Bài 1: Hỗ trợ 100% kinh phí rồi vận động trả lại một nửa
Tháng 7/2021, Trung tâm Khuyến nông TPHCM gửi văn bản kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM duyệt quyết toán ngân sách nhà nước cho bảy mô hình thử nghiệm mà đơn vị này thực hiện từ năm 2019. Tuy nhiên, đến nay, sở vẫn chưa thể phê duyệt quyết toán. Khi tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy rất nhiều điều bất thường liên quan đến những mô hình khuyến nông này.
Kết quả khác xa báo cáo
Lần theo báo cáo về mô hình “Nuôi cua hai giai đoạn” đạt hiệu quả cao của Trung tâm Khuyến nông TPHCM, chúng tôi tìm gặp bà Đ.T.C. - ở ấp Tân Điền, xã Lý Nhơn, H.Cần Giờ, là một trong những người nuôi cua theo mô hình này. Bà C. xác nhận, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) có hỗ trợ gia đình 100% tiền mua cua giống và khoảng 150kg thức ăn. Trên diện tích khoảng 0,5ha, gia đình bà C. thả 15.000 con cua giống. Đó là lần đầu tiên gia đình bà C. nuôi cua với mật độ dày như vậy.
Chưa hết ngạc nhiên, bà C. kể: “Mô hình này lạ lắm. Một cái ao nhỏ vậy mà thả quá trời cua thì làm sao nó sống? Chết hết trơn hà. Lúc đó, tui cũng nói với mấy ảnh là tính lại đi, không thể nuôi cua với mật độ dày, chúng sẽ hủy diệt nhau và sinh bệnh và chết khoảng 80%. Khi thu hoạch, chỉ được vài trăm ký cua. Bây giờ, nếu có cho tiền, tui cũng không dám nuôi vậy nữa đâu”.
|
Người dân ở H.Cần Giờ phản ánh mô hình “Nuôi cua hai giai đoạn” không hiệu quả và họ cũng không có khả năng để hoàn trả lại một nửa kinh phí |
Một trường hợp khác cũng nuôi cua theo mô hình này là gia đình ông N.V.H. - ở ấp Doi Lầu, xã An Thới Đông, H.Cần Giờ. Bà K.N. - vợ ông H. - nói: “Lúc đó, bên khuyến nông hỗ trợ 100% con giống và vật tư. Nhưng nhắc đến rầu lắm, nuôi bốn tháng mà cua chết gần hết, có bắt được bao nhiêu cua đâu”. Sau đợt thực hiện theo mô hình “Nuôi cua hai giai đoạn” đó, vợ chồng bà K.N. không còn nuôi cua nữa, chỉ đi làm mướn sống qua ngày.
Khác với phản ánh của người dân, trong báo cáo gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM vào cuối năm 2020, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho rằng, mô hình “Nuôi cua hai giai đoạn” được thực hiện tại nhà bà C. và ông H. với tỷ lệ cua sống trong giai đoạn 1 là 80%, giai đoạn 2 là 35 - 40%, nâng cao tỷ lệ cua sống so với mô hình truyền thống trước đây, giúp đạt sản lượng cao…
Về giá, trao đổi với chúng tôi, hai hộ dân thực hiện mô hình “Nuôi cua hai giai đoạn” cho biết, cua giống do Trung tâm Khuyến nông TPHCM cung cấp và họ không biết giá bao nhiêu. “Nếu là cua tiêu, chúng tôi mua chỉ có vài trăm đồng một con giống. Cua của bên khuyến nông giao lớn hơn một chút, tôi nghĩ chắc giá khoảng 1.000 đồng/con là cao” - với kinh nghiệm mấy chục năm nuôi cua, bà C. nói. Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, giá cua giống được Trung tâm Khuyến nông TPHCM tính là 3.100 đồng/con. Với số lượng 30.000 con giống, tiền cua giống tốn 93 triệu đồng, là tiền sử dụng từ ngân sách nhà nước hỗ trợ người dân.
Hỗ trợ kiểu nửa vời
Tại H.Cần Giờ, Trung tâm Khuyến nông TPHCM còn thực hiện mô hình “Xây dựng hệ thống biogas xử lý bùn thải trong nuôi tôm” tại hộ ông N.H.N. (ấp Trần Hưng Đạo, xã Tam Thôn Hiệp). Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông TPHCM, đơn vị này triển khai mô hình tại hồ nuôi tôm của ông N. trong vòng 12 tháng (từ tháng 7/2019 đến tháng 9/2020) với kinh phí hỗ trợ hơn 23,5 triệu đồng và nghiệm thu vào ngày 15/9/2020. Báo cáo nêu: “Trong thời gian triển khai 12 tháng, mô hình đã mang lại nhiều hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tăng thu nhập cho người dân”.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông N.H.N. cho biết, việc triển khai mô hình này không suôn sẻ. Cụ thể, khi triển khai, Trung tâm Khuyến nông TPHCM cho biết, sẽ hỗ trợ người dân 100% kinh phí xây dựng với tổng số tiền hơn 47 triệu đồng. Thời điểm đó, nhà thầu đã lắp đặt các bồn biogas ở trại tôm nhưng ngay sau đó phải tạm dừng do Trung tâm Khuyến nông TPHCM cho biết chỉ hỗ trợ 50%.
“Họ đến lắp bồn biogas rồi dừng lại, yêu cầu tôi mua máy móc. Bên khuyến nông giải thích rằng chính sách đã thay đổi, không thể duyệt hỗ trợ 100% và tôi phải tham gia vốn đối ứng 50% còn lại, tức là hơn 23 triệu đồng, để lắp máy móc. Năm 2020, sau khi được vận động, tôi mới mua máy móc lắp vào vận hành hệ thống” - ông N. phản ánh.
Đối với mô hình “Chăn nuôi bò sữa hoàn chỉnh” cho nông dân ở H.Củ Chi, ông D.V.N. - ở ấp Gò Nổi, xã An Nhơn Tây, một trong những hộ thực hiện mô hình này - cho biết, năm 2019, gia đình ông được Trung tâm Khuyến nông TPHCM hỗ trợ thức ăn chăn nuôi trong vòng sáu tháng: “Khi khảo sát thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cam kết sẽ hỗ trợ 100% kinh phí nhưng sau đó, chúng tôi chỉ được hỗ trợ thức ăn trong vòng ba tháng. Ba tháng sau, chúng tôi phải tự lo kinh phí”.
Trong khi đó, theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, đơn vị này đã triển khai thí điểm mô hình “Chăn nuôi bò sữa hoàn chỉnh” tại hộ anh N. trong thời gian năm tháng (từ tháng 6 - 10/2019) với kinh phí hỗ trợ hơn 83 triệu đồng. Đến tháng 12/2020, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM mới nghiệm thu mô hình này và đánh giá đạt hiệu quả, như tăng sản lượng sữa, cải thiện mức stress nhiệt.
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia trong lĩnh vực khuyến nông ở khu vực Đông Nam bộ nói: “Mô hình chăn nuôi kết thúc từ năm này mà mãi đến hơn một năm sau mới đánh giá, nghiệm thu là không đúng bởi khi đó, kết quả nghiệm thu khó mà chuẩn xác”. Ông cho biết, việc nghiệm thu phải đúng thời điểm mới xác định được mô hình có thành công hay không.
Triển khai mô hình khuyến nông sai quy định
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông TPHCM, năm 2019, đơn vị đã thực hiện bảy mô hình khuyến nông tại huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi, Q.9 (nay là TP.Thủ Đức). Cơ sở pháp lý đơn vị này triển khai các mô hình nêu trên là Quyết định số 48/2012/QĐ-UBND ngày 15/10/2012 của UBND TP.HCM. Với cơ sở pháp lý này, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM sẽ sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ người dân 100% giống, vật tư thiết yếu với số tiền hơn 430 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm triển khai các mô hình, Quyết định số 48/2012/QĐ-UBND đã hết hiệu lực pháp lý vì theo Nghị định 83/2018/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 10/7/2018), mức hỗ trợ cho các mô hình khuyến nông nêu trên là không quá 50%.
Một năm sau khi triển khai mô hình “Nuôi cua hai giai đoạn”, Trung tâm Khuyến nông TPHCM đã quay lại nhà các hộ dân ở huyện Cần Giờ, Nhà Bè để vận động trả lại 50% kinh phí đã hỗ trợ. Tuy nhiên, hầu hết các hộ dân đều cho biết không có khả năng trả lại kinh phí. Chính quyền địa phương cũng đề xuất Trung tâm Khuyến nông TPHCM thực hiện đúng cam kết ban đầu, không thu hồi kinh phí đã hỗ trợ cho người dân.
Lý giải về việc vận dụng sai cơ sở pháp lý để thực hiện mô hình khuyến nông, ông Phạm Lâm Chính Văn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TPHCM - cho biết, trước đây, khi lập dự toán cho các mô hình thử nghiệm, trung tâm áp dụng theo Quyết định số 48/2012/QĐ-UBND của UBND TPHCM với mức hỗ trợ giống và vật tư thiết yếu là 100%. Khi triển khai mô hình, Nghị định 83/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực nhưng chưa có hướng dẫn nên đơn vị có lúng túng. Sau đó, đơn vị đã điều chỉnh lại mức hỗ trợ theo đúng quy định. Chính sự điều chỉnh này đã dẫn đến việc người dân chỉ được hỗ trợ nửa chừng (chỉ hỗ trợ một nửa so với cam kết lúc triển khai) hoặc được vận động trả lại tiền. Ông Phạm Lâm Chính Văn cũng xác nhận có sai sót trong việc lập dự toán hỗ trợ thức ăn cho mô hình thử nghiệm.
Về phản ánh mô hình “Nuôi cua hai giai đoạn” không hiệu quả, tỷ lệ cua chết nhiều, ông Phạm Lâm Chính Văn cho rằng, có thể người dân nhớ không rõ và sẽ cho kiểm tra lại vấn đề này. Về việc giá cua giống do trung tâm cung cấp cao hơn giá cua giống trên thị trường, ông Phạm Lâm Chính Văn cho rằng, giá cua giống này đã qua đấu thầu minh bạch, trung tâm phải khảo sát chọn giống cua phù hợp với mô hình, cua đã qua kiểm dịch.
Trao đổi với phóng viên, một số cán bộ công tác trong ngành khuyến nông cho biết, việc áp dụng Quyết định số 48/2012/QĐ-UBND của UBND TPHCM để triển khai mô hình năm 2019 là không đúng quy định. Vì Nghị định 83/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực chín tháng trước khi Trung tâm Khuyến nông TPHCM triển khai mô hình thử nghiệm chứ không phải khi đang khảo sát hoặc mới triển khai. Không thể căn cứ vào việc lập dự toán để triển khai các mô hình sai quy định tại nghị định của Chính phủ.
Lẽ ra, Trung tâm Khuyến nông TPHCM không thực hiện mô hình này vì dự toán đã không còn phù hợp với cơ sở pháp lý. Việc vận dụng sai cơ sở pháp lý để triển khai mô hình đã làm ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước, cần được thu hồi hoặc xử lý các cá nhân liên quan trong trường hợp không thể thu hồi. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc đến nay, số tiền hơn 430 triệu đồng vẫn chưa thể quyết toán được, trong khi ngân sách đã chi từ năm 2019.
Nhóm phóng viên
Kỳ tới: Hỗ trợ máy móc tùy tiện, nông dân chịu thiệt