Những mảnh đời vượt qua giông tố từ Ngôi nhà bình yên

09/12/2023 - 06:23

PNO - Bị lừa bán sang Trung Quốc từ khi 14 - 15 tuổi, nhiều phụ nữ trở về với những vết sẹo tưởng như không thể chữa lành.

 

Nhân viên tại Ngôi nhà bình yên hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân buôn bán người và bạo lực gia đình
Nhân viên tại Ngôi nhà bình yên hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân buôn bán người và bạo lực gia đình

 

Hết lớp 7, N.T.M. nghỉ học để phụ giúp gia đình. Rời quê hương, M. lên TPHCM làm đủ việc, từ giúp việc tới công nhân… Rồi M. trôi dạt về Bình Dương để dọn dẹp nhà hàng. Tại đây, cô bé gặp một người hàng xóm ở quê. Sau khi dụ dỗ M. đi bán “bia ôm” không thành, người phụ nữ này mồi chài cô đi sang Trung Quốc lấy chồng.

Sau rất nhiều chuyến đi lòng vòng từ TPHCM ra Hà Nội rồi lên cửa khẩu, M. được đưa sang tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) để gả cho một người đàn ông 33 tuổi. Ở tuổi 14,. M. không biết rằng, đây không phải là con đường "cứu rỗi" mà chỉ là một cánh cửa “địa ngục”.

Cuộc sống của M. không khác cảnh tù đày, không được phép dùng điện thoại, không được rời khỏi phạm vi nhà chồng. Phải tới khi sinh con thứ 2, cô mới có thể gọi điện về cho mẹ. Mẹ của M. đã liên hệ với Hội LHPN tỉnh Cần Thơ, phối hợp với các tổ chức để giải cứu cô.

Lần đầu tiên trong cuộc đời, ở tuổi 21, M. được làm giấy chứng minh. Cô được đưa về Ngôi nhà bình yên cùng 2 con để hỗ trợ trị liệu tâm lý, học nghề làm tóc, làm móng… “Ở đây, tôi còn có thêm những người bạn mới, những người phụ nữ cùng cảnh ngộ, chúng tôi động viên nhau cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tôi tin rằng “rồi ngày mai, trời lại sáng” như tên của một bộ phim truyền hình tôi từng xem khi còn nhỏ” - M. chia sẻ.

Sau 18 tháng ở Ngôi nhà bình yên, M. trở lại với cuộc sống thường ngày. Dù còn vất vả, khó khăn, song cô đã lấy lại được sự mạnh mẽ, niềm tin và hy vọng vào cuộc sống.

Cũng bị lừa sang Trung Quốc năm 15 tuổi, khi T.T.P. chưa bị gả bán thì được công an Trung Quốc phát hiện. Sau một tháng giam giữ, P. được trao trả về Việt Nam. Tuy nhiên, cú sốc đầu đời khiến cô bé hoảng loạn tâm lý và được đưa vào Ngôi nhà bình yên để hỗ trợ, trị liệu.

Trở về quê hường, tin P. bị bán đi Trung Quốc truyền khắp làng trên xóm dưới, bố mẹ khuyên cô sớm lấy chồng cho bớt điều tiếng. Quá vội vàng, P. gật đầu mà không biết “hôn nhân không phải trò đùa” như lời cô chia sẻ.

Ở với nhau một thời gian, P. phát hiện chồng mình nghiện ma túy. Mỗi khi hết tiền mua thuốc, người đàn ông ấy lại đánh đập cả mẹ đẻ và vợ, thậm chí còn cầm dao đuổi giết khắp nơi. Trong hoàn cảnh mịt mờ, P. từng tới Ngôi nhà bình yên lánh nạn, rồi lại trở về và tiếp tục “nếm mùi đòn roi”.

“Lần thứ ba vào Ngôi nhà bình yên, tôi đã rất khác xưa. Tôi chuyên tâm học hành, mong muốn tìm ra một cơ hội thay đổi cuộc đời” - chị P. tâm sự. Chị được giới thiệu nhiều công việc và cuối cùng lựa chọn dưỡng sinh Đông y. Hết thời hạn, chị vừa học, vừa làm rồi sau đó mở một cửa hàng chăm sóc da, tóc tại quê.

Tự tin với công việc mới, vượt qua quá khứ đầy biến động, chị P. đã gặp được người đàn ông yêu thương cô thật lòng. Họ đã đăng ký kết hôn, làm chủ một Spa ở thị trấn và có một cậu con trai. “Cuộc sống thật đúng là trong mơ, đến mức chính tôi nhiều khi cũng có cảm giác không biết là mơ hay thực” - chị hạnh phúc với cuộc sống hiện tại của mình.

Nhà
Mô hình nhà tạm lánh Ngôi nhà bình yên chính thức được cấp phép thành Trung tâm Trợ giúp xã hội

 

Câu chuyện của M. và chị P. chỉ là 2 trong số gần 1.700 phụ nữ, trẻ em đã được tiếp nhận và hỗ trợ tại Ngôi nhà bình yên (thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển - Hội LHPN Việt Nam).

Bà Dương Thị Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và phát triển - cho hay, từ một dự án được các tổ chức nước ngoài hỗ trợ, tới nay, sau 17 năm hoạt động, Ngôi nhà bình yên ngày càng trở thành địa chỉ tin cậy để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của mua bán người và bạo lực gia đình.

Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của phụ nữ, trẻ em bị bạo lực trong giai đoạn mới, Ngôi nhà bình yên cần có sự thay đổi về mặt cấu trúc và chức năng, nhiệm vụ. Chính vì vậy, Sở Lao động - thương binh và xã hội đã cấp giấy phép cho Trung tâm Trợ giúp xã hội - Ngôi nhà Bình yên.

Chia sẻ tại buổi lễ giới thiệu Trung tâm Trợ giúp xã hội - Ngôi nhà bình yên, sáng 8/12, bà Dương Thị Ngọc Linh khẳng định, việc chuyển mình từ một cơ sở tạm lánh thành một trung tâm trợ giúp xã hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi và cơ sở pháp lý giúp Ngôi nhà bình yên tăng cường kết nối, phối hợp trong việc chuyển tuyến, kết nối với các bộ ngành, đơn vị chức năng.

Bà Linh cho biết, hiện nay, ngoài hệ thống Ngôi nhà bình yên tại Hà Nội và Cần Thơ, tới đây, Trung tâm Trợ giúp xã hội - Ngôi nhà bình yên sẽ có thêm cơ sở tại Quảng Bình.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI