Những mẹo nhỏ cầu may cho mẹ và bé

01/06/2019 - 11:00

PNO - Sinh linh bé bỏng chào đời, đánh dấu sự kiện trọng đại với mỗi gia đình. Ở mỗi quốc gia, người ta có những phong tục bí ẩn, đầy thú vị để đón nhận “món quà” thiêng liêng này.

Cuống rốn, trang phục kimono và hộp gỗ

Có thể bạn đã nghe đâu đó việc người ta giữ lấy những sợi tóc đầu tiên của trẻ được cắt hoặc chiếc vớ đầu tiên trẻ dùng để đánh dấu hành trình trẻ đến với thế giới kỳ diệu này. Các bà mẹ Nhật thì giữ lấy cuống rốn của trẻ. Khi rời bệnh viện, mỗi người mẹ sẽ được bệnh viện giao cho chiếc hộp gỗ đựng cuống rốn. Bên trong hộp đôi khi có một búp bê mặc áo kimono trong tư thế nằm ngủ. Hoặc chiếc áo kimono nhỏ bé ấy bao bọc lấy cuống rốn. Người Nhật tin rằng cách làm này giúp duy trì tình cảm gắn kết giữa đứa trẻ và người mẹ. 

Một tuần sau khi trẻ chào đời, cha mẹ cùng người thân trong gia đình sẽ tổ chức lễ đặt tên cho trẻ, được gọi là Oshichiya, cầu mong trẻ sẽ nhận được nhiều phúc lành trong cuộc sống. 

Nhung meo nho cau may cho me va be

Giấc ngủ trưa ngoài trời

Ở Đan Mạch và Thụy Điển, phụ huynh thường cho trẻ sơ sinh ngủ trưa ngoài trời vì cha mẹ tin rằng tiết trời mát mẻ sẽ giúp bé ngủ ngon, ăn khỏe. Các bé còn ẵm ngửa được nằm thoải mái hít thở gió trời bên ngoài, trong khi cha mẹ vẫn thảnh thơi ăn uống trong nhà hàng, quán nước. Ở các trung tâm nuôi dạy trẻ mẫu giáo tại Thụy Điển, trẻ vẫn ra ngoài trời vui chơi dù nhiệt độ có khi xuống mức - 50C. Phụ huynh và những người chăm trẻ cho rằng trẻ cần hòa mình, hít thở không khí tươi mới, không nên suốt ngày ở trong nhà. 

Nhung meo nho cau may cho me va be

Hộp quà chào bé tới với thế giới

Từ năm 1949, chương trình “hộp quà tặng trợ cấp” ra đời, nhằm hỗ trợ những bà mẹ Phần Lan nghèo những vật dụng thiết yếu cho bé sơ sinh. Phần quà với mong muốn mỗi đứa trẻ cần phải có xuất phát điểm giống nhau khi đến với thế giới này. Cho đến hôm nay, “hộp quà tặng trợ cấp” trở thành món quà không thể thiếu ở quốc gia này. 
Người mẹ có thể chọn nhận hộp quà (thường có quần áo, tã, đồ chơi...) hoặc nhận tiền mặt tương đương với giá trị hộp quà gần 200 USD. 

Nhung meo nho cau may cho me va be

Cú rung lắc đầu đời

Người Ai Cập chú trọng đến khả năng sinh tồn và họ tin con số 7 chứa nhiều yếu tố bí ẩn, tượng trưng cho sức mạnh, sự may mắn. Khi trẻ được 7 ngày tuổi, gia đình sẽ đặt trẻ trên một tấm đệm và lắc vừa đủ mạnh. Hành động này giúp trẻ quen với trạng thái bất ổn mà bé có thể gặp trong cuộc đời, đồng thời người lớn gửi gắm lời chúc trẻ vững vàng dù điều kiện sống có khó khăn đến đâu. Ở ngày thứ 7 này, trẻ cũng sẽ nhận lễ đặt tên Sebooh, được người lớn làm nghi thức cầu nguyện cho trẻ nhiều sức khỏe, tránh những năng lượng tiêu cực, vững vàng trong cuộc sống. 

Nhung meo nho cau may cho me va be

Quả trứng may mắn

Khi trẻ tròn tháng, các gia đình ở Trung Quốc sẽ tổ chức lễ đầy tháng cho trẻ, đánh dấu cột mốc đầu tiên quan trọng với trẻ. Vào buổi sáng ngày trẻ tròn một tháng tuổi, người thân cùng bạn bè sẽ quây quần tặng quà và gửi lời chúc đến trẻ. Cha mẹ sẽ gửi quà tặng đến mọi người, như một lời cảm ơn mọi người đã yêu quý con mình. Hầu hết các gia đình sẽ chọn quà tặng là những quả trứng có vỏ nhuộm đỏ. Với người Trung Quốc, hình tượng quả trứng mang ý nghĩa của vòng đời. Hình dáng của quả trứng mang ý nghĩa của sự đầy đặn, một đời sống sung túc và màu đỏ tượng trưng cho hạnh phúc. 

Nhung meo nho cau may cho me va be

Cội rễ từ gốc cây thiêng liêng

Có thể bạn đã nghe được ở đâu đó câu nói này: “Mỗi người nên trồng một cái cây, có một đứa con và viết một quyển sách” như để lưu dấu lại chính mình trong cuộc đời này. Ở Jamaica, sau khi người phụ nữ sinh em bé, cuống rốn của bé sẽ được chôn ở vị trí đặc biệt. Nơi đó, người ta sẽ trồng một cái cây. Cái cây sẽ do chính cha mẹ đứa bé chọn mang tới hoặc cha mẹ đỡ đầu, hay người thân, bạn bè. Cái cây này sẽ là hình ảnh thiêng liêng nhắc nhở đứa trẻ phải có trách nhiệm với cuộc đời. Gốc cây ấy đánh dấu nơi trẻ sinh ra và nhắc rằng trẻ vẫn có một nơi tìm về, chăm chút cho sự lớn lên của cái cây ấy. Phong tục này bắt nguồn từ câu thành ngữ nổi tiếng của người Jamaica: “Nhà là nơi chôn nhau cắt rốn”. 

Nhung meo nho cau may cho me va be

Quà cảm ơn của bé

Ở Brazil, người mẹ sẽ dành những ngày trước khi sinh bé chuẩn bị những nhóm quà tặng xinh xắn gửi đến người thân, bạn bè khi họ đến bệnh viện thăm bé vừa chào đời. Món quà nhỏ gửi gắm lời cảm ơn mà gia đình bé gửi đến những ai đã yêu thương, hân hoan đón chào và gửi những lời chúc ấm áp đến bé cùng gia đình. 

Nhung meo nho cau may cho me va be

Giây phút dành cho mẹ

Sản phụ ở Malaysia thường phải ở cữ trung bình 44 ngày và sau đó, cần một liệu trình giúp họ “thoát” chuỗi ngày kiêng cữ. Họ sẽ được massage đá nóng, vệ sinh toàn thân, đánh dấu thời gian họ có thể dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc bản thân. Đây là phong tục để cảm ơn người phụ nữ đã thực hiện trọn vẹn thiên chức làm mẹ, trao gửi trẻ đến với những người thân trong gia đình. 

Nhung meo nho cau may cho me va be

HOÀNG DI (theo oddee)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI