tùy theo tình trạng, diễn tiến bệnh, bệnh nhân được điều trị tại tầng tương xứng.

Mô hình Trung tâm H.O.P.E do Bệnh viện Hùng Vương thực hiện, trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh là con của sản phụ không may mắc COVID-19.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI