edf40wrjww2tblPage:Content
Hôm chúng tôi đến Thành Long tìm hiểu về một số đối tượng nghèo, chuẩn bị cho đợt tặng quà của một nhóm từ thiện, nhằm ngày phát trợ cấp xã hội nên văn phòng Ban thương binh - xã hội Thành Long đông nghịt người. Chị Nguyễn Thị Rời - Trưởng ban liến thoắng: “Không xong, không kịp trong sáng nay rồi. Để mình nhờ chị Trang Mỹ Lan bên Hội Phụ nữ đưa chị em đi nghen!”.
Chị Thủy trong căn nhà do ni sư Thích Diệu Nghĩa tặng
Nhọc nhằn mưu sinh
Ngôi nhà đầu tiên mà chúng tôi đến là nhà chị Trần Thị Thủy - ấp Nam Bến Sỏi. Con đường đất đỏ dẫn vào nhà chị Thủy đầy ổ gà ổ voi, sau cơn mưa chiều tối qua như càng xa thêm. Chị Lan - Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thành Long giới thiệu: “Tội nghiệp Thủy lắm. Đôi chân dị tật bẩm sinh, từ trẻ tới nay hết chằm nón lá tới tách vỏ lụa hạt điều kiếm sống. Biết không thể có chồng nên chị liều “xin” đứa con. Giờ 49 tuổi mà con mới học lớp 5. Mỗi tháng mẹ con sống chủ yếu vào hai suất trợ cấp”.
Ngôi nhà 28m2 được xây dựng từ năm 2012 do ni sư Thích Diệu Nghĩa ở núi Bà Đen, Tây Ninh tặng. Chị Thủy lách cách đôi nạng từ nhà mẹ ruột về, mở cửa đón khách. Một mùi ẩm mốc lưu cữu của căn nhà ít mở cửa, dọn dẹp xộc lên. Trong nhà chỉ có chiếc giường gỗ cũ kỹ và mớ sách vở của đứa con đang bày bừa.
“Bình thường chị làm nghề gì?”. “Hồi đó mình chằm nón lá. Sau nón ế quá thì tách vỏ lụa hạt điều. Mà phải có người bảo lãnh mới được. Đôi chân yếu, tuổi càng nhiều nên cái lưng cũng yếu theo, ngày mình tách được 4-5kg, một ký được 3.000đ. Mủ hạt điều ăn thủng cả tay nên mình nghỉ, xoay qua bán vé số, bị cướp giật mấy lần đứt vốn nên ở nhà đi hái ớt thuê. Mà không phải ai cũng mướn đâu. Mình bị thấp khớp, tay chậm chạm lắm. Kẹp hai nạng trên nách, tay thì bẻ ớt, có khéo cách nào thì chân nạng cũng thọc trúng gốc ớt, đứt rễ. Vậy nên chỉ có người thương tình lắm mới cho mình hái. Mỗi ký ớt hái mướn giá 3.000đ. Ngày nào giỏi lắm thì hái được 5kg”.
Nhà không có công trình phụ, mọi việc nấu nướng, giặt giũ, vệ sinh mẹ con chị Thủy đều “ké” bên nhà người em trai út. Cậu em trai út này cũng có dư dả gì cho cam, ngày ngày ra đồng đánh bắt chim cu gáy về bán cho các cửa hàng chim thú nên cũng khó có thể quan tâm chị gái. Bé Trần Vũ Linh, con chị Thủy hiện học lớp 5 Trường tiểu học Bến Sỏi. Đó là đứa con chị “xin” người ta để “dưỡng già”. Thằng bé từ khi sinh ra tới giờ chỉ biết có mẹ và họ hàng bên ngoại. Chúng tôi ra về mà cứ đau đáu với ước mơ của chị: “Mong có việc làm phù hợp để tôi có tiền nuôi con dại…”.
Chị Nụ với đôi chân dị tật bẩm sinh
Nhà chị Trần Thị Nụ, 55 tuổi, ấp Thành Tây tạo cảm giác rờn rợn bởi có đến bốn ban thờ trong 16m2. Chị Nụ vóc người nhỏ nhắn, đôi mắt tròn to, chân phải bị dị tật bẩm sinh. “Tới 30 tuổi tôi quyết định “xin” một đứa con để nuôi. May sao người ta chịu “cho”. Là con gái, có hiếu lắm nhưng lấy chồng xa nhà nên nó cũng ít về thăm. Hễ con gái về là nhà vui như tết vậy đó”, chị cười vui. Chị vừa thắp nhang lên các ban thờ vừa bảo: “Trong hai tháng, nhà tui vướng hai cái tang. Là má và cháu gái. Má tám lăm rồi, chỉ tội đứa cháu hăm lăm tuổi, lấy chồng được một tuần thì phát bệnh động kinh. Nhà chồng mang về “trả”, nó thương nhớ, đau buồn quá, bệnh nặng hơn. Hơn một tháng sau đám tang bà ngoại, nó cũng “đi luôn”. Con “chồng trả” thì không nói làm gì, con còn lại giận chồng tự vẫn chết, bỏ lại đứa con bốn tuổi. Thằng chồng nó “liệng” về cho tui rồi có vợ khác. Thằng nhỏ nay học lớp 7 rồi”.
Chị Nụ bảo: “Mỗi tối cháu để tập lên giường học. Học xong dọn vô bọc cất, mai đi học tiếp”. Chân dị tật, chợ thì xa, mỗi tháng hai bà cháu sống nhờ vào hai suất trợ cấp của nhà nước. “Có gì ăn nấy! Tui trồng được vài gốc mồng tơi, thêm liếp nghệ… Có tiền thì nhờ người đi quán mua con cá khô cho thằng nhỏ. Không thì nấu canh mồng tơi, kho nghệ muối quẹt cũng xong”.
"Người đàn ông thép"
Trong ấp Thành Tây có anh Phạm Minh Nhỏ, sinh năm 1975. Chị em phụ nữ xã gọi vui là “người đàn ông thép”, bởi vợ chê anh nghèo đã bỏ nhà đi chín năm nay, thế mà anh vẫn nuôi ba đứa con ăn học, dù bản thân không có nghề nghiệp ổn định. Mùa nước nổi thì chăn vịt thuê, mùa khô thì đi làm công nhân vệ sinh lò mì cách nhà 4km. Căn nhà tình thương trống huơ trống hoác, có ba món đồ vật giá trị nhất do hàng xóm cho là chiếc ti vi, chiếc quạt và cái nồi cơm điện cũ. Tiếng bà cụ già gọi cháu: “Lên chào khách đi cu, cơm lát nấu!”.
Đó là bà Nguyễn Thị Ràng, 85 tuổi, mẹ vợ của anh Nhỏ. Thằng bé Phạm Tấn Quyền, 10 tuổi, con trai út của anh Nhỏ. Chào khách xong, thằng nhỏ líu lo: “Chị Hai con học lớp 11 trên huyện, phải hơn 12 giờ mới về. Anh Ba học lớp 7, bữa nay năm tiết, về trễ. Con phải nấu cơm. Ba đi làm lò mì tối mới về”. Cu cậu than phiền: “Nhưng bà ngoại không cho con cắm chuôi điện nồi cơm, vì bị cháy một lần rồi. Giờ có mấy cô ở đây, có ai dám cắm giùm con được không? Chờ anh Ba con về thì trễ lắm, chiều một giờ con còn đi học”.
Chúng tôi không thể từ chối lời “nhờ cậy” đáng yêu của cậu bé. Nhìn cách Quyền cạy cơm nguội, trút ra manh cho gà ăn, rửa nồi, vo gạo mới thấy cậu bé rất giỏi. “Mà mấy cô có phải là nhà báo không?”. Chúng tôi hỏi, con tìm nhà báo để làm gì, chú bé không ngần ngại: “Để con xin một con bò mà chăn. Năm sau bò lớn bán có cả nắm tiền cho ba. Tụi con đi học hoài…, ba hổng có tiền”. Chúng tôi còn ngẩn ngơ chưa biết trả lời sao cho suông thì em tiếp: “Thôi, không phải nhà báo, không có bò cho cũng được, chờ mai mốt cậu út con có tiền mua bò thì con đi chăn vậy”.
Bà ngoại em “gỡ bí” cho chúng tôi: “Bò bự lắm, sao các cô mang tới cho mày được. Thôi vô nấu cơm đi!”. Chúng tôi bảo: “Vì không biết Quyền thích con bò nên các cô không mang theo. Nhưng các cô tặng con ít tiền, con… để dành mua cỏ cho bò ăn”. Quyền nhìn từng tờ tiền trên tay chúng tôi, rồi em chỉ nhận những tờ mệnh giá 10.000đ vì "mấy tờ kia lạ hoắc!”.
Bé Quyền đang vo gạo
Ước mơ xa vời
Trưởng ban Thương binh-xã hội xã Thành Long Nguyễn Thị Rời cho biết, ước mơ của chị là thành lập một tổ may gia công để giúp những chị em phụ nữ tàn tật, có hoàn cảnh khó khăn có thể vươn lên trong cuộc sống. Vài trăm ngàn từ trợ cấp như muối bỏ biển. Nguồn vốn thì đã có “Quỹ quốc gia giải quyết việc làm”; dạy nghề cho các chị thì có “lớp đào tạo nghề nông thôn”. Nhưng sau đó, đầu vào và đầu ra của nguồn hàng là như thế nào? Ai sẽ làm “bà đỡ”?
Sau nhiều trăn trở, chính chị Rời và chị Lan đã đi tìm lời giải đáp cho dự án tổ may này. Một cơ sở may ở huyện Hòa Thành, Tây Ninh đã nhận dạy miễn phí sử dụng máy may công nghiệp và giao hàng về may gia công. Thế nhưng khi đã “mục sở thị” giàn máy móc cần thiết cho nghề, các chị “phát hoảng” vì mỗi máy hơn 10 triệu đồng, để hoàn thành một sản phẩm quần/áo, mỗi người thợ phải sử dụng đến ba chiếc máy! Nhưng khó khăn nào phải như thế là hết, máy may công nghiệp vốn nhiều chức năng, nhất là cần đôi chân linh hoạt mới điều khiển được. Vậy làm sao người khuyết tật chân có thể sử dụng?
Trưa biên giới không ồn ã. Quán ăn thưa thớt khách, bà chủ quán kiêm tiếp viên. Hạt cơm như khô theo nắng gió. Ly nước mía vệ đường được chắt lọc từ những cây mía còng queo gầy nhom như bao mảnh đời vùng biên giới mà chúng tôi vừa ghé thăm…
Đ.P. THÙY TRANG
Thành Long có 131 người tàn tật và khuyết tật vận động hiện đang hưởng trợ cấp xã hội. Trong đó, nhiều người dị tật bẩm sinh như chị Nụ, chị Thủy; một số người bị bệnh tật, tai nạn lao động, tai nạn giao thông… quá nghèo không có tiền chạy chữa. Những người lớn, người già, đàn ông tàn tật thì trông cậy vào số “lương cứng” trợ cấp 300.000đ/tháng của UBND xã. Riêng phụ nữ còn chút sức khỏe, họ luôn mong có một việc làm phù hợp để nuôi thân. |