Những mẩu chuyện nhỏ về Sài Gòn

11/04/2023 - 12:25

PNO - Không biết đã có ai thử làm thống kê có bao nhiêu quyển sách, bao nhiêu bài viết về Sài Gòn - cái thành phố hơn 300 năm đã trở thành quê hương thứ hai của bao người?

Có lẽ khó mà đếm xuể vì từng ấy người với đời sống và những mối duyên kỳ ngộ khác nhau đều có thể kể một câu chuyện về thành phố này. Điều đáng quý mà cũng lạ lùng, những câu chuyện về người, địa danh ngỡ chẳng liên quan gì đến nhau lại củng cố thêm tính cách của Sài Gòn: bao dung, khảng khái và nghĩa tình. Nói như nghệ sĩ Ái Như - nhân vật được phỏng vấn trong sách là “những thứ gì sắc nhọn qua người Sài Gòn bỗng dưng mòn vẹt hẳn đi, ít sát thương hẳn đi” (Sài Gòn, Mình, Ta).

 

Sài Gòn hay ta! do Bình Bồng Bột viết, Thăng Fly vẽ minh họa là sự tiếp nối những trang viết sống động và giàu cảm xúc về Sài Gòn của những tác giả trước đó. Đọc để thêm yêu Sài Gòn hay đơn giản là cười phá lên trước những khám phá thú vị của tác giả hoặc nhung nhớ kỷ niệm đã qua. Dù là những câu chuyện tản mạn khi thì dí dỏm, khi lại có chút bùi ngùi hoài niệm nhưng hơn 30 bài viết trong sách được hệ thống mạch lạc thành 3 chương, gồm Những chốn ta qua; Sài Gòn, mình, ta; Những vàng son vang vọng. Những câu chuyện về hàng quán, những nhân vật trong sách có thể gắn liền với một tiệm ăn ký ức, một chuyến xe, một người nổi tiếng hay những người bình dân như anh xe ôm, chị hủ tíu vỉa hè… Họ cùng nhau cần mẫn tạo nên hồn cốt của một thành phố từ ngõ hẻm lắt léo đến đại lộ thênh thang dẫu Sài Gòn luôn biến thiên đến chóng mặt.

Về cơ duyên hình thành quyển sách, tác giả Bình Bồng Bột chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, còn Thăng là người từ nơi khác đến. Sau khi chơi chung với nhau, dù Thăng vẫn nói giọng Nghệ An nhưng tôi không còn nhận ra Thăng là chàng trai ở địa phương khác đến nữa. Lúc đó chúng tôi rủ nhau làm một quyển sách về Sài Gòn để xem rốt cuộc người Sài Gòn là ai”. Và Bình viết: “Thành phố này chưa bao giờ chối bỏ ai, nó dung chứa, nó tiếp biến, nó thay đổi, nó hấp thu, nó chuyển hóa trong từng phút giây. Rồi đến cái chữ “Sài Gòn” vốn từ đâu mà ra cũng đã có biết bao cuộc nghiên cứu nhưng theo thời gian cũng chả còn quan trọng. Sài Gòn tự bản thân nó, sau mấy trăm năm, đã vượt lên trên cái tên của một thành phố để trở thành một dạng ý niệm. Và rồi nó trở thành một điều gì đó gần như tình yêu”.

Sài Gòn hay ta! có thể là một tiếng reo vui tâm đắc về cái sự hay của Sài Gòn, một tình yêu khó lý giải như câu hát “Sài Gòn chưa xa đã nhớ”; cũng có thể là một ngẫm ngợi, một sự nhận ra trong sâu thẳm, rằng từ khi nào ta đã gắn bó, hòa vào Sài Gòn, trở thành một phần thân thiết của Sài Gòn. 

Nhưng, Sài Gòn trong mắt tôi còn gắn liền với đôi quang gánh, chiếc xe đẩy hàng rong của các bà mẹ tảo tần xa xứ và những bà mẹ hay lo chuyện “bao đồng” như mẹ của Bình. Bình nói trong cuộc gặp với độc giả tại TPHCM: “Tôi đã từng hỏi nhiều người rằng Sài Gòn gợi họ điều gì, rất nhiều người trả lời Sài Gòn gợi cho họ nhớ đến người mẹ. Mẹ tôi là một người khá "bao đồng", người ta đi vào hỏi nhà trọ giá rẻ để thuê học, mẹ tôi luôn nói với họ: “Thôi, con vào đây mà ở”.

Tuổi thơ của tôi đã lớn lên với nhiều người thuê trọ như thế. Sau này, có những người làm việc ở Sài Gòn, cũng có những người đã về quê nhưng phần lớn đều có đời sống rất tốt. Khi họ quay lại hỏi thăm tôi, tôi thấy cả một tuổi thơ ở đó và thấy mình đã có một người mẹ rất vĩ đại, bao la như thành phố này”. 

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI