|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Khi đó, tôi mới tốt nghiệp đại học và dạy tiếng Anh ở một trung tâm ngoại ngữ khá nổi tiếng. Sau vòng phỏng vấn, tôi còn phải trải qua khóa đào tạo trong hai tuần để nắm bắt phương pháp dạy theo phong cách của trung tâm này.
Ví dụ trong hai tiết học dành cho các bé tám tuổi, với nội dung bài học có sáu từ vựng, giáo viên phải biết cách biến hóa sáu từ vựng đó thành trò chơi sinh động lôi cuốn các em tò mò hứng khởi suốt 90 phút. Ngoài ra, tôi còn phải học kỹ năng làm Powerpoint để biến bài học thành bộ phim hoạt hình, giúp các bé hào hứng…
Kể rõ ra vậy để bạn đọc hiểu thời gian và công sức chuẩn bị trước mỗi tiết học dành cho lứa tuổi thiếu nhi là rất kỳ công. Sau này tôi mới biết, các giáo viên có kinh nghiệm thích chọn dạy các lớp lớn.
Họ nửa đùa nửa thật mà thật nhiều hơn đùa rằng giáo viên trẻ mới rảnh thời gian “chơi với con nít”, chưa kể còn phải khéo léo giao tiếp sao cho các bé cảm mến cô giáo mà chịu học. Mà con nít cảm mến nhiều thì cũng dễ sinh ra lờn. Vậy là tôi phải vừa đủ nghiêm khắc cho học trò nể sợ đồng thời đủ dễ thương để được học trò cảm mến.
Có thể nói, quãng thời gian dạy các lớp thiếu nhi ở trung tâm đó đã cho tôi những bài học đắt giá và để lại nhiều kinh nghiệm cũng như kỷ niệm khó quên.
***
Kinh nghiệm và kỷ niệm đáng nhớ nhất là bé Ngọc. Bé mười tuổi. Buổi học đầu tiên, tôi hướng dẫn các bé tự giới thiệu tên và chào hỏi nhau. Bé bạo dạn thì nhấp nhổm, háo hức chờ đợi đến phiên mình là nhanh nhảu đứng thẳng người nói năng rõ ràng, bé rụt rè thì đợi tôi nhắc thêm lần nữa mới đứng lên một cách ngại ngùng và nói lí nhí.
Đến phiên Ngọc, cô bé ngồi yên tại chỗ mà cộc lốc: “Tên Ngọc”.
Nói rõ thêm, do học phí trung tâm này khá cao, ngoại trừ các em được nhận học bổng, còn lại đều là con cháu gia đình giàu có. Phần lớn học trò vẫn là con nít dễ thương nhưng cũng có nhận xét phàn nàn một số em xử sự như thể thầy cô giáo là người giúp việc nhà mình và kinh nghiệm là phải uốn nắn học trò ngay từ giây phút đầu tiên, không để cho sự vô phép tái diễn.
Với bé Ngọc thì kinh nghiệm nào cũng chịu thua. Đang học từ vựng thì bé bày ra vẽ vời, tôi nhắc nhở thì bé nói: “Cô chê tranh em vẽ xấu phải không?”. Cả lớp đang hào hứng chơi trò chơi thì bé mở sách ra và đòi tôi dạy cách phát âm một từ nào đó… Ngọc học rất khá. Dù chưa bao giờ có kính ngữ “dạ thưa cô” nhưng trả lời tại lớp thì bé luôn đúng. Tuy vậy, bài tập về nhà thì bé không chịu làm với lý do không hiểu bài…
Lại nói rõ thêm, tiền lương giáo viên của chúng tôi lệ thuộc vào nguồn thu học phí nên quy định bất thành văn là lớp nào có học trò đòi nghỉ với lý do “không thích cô giáo” thì rất phiền, nếu không giải trình được lý do chính đáng thì sẽ không được ký tiếp hợp đồng làm việc.
Có vẻ như bé Ngọc biết rõ điều này và coi đó là điểm yếu của giáo viên. Bé cố tình gây đủ chuyện vì biết tôi… không dám nổi giận.
Cho tới khi tôi phải đề nghị nhân viên lễ tân liên lạc với phụ huynh của bé Ngọc thì nhân viên lễ tân lè lưỡi: “Trời ơi, phụ huynh bé Ngọc đó hả? Lúc nào chở con tới đây họ cũng cãi nhau ồn ào…”.
|
Khác với những đứa trẻ ngoan, bé Ngọc luôn cộc lốc, chống đối giáo viên (Ảnh minh họa) |
***
Thật lòng mà nói, ban đầu, tôi ghét bé Ngọc. Tôi đã kỳ công chuẩn bị cho buổi học được hấp dẫn mà chỉ cần bé Ngọc thốt lên một câu chê bai là cả lớp cụt hứng và không khí hụt hẫng, coi như bao thời gian và công sức của tôi tiêu tan.
Bé Ngọc còn khiến tôi bị bẽ mặt trước các học trò khác vì mỗi hành xử của bé đều có hàng chục đôi mắt dõi theo chờ đợi sự khiển trách của cô giáo mà tôi thì chẳng làm được gì. Nhẹ nhàng khuyên bảo thì Ngọc hếch mặt như thể: “Thôi cái kiểu dụ dỗ này đi cô ơi”, nghiêm khắc thì bé phản ứng bằng cách: “Cô giảng khó hiểu quá sao em làm bài được”.
Hình phạt học trò sợ nhất là không được tham gia trò chơi sau mỗi tiết học mà bé Ngọc thì nhìn các bạn chơi với vẻ coi thường như buộc phải chứng kiến một trò ngớ ngẩn vô tích sự…
Từ khi biết cha mẹ bé thường xuyên cãi nhau ngay cả khi đang ở nơi công cộng, tôi hiểu ra và thấy thương thương. Tôi cảm thấy cách hành xử của bé là tấm gương phản chiếu những cuộc cãi cọ giữa cha mẹ mà hẳn là ai cũng muốn giành phần thắng cho bằng được.
Thái độ coi thường cô giáo và bạn bè có phải là phản chiếu cách hành xử cha mẹ bé dành cho nhau? Bé đã phải học những bài học không hề dành cho con nít và điều đó biến bé thành một đứa trẻ già dặn rất biết cách làm cho người khác tổn thương và coi đó như chiến thắng của mình.
Thái độ coi thường tất cả và những câu châm chích đột ngột vang lên nhiều khi ngắt ngang niềm hứng khởi vui học của cả lớp. Tôi hiểu và tôi sẵn lòng bỏ qua mọi trò bé gây ra nhưng không thể để bé gây ảnh hưởng xấu đến cả lớp mãi.
Chẳng còn cách nào khác, tôi đành báo với ban giám đốc xin cho bé Ngọc ra khỏi lớp. Nhớ buổi học đầu tiên không thấy bé Ngọc, cả lớp ồ lên như thoát nạn: “Bạn Ngọc chuyển lớp khác rồi hả cô?”. Câu hỏi nhao nhao vang lên bằng giọng nhẹ nhõm khiến tôi xót xa.
Các em nhỏ thường được gọi là thiên thần. Một đứa trẻ không nên bị coi là điều xấu, mà bé Ngọc như miếng bọt biển thấm hút mọi cặn bã của cáu giận oán hờn để rồi lan tỏa mùi vị của nó đến những nơi bé có mặt.
***
Khi đó, tôi còn trẻ quá nên không giúp gì được cho Ngọc. Nhưng hiện tại, kể lại câu chuyện này, tôi đã là mẹ của một đứa trẻ tám tuổi. Tôi tự hỏi nếu bây giờ gặp một em học trò như vậy thì mình có thể làm được gì cho bé. Câu hỏi mông lung tâm trí tôi, thật khó.
Chỉ có điều rõ ràng là kỷ niệm về bé Ngọc đã giúp được tôi. Mỗi khi vợ chồng giận nhau, tôi đều cố gắng kiềm chế để không bật ra lời lẽ nặng nề. Đôi khi cơn giận trở nên quá sức thì tôi bỏ đi chơi với bạn bè hoặc dắt con về nhà với má, biến cơn giận thành dịp má con bà cháu bên nhau.
Tôi hay kể cho chồng nghe về bé Ngọc và chúng tôi thỏa thuận không giận hờn, cãi vã khi có mặt con. Điều đó đã giúp vợ chồng tôi thoát khỏi những cuộc chiến tranh kéo dài bởi một khi đã tạm ngừng giận rồi thì chẳng ai lại muốn khơi lên để tiếp tục làm mệt đối phương đồng thời cũng làm mình mệt. Hơn hết, tôi muốn miếng bọt biển con tôi tỏa mùi vị dễ thương ở mọi nơi con đến.
***
Giờ đây, tôi đang tham gia dạy tiếng Anh trong một lớp học tình thương. Phần lớn học viên là thiếu niên, đặc biệt nhất là một người đàn ông trên 60 tuổi. Những ngày đầu, tôi tưởng ông là người về hưu rảnh rỗi đi học cho vui cho tới một lần ông vô lớp trễ không kịp cởi áo ngoài là đồng phục của một hãng xe ôm.
Giờ ra về hôm đó, trời mưa rất lớn, gió mạnh. Đứng trên hành lang đợi mưa tạnh, tôi hỏi ông học tiếng Anh có phải để chở khách Tây du lịch bụi. Ông lắc đầu: “Tui học để kèm cặp đứa cháu nội. Thương lắm cô, ba má nó đi làm ăn xa…”.
Tôi hình dung đứa bé còn nhỏ mà đã phải xa vòng tay âu yếm của cha mẹ. Miếng bọt biển này hẳn thấm đẫm nỗi nhớ nhung, nhưng vậy cũng còn là may mắn.
Nguyên Hương