Những mảnh đời lay lắt ở ‘xóm chạy thận’

01/10/2017 - 10:00

PNO - Cuộc sống tạm bợ kéo dài cả chục năm trời đằng đẵng khiến những cư dân sống ở “xóm chạy thận” dù đến từ nhiều nơi khác nhau nhưng họ xem nhau như một gia đình, nương tựa vào nhau để sống qua ngày.

Trông già hơn nhiều khi ở cái tuổi 42 với khuôn mặt đã phù thũng, anh Thái Khắc Dần (trú huyện Tân Kỳ, Nghệ An) cho biết đã có “thâm niên” 13 năm túc trực tại nhà trọ để chạy thận. Vốn là một chàng trai khỏe mạnh, 16 năm trước, anh Dần phát hiện mắc bệnh suy thận sau khi xuất ngũ.

Dù gia đình “vét” hết tài sản để chữa trị từ các loại thuốc Đông, Tây nhưng không được. Năm 2004, vì không thể mỗi tuần 3 lần vượt gần 100 km từ nhà để đến bệnh viện chạy thận, anh phải trở thành cư dân của xóm trọ chạy thận bất đắc dĩ này. Từ đó, cuộc sống của anh gắn liền với xóm chạy thận và những ngày chạy thận ở bệnh viện với qui trình 1 tuần 3 lần, mỗi lần 4 tiếng đồng hồ.

Nhung manh doi lay lat o ‘xom chay than’
Ngôi nhà cũ kỹ do một doanh nghiệp bỏ lại cho thuê là nơi hàng chục mảnh đời đang sống tá túc nhờ chạy thận.

“Đã hơn chục lần tôi phải đón Tết ngay tại phòng trọ này rồi, một phần vì không có tiền để đi về, một phần vì đau yếu phải phụ thuộc vào việc chạy thận. Lễ, tết mong nhớ gia đình, mẹ già cũng chỉ biết gọi vài cuộc điện thoại cho vơi. Giờ phòng trọ cũng như nhà mình vậy”, anh Dần nói và cho biêt cuộc sống của anh nương vào người mẹ già năm nay đã ngoài 80 chắt chiu từng con lợn, đàn gà, buồng cau, nải chuối.

Cũng như hoàn cảnh của anh Dần, hàng chục mảnh đời khác đang phải tá túc trong ngôi nhà 2 tầng cũ kĩ, xuống cấp, ẩm thấp nằm đối diện Bệnh viện Giao thông (thành phố Vinh, Nghệ An).

Hầu hết cư dân của “xóm chạy thận” đều là những người nông dân chân lấm tay bùn, mắc bệnh suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống. Cứ 3 ngày chạy lọc máu một lần, một tháng chạy 13 lần, thiếu lần nào thì sức khỏe suy kiệt, tụt huyết áp, chân tay bủn rủn.

Nhung manh doi lay lat o ‘xom chay than’
Ông Vinh phụ giúp người bạn cùng phòng chuẩn bị cơm tối.

Cùng chung cuộc sống khốn khổ ở phòng trọ tồi tàn này với anh Dần là anh Lương Văn Hướng (34 tuổi). Bệnh tật đã lấy hết gia sản, vợ con nheo nhóc, ruộng nương bỏ hoang khiến anh luôn cảm thấy thất vọng. Mặc dù đến nay được bảo hiểm y tế hỗ trợ 100%, nhưng mỗi tháng, anh Hướng đều phải chi thêm vài triệu đồng cho các loại thuốc, chưa kể tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống.

Sống chết không biết ngày giờ

Hơn chục năm sống gắn bó trong căn phòng chật chội này, anh Dần đã lần lượt tiễn đưa hơn 50 người bạn cùng phòng ra đi. “50 người bạn đã ra đi trong cái phòng trọ chật chội này. Có người đang ngủ, người đang ăn dở bát cơm… thì phải nhập viện rồi cứ thế chẳng còn quay lại. Bởi thế nên ai cũng quý và chân tình với nhau mỗi ngày”, anh Dần chia sẻ.

Xắn cánh tay đen sạm, nhăn nheo và chi chít các cục thịt nổi lên do kim tiêm sau những lần truyền máu, ông Trương Đình Vinh (58 tuổi) cho rằng “cái khó nó buộc lấy cái tình” rồi nhanh tay lại phụ người bạn cùng phòng chuẩn bị giờ cơm tối.

Bị suy thận độ bốn khiến người đàn ông 58 tuổi này gầy xọp, tai ù, mắt kém. Vợ mất, các con đi làm ăn xa nên những chuyến về quê nhà hơn 100 km của ông Vinh cũng chỉ chóng vánh với mục đích nay cân cá, mai vài yến gạo mang vào để ăn tạm qua ngày.

Nhung manh doi lay lat o ‘xom chay than’
Đối với những cư dân “xóm chạy thận”, xóm trọ như là gia đình thứ hai của mình.

“Cũng may có những người bạn cùng cảnh ngộ để tâm sự, giúp đỡ lẫn nhau mỗi ngày chứ không thì tôi cũng gục ngã rồi. Những cơn đau quằn quại vì bệnh tật, khát khao tình cảm gia đình cũng đỡ vơi được phần nào khi được những người bạn quan tâm và động viên”, ông Vinh thổ lộ.

Xế chiều, “xóm chạy thận” càng thêm hiu hắt, ảm đảm. Nhịp sống nơi đây cứ lặng lẽ diễn ra, lặng lẽ như những nốt nhạc buồn – như nỗi đau bệnh tật của họ. 

Mở chiếc tivi cũ kỹ trong phòng rồi cùng người bạn xem một chương trình giải trí, ông Trần Văn Linh cho biết những người ở đây còn luôn tìm mọi cách để có thêm nhiều giây phút được quây quần, tâm sự và động viên nhau bởi đây được xem như là gia đình thứ 2 của tất cả mọi người.

Thành Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI