Từ cánh cửa sổ, António Lemos có thể trông thấy hàng cây bao quanh Cung điện Belém, nơi ở của tổng thống Cộng hòa Bồ Đào Nha. Khác xa khung cảnh sang trọng - tráng lệ bên trong cung điện, cửa lớn và cửa sổ phòng Lemos không chống chịu nổi nắng, mưa hay gió lớn. Người đàn ông 79 tuổi ngủ trên một tấm nệm cũ đặt sát nền nhà. Tấm chăn ông đắp quá mỏng để bảo vệ Lemos khỏi gió rét mùa đông.
Là cựu chiến binh và từng làm việc tại các nhà hàng nổi tiếng trong thành phố, ấy thế mà giờ đây, lương hưu lẫn trợ cấp quân đội lại không đủ giúp Lemos giữ được một tổ ấm cho riêng mình.
|
Căn phòng nhỏ trước một tòa kiến trúc đang xây bị bỏ dở nay thành chốn nương thân cho một người đàn ông nghèo |
Khi giấc mơ hóa thành ác mộng
“Tôi nhận được 175 euro (4,8 triệu VND) trợ cấp cho cựu quân nhân”, Lemos nói. Thế nhưng, đấy là con số cho một năm.
Cụ ông chỉ cười trừ khi nhắc về những khoảng phúc lợi bất công như thế. Suốt 3 năm qua, ông phải dọn vào sống tạm bợ ở một ngôi nhà bỏ hoang không điện, nước lẫn thiết bị sưởi ấm. Lemos thắp nến mỗi tối thay cho đèn điện, và đến nhà vệ sinh công cộng tắm rửa khi cần.
Dẫu vậy, ông vẫn tự hào khoe 5 chiếc cà-vạt màu sắc tươi sáng được treo ngay ngắn trên móc quần áo. “Đôi khi tôi mang một chiếc cà-vạt ra ngoài. Tôi luôn muốn mình trông tươm tất, lịch sự. Vì thôi chăm sóc bản thân là cách nhanh nhất để bạn đánh mất bản thân”, ông giải thích.
|
Một cặp vợ chồng thu nhập thấp sống nương tựa nhau trong một nhà kho cũ bỏ hoang. Bên cạnh việc không có điện, nước, khí đốt, họ phải chịu đựng tình trạng trộm cướp thường xuyên |
Xung quanh căn phòng trống trải, dột nát, Lemos ngồi trên ghế sofa cũ đã sờn màu. Trên bàn nhỏ là một cái radio cầm tay cổ. Kệ sách gần đó đặt lác đác vài cuốn sách tôn giáo, giấy ăn và nến dự phòng.
Không ít phận đời hoặc có thu nhập thấp, bất ổn, hoặc được hưởng phúc lợi ít ỏi, đang bị kéo vào “cơn bão” giá nhà đã đến mức độ trầm trọng tại Lisbon. Những năm tháng khi Bồ Đào Nha nỗ lực tăng tốc phát triển kinh tế xã hội, mơ ước tạo dựng một ngôi nhà vững chắc lại dần hóa thành ác mộng với tầng lớp lao động nghèo.
Lemos là một trường hợp đặc biệt gây xúc động xuất hiện trong dự án “Mái nhà” của Mário Cruz - nhiếp ảnh gia, phóng viên ảnh đã 2 lần thắng giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới. Nổi tiếng qua hàng loạt bộ ảnh lột tả góc khuất xã hội, để hoàn thiện “Mái nhà”, Cruz lang thang khắp ngõ ngách ở quê hương Lisbon nhằm tìm kiếm - ghi lại hình ảnh những con người gần như bị quên lãng giữa chốn thành thị đắt đỏ.
“Vô hình” giữa thành phố lớn
“Tôi bắt đầu tìm tư liệu từ năm 2013, thời điểm nhiều người bị mất nhà cửa do khủng hoảng kinh tế và chính sách ‘thắt lưng buộc bụng’ của chính phủ”, Cruz chia sẻ. “Lúc bấy giờ, mọi người không ngại tiết lộ việc họ phải sống tạm trong các căn nhà, căn hộ bỏ hoang. Qua ảnh, phần nào đó, họ muốn nhờ tôi gửi đi một lời ‘kêu cứu’… Thế nhưng gần 10 năm sau, thái độ ấy đã thay đổi. Khủng hoảng cứ mãi kéo dài. Họ dần mất niềm tin, thậm chí cảm thấy xấu hổ về tình cảnh của mình”.
|
Màn che và tranh treo tường trong một căn nhà bỏ hoang. Hàng thập niên qua, căn nhà trở thành chỗ tạm trú cho những người không còn nhà ở |
Lisbon thu hút giới đầu tư nước ngoài, doanh nhân giàu có về hưu, chuyên gia công nghệ và hàng triệu du khách hằng năm. Đô thị cổ kính được chọn là điểm đến tốt nhất châu Âu năm 2023, đánh giá bởi Giải thưởng Du lịch Thế giới. Tuy nhiên cũng chính vì đặc trưng này, khủng hoảng giá nhà đất ở Lisbon trở nên mất kiểm soát 10 năm trở lại đây, dẫu vấn đề đã “nhen nhóm” từ lâu.
“Có hơn 1.000 gia đình đang nhận trợ cấp để trả tiền thuê nhà”, Carlos Moedas, thị trưởng Lisbon, cho biết. “Chúng tôi cố gắng tập trung hỗ trợ người không thể trả nổi tiền nhà hay thu nhập thấp như cảnh sát, giáo viên, nhân viên y tế... Mọi thứ chưa bao giờ nghiêm trọng đến mức này”.
|
Ông Barata (phải) dọn vào nhà máy cũ bỏ hoang, nơi ông từng làm việc trước kia, để ở tạm sau nhiều tháng liền mất nguồn thu nhập |
Một thợ làm vườn không thể trả nổi tiền thuê căn hộ với mức lương 800 euro hàng tháng, khi giá nhà trung bình ở Lisbon đã lên đến 20,8 euro/m2. Người công nhân lớn tuổi chia sẻ qua dự án “Mái nhà”: “800 euro làm sao đủ để tôi trang trải tiền nhà, thức ăn, hóa đơn điện, nước?”. Ông vẫn ở lại khu dân cư mình đã sinh sống suốt 55 năm. Duy, tổ ấm còn lại của ông là một container chở hàng bị bỏ hoang.
“Họ không thật sự nằm trong danh sách phúc lợi vì phần lớn vẫn còn công việc, và không thật sự vô gia cư”, Cruz nói. “Nhưng họ cũng không còn một ngôi nhà đúng nghĩa. Họ như những người ‘vô hình’ trong thành phố”.
Để tìm được những mảnh đời như thế, Cruz lần theo một số “dấu hiệu” thường dễ bị bỏ qua: quần áo phơi bên ngoài căn nhà hoang, cái khóa mới trên cánh cửa mục nát, tấm bảng gỗ che chắn cửa sổ vỡ. Anh gặp gỡ những người mẹ đơn thân với con nhỏ còn ẵm ngửa, một số đôi vợ chồng công nhân thu nhập bấp bênh, những cụ ông cụ bà về hưu sống cô độc.
|
Một căn nhà bỏ hoang gần sông Tagus là nơi trú ngụ cho những người vô gia cư |
“Những con người ấy mong manh là vậy nhưng họ vẫn chủ động biến nơi hoang tàn thành ‘nhà’”, anh kể. “Tôi trông thấy thảm chùi chân, khăn trải bàn sạch sẽ, mấy bức tranh treo tường, một cây dù đặt gần cửa ra vào dẫu chính căn phòng họ trú ngụ còn đang dột đầy nước mưa”.
Lemos không nói thật về hoàn cảnh sống của ông với bạn bè, thậm chí với người chị ruột. “Tôi có rất nhiều lý do để không nói ra”, ông bày tỏ. “Hẳn một phần vì xấu hổ. Nhưng sau đó tôi lại nghĩ, vì sao phải xấu hổ? Tôi không làm hại ai cả. Tôi có tri thức và muốn sống ngẩng cao đầu”.
Như Ý (theo El Pais)