Câu chuyện ở quán cơm ven đường
|
"Mai mốt cả nhà mình đi ăn cơm sườn tiếp". |
Người đàn ông kéo vạt áo bám đầy bụi đường lau mồ hôi lã chã, nhìn qua ba đứa con đang cạch cạch vét đĩa cơm, ông vỗ đùi cái đét: Mấy con heo, thấy chưa, tui đã nói lâu lâu chở tụi nó đi ăn mà không chịu.
Người vợ nhìn qua: Chạy xe ôm bữa được bữa không mà chơi sang, rồi mai lấy gì mà ăn?
Ông chồng cười hì hì: Mai tính tiếp, lâu lắm rồi tụi nó có được ăn cơm tấm này đâu, không thấy tụi nó ăn như heo hả.
Vợ nhìn qua chồng: Mà nhìn tụi nó ăn cũng thèm quá.
Chồng: Vậy mua một hộp về ăn đi, mua thêm bịch cơm thêm, ăn dư tui ăn, khỏi nấu cơm.
Vợ cười cười: Đưa tiền đây trả.
Chồng vừa nói vừa móc túi: Chạy xe có nhiêu lấy hết giờ còn bắt đưa tiền tính, để chút tui đổ xăng.
Vợ nhìn chồng cười: Đưa một lần rút rút lại mấy lần cho có, tiền thối nè, còn vài ngàn cũng lấy.
Chồng và mấy đứa con đồng thanh: Lấy mai mốt đi ăn cơm sườn tiếp.
Cả nhà cười ha ha rồi cùng nhau lên xe chạy đi...
Những lá thư tay đầy lỗi chính tả của người giúp việc gửi con trai
|
Bức thư tay sai lỗi chính tả nhưng tràn đầy tình yêu thương của người mẹ gửi con trai |
Chưa bao giờ chị Minh Khoa (43 tuổi, quê ở tỉnh Trà Vinh) xa con lâu đến vậy, chồng bệnh, chị phải rời quê lên Sài Gòn làm nghề giúp việc. Trong một lần chị Khoa xin nghỉ phép về quê, người chủ tốt tính dọn lại căn phòng, rồi cay mắt với những lá thư đầy lỗi chính tả của người mẹ nghèo gửi con trai.
|
Ngoài lá thư gửi con trai, chị Khoa còn viết thư cho chồng với nhiều trăn trở. |
Nguyên văn nội dung bức thư của chị Khoa:
"Mẹ buồn – Đêm 18-03-2016, Nhớ con Đỗ Minh Tiến...
Tiến ơi, con ở nhà giới ngoại đi, để mẹ đi làm, mẹ biết con buồn lấm, nhưng con gán chiệu... Mẹ biết ba anh em con ở một nơi một ngã nhưng mẹ biết phải làm sao...nếu mẹ ở nhà thì mẹ không có tiền, để nuôi con gà em, nên mẹ gán đi làm, đặng có số tiền, để sao nầy lo cho con và em...
Con ở nhà đừng đi chơi, con phải biết thương mẹ, nghe con”.
|
Chị Khoa, tác giả của những lá thư tay |
Tình già nơi cửa tử
Bà than chóng mặt, đau đầu rồi té ngã trên tay ông. Ôm chặt vợ, ông run giọng hô hoán con mình đưa vợ vào bệnh viện. Bà được đưa vào phòng cấp cứu, ông đứng lặng im, một tay nắm chặt tay bà, một tay cầm giỏ xách và đôi dép của vợ.
|
Ông Nguyễn Văn Lắm (69 tuổi, nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) luôn nắm chặt tay vợ mình – bà Nguyễn Thị Thơ (61 tuổi). |
20 phút trôi qua, ông vẫn giữ tay vợ mình, khi bác sĩ mời ông ra ngoài để tiếp tục điều trị cho bà, ông nhẫn nại: “Cho tôi đứng với bà ấy thêm tí nữa nhé. 5 phút thôi, tôi muốn nói với bà ấy một đôi điều. Tôi cảm ơn bác sĩ”.
Cúi xuống bà, ông ân cần: “Các con thương bà lắm, đòi vô hoài, nhưng tôi đứng với bà tôi mới yên tâm. Bà đừng lo lắng, tôi đứng ngay phía cửa đằng kia, nhìn vào vẫn thấy bà đấy”.
Hơn 20 năm sửa xe trên vỉa hè, tài sản là bức ảnh cháu trai lâu rồi chưa gặp
Sáng sớm, bà Phạm Thị Duyên (54 tuổi, quê ở Giao Thủy, tỉnh Nam Định) lui cui chất đầy đồ nghề lên chiếc xe đẩy, bà sửa xe tại vỉa hè đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP.HCM) đã hơn 20 năm.
Từ khi đặt chân đến Sài Gòn, chồng bà Duyên đã làm nghề sửa xe. Chồng bệnh nặng qua đời, bà trở thành “thợ chính” lúc nào không hay. Ngoài xe tay ga, không loại xe số nào mà bà không biết sửa.
|
Trên chiếc xe đẩy, ngoài đồ nghề sửa xe, bà Duyên còn có cả tài sản lớn |
“Vợ chồng tôi gửi đứa con gái 10 tuổi ở quê, chỉ định vào Nam mưu sinh một thời gian rồi về với nó. Không ngờ, nay cháu ngoại đã 6 tuổi rồi mà chưa về thăm con, thăm cháu được. Biết tôi thương nhớ, con gái thường gửi hình gia đình nó vào cho tôi xem. Cháu ngoại tôi đấy, thương lắm, gắn lên xe để biết mình còn có người thân. Từ khi ổng mất, ở đây chỉ còn lại mình tôi”, bà Duyên nói.
Người phụ nữ bị a xít phá nát cuộc đời đùa vui với con trai trong phòng trọ nhỏ
4 năm qua, mỗi sáng tỉnh giấc, chị Tô Phạm Xuyên Lan (43 tuổi, quê ở Vĩnh Long) vẫn cầu mong đó là một cơn ác mộng. Nhưng, tiếng khóc xé lòng của con trai cho chị biết rằng những vết sẹo chằng chịt do a xít gây ra là sự thật tàn nhẫn. A xít khiến con trai chị mất một năm mới chấp nhận được mẹ mình, cậu trai 7 tuổi luôn bên mẹ dù những đứa trẻ cùng lứa sợ hãi nói cậu có “người mẹ ma”.
|
Axit có thể phá hủy gương mặt chị Lan nhưng không thể nào lấy đi hạnh phúc của mẹ con chị. |
Lấy con làm động lực sống, chị Lan dần vượt qua mặc cảm, chị khao khát có một cái nghề để chăm sóc cho con. Giờ đây, trong căn phòng nhỏ, tiếng cười đã quay trở lại, chốc chốc, cậu trai lại hôn lên những vết sẹo lồi lõm, trêu ghẹo mẹ rồi cùng cười vang cả xóm trọ.
Người đàn ông quần áo đầy dầu máy cùng đứa con gái trên xe đạp điện
Chiều nào cũng vậy, trước khi tiếng trống trường vang lên, ai cũng nhìn thấy người đàn ông với bộ quần áo lắm lem dầu máy đứng đợi con gái mình ở cổng trường THPT Trường Chinh, TP.HCM. Có lẽ sợ con gái mình ngại với các bạn, ông đứng nép vào những chiếc xe đẩy, cô nữ sinh quần áo trắng tinh chưa bao giờ ngượng ngùng, luôn chạy đến bên ông. Hai cha con trên chiếc xe đạp điện, cười nói hỏi han nhau về một ngày làm việc, học tập.
Gia đình với sở thích diện “đồng phục” cùng nhau đi khắp muôn nơi
|
Anh Hồ và chị Bình đi chơi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM |
Gia đình của anh Hồ, chị Bình nhà ở quận Thủ Đức, TP.HCM cùng hai con của mình luôn thích mặc “đồng phục” khi đi chơi các dịp lễ, tết. Ngoài ra, trước mỗi chuyến du lịch, gia đình anh Hồ đều chở nhau đi chọn “đồng phục” mới.
“Ban đầu tôi thấy gia đình người ta mặc đồ giống nhau thì thích lắm nên về gợi ý chồng, con. Tưởng rằng mọi người sẽ chê tôi... sến nhưng không ngờ ai cũng hào hứng hưởng ứng, thế là cùng nhau đi mua, rồi từ từ thành thói quen. Mặc đồng phục lỡ có đi lạc cũng... dễ tìm”, chị Bình cười.
Phạm An