Những mảnh đời thương hồ ghé bến Sài Gòn - Chợ Lớn

24/07/2017 - 07:35

PNO - Mấy hôm rày, mọi người râm ran bàn về mối tình của chàng thương hồ miệt ruộng và nàng đẩy xe bán hàng rong đô thị. Ai biết mai này chàng theo nàng lên bờ hay nàng lại vu quy sống đời trôi nổi, gạo chợ nước sông.


Tháng Bảy, ở Sài Gòn thường có những cơn mưa rào. Buổi chiều mát rượi, hơi ẩm từ bờ tường, góc phố làm nên một đô thị đang hưởng thụ thời khắc bình yên mà đượm buồn.

Nhung manh doi  thuong ho  ghe ben Sai Gon - Cho Lon

Khu vực Bến Bình Đông một thời là thương cảng bậc nhất khu vực châu Á - niềm tự hào của người Sài Gòn - Chợ Lớn

Bến Bình Đông, dòng thủy triều đen trên sông đang lớn. Bên phải dòng sông không còn những kho lúa, kho hàng đồ sộ mang diện mạo một thương cảng phồn vinh một thời hàng đầu châu Á. Hiện trạng của cái bến lúa gạo này đang như một nghĩa trang. Nền kinh tế thị trường, kỳ lạ thay, lại đang chôn cất cái bộ mặt kiến trúc cổ kính mang đậm phong cách của người Việt, người Pháp, người Hoa - một thứ mặt tiền của chủ nghĩa tư bản gốc, từng một thời là niềm kiêu hãnh của thị dân sở tại. Đại lộ Võ Văn Kiệt ngày nay đang làm thay đổi khác lạ bộ mặt của một cảng bến sông từng được xem là quan trọng nhất Sài Gòn.

Hôm nay, lúc này, phải chăng là những ngày cuối chúng ta còn nhìn thấy cảnh dân thương hồ miệt Nam kỳ lục tỉnh cặp ghe, tụ lại bến Trần Văn Kiểu; lên hàng trao đổi, mua bán trái cây, nông sản? Những người đàn ông đang thảy dưa hấu từ dưới ghe lên bến. Đó là hình ảnh đã bao đời không đổi. Có khác chăng là ngày nay dưa hấu dài giống Đài Loan được trồng và bán quanh năm, thay cho giống dưa hấu tròn nội địa gần như đã tuyệt chủng.

Nhung manh doi  thuong ho  ghe ben Sai Gon - Cho Lon

Những cái bội đựng dưa hấu. Người Sài Gòn hẳn còn nhớ những cái bội được làm bằng tre nứa này - một thứ bao bì đặc trưng của giới thương hồ. Ngày nay, tuy cái bội đã trở thành bao bì cổ điển nhưng tính năng rẻ, bền, tiện dụng, thân thiện với môi trường của nó là điều không thể bàn cãi; nếu so với các loại bao bì công nghiệp hiện đại đang gây chiến tranh môi trường với thế giới tự nhiên.

Khi mua trái cây của người đàn ông thương hồ trên bến, xin bạn đừng trả giá. Ông ta không nói thách, không mắng mỏ khách hàng... Ông cứ ngồi thản nhiên như vậy. Giá của từng nải hay cả quày chuối, ông chỉ nói một tiếng, bạn không mua thì thôi. Nếu ai đó kỳ kèo, ông sẽ nói: “Mớ chuối đó giỏi lắm kiếm vài ngàn tiền lời, giàu có gì mấy!”.

Một người đàn ông đang cầm búa đóng, sửa lại mui ghe. Sáng mai ông sẽ lui ghe. Ông không về nhà. Nhà ở đâu mà về! Chiếc ghe cũ nát này chính là ngôi nhà bé nhỏ của gia đình ông. Ngày mai ông lại phiêu bạt ở một miệt vườn heo hút, trĩu nặng cây trái nào đó. Tháng Bảy, miền Nam đang rộ mùa trái cây.

Nhung manh doi  thuong ho  ghe ben Sai Gon - Cho Lon

Không biết chiếc ghe nhỏ bé, cũ mục của ông trị giá bao nhiêu. Chỉ biết đó là một cả gia sản. Hai vợ chồng ngồi tựa cửa ghe cho chúng tôi biết: “Một ghe chuối sứ, chạy từ Bến Tre lên đây bán, lời được hơn 300.000 - 500.000đ”. Một tháng; nếu thuận con nước, thuận gió, thuận mùa “cảnh sát đường sông”; vợ chồng anh lên được ba chuyến. Chúng tôi hỏi làm sao anh chị nuôi nổi bốn đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Người vợ nói” “Tui đi chợ một ngày có 10.000đ thôi. Con tui chỉ có một đứa chịu đi học”.

Hai người phụ nữ bán chuối trên bến đang bàn với nhau về giấc mơ của chính họ và của những người khác. Phần lớn những câu chuyện, những hình ảnh trong giấc mơ đang làm họ hối tiếc. Họ bàn số đề. Tấm giấy dò số trên tay, chiều nay, làm họ thất vọng. Nhưng biết đâu ngày mai nó đem lại cho hai người phụ nữ này các con số đầu, số đuôi, số bao lô mà họ sẽ trúng - khoảng tiền bèo bọt “vào nhà khó như gió vào nhà trống”.

Ở một góc khác là một người đàn bà đang ngồi đếm tiền. Số tiền chị kiếm được trong ngày không nhiều. Bất ngờ, chị nói: “Nghe nói họ ăn hối lộ tiền tỉ, không hiểu họ đếm làm sao cho xiết hở anh?”. Chị chỉ cho chúng tôi người đàn ông đang nằm tòn teng trên võng dưới ghe, nói: “Ổng mới bị giật hụi ở Chợ Lớn đó, khổ chưa!”. Ngoài mũi ghe, một đứa bé đang bò. Không biết bé đang tìm gì dưới dòng sông đen ô nhiễm. Một món đồ chơi hư cũ nào chăng? Dừng lại bé ơi!

Nhung manh doi  thuong ho  ghe ben Sai Gon - Cho Lon

Các chàng trai thương hồ đang khoe nhau những dòng tin nhắn của người yêu. Có lẽ từ lúc này, một thế hệ thương hồ mới sẽ tận dụng “con dế” để nối liền không gian giữa Sài Gòn và vùng sâu vùng xa bằng bài vọng cổ Tình anh bán chiếu, bập bềnh sông nước. Mấy hôm rày, mọi người râm ran bàn về mối tình của chàng thương hồ miệt ruộng và nàng đẩy xe bán hàng rong đô thị. Ai biết mai này chàng theo nàng lên bờ hay nàng lại vu quy sống đời trôi nổi, gạo chợ nước sông.

Với những đứa trẻ thương hồ không biết tới công viên, sân chơi, trường học. Trước mắt chúng chỉ mịt mùng những cung đường sông bập bềnh xuôi ngược. Có lẽ trong mắt chúng ta, những gương mặt trẻ thơ hồn nhiên này đang đọng lại. Nếu có điều gì đó trắc ẩn hơn cả chuyện đói nghèo, điều đó chắc chắn là nỗi băn khoăn trước số phận những đứa trẻ thương hồ không có bến bờ tương lai. 

Trần Tiến Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI