Những mầm xanh bị 'bức tử'

16/01/2019 - 06:00

PNO - Các bác sĩ cảnh báo tai nạn giao thông ở trẻ em đang gia tăng vào những ngày cuối năm, với những chấn thương nặng hơn.

Còn theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cả nước có tới 962 trẻ em bị thương vong vì tai nạn giao thông trong 10 tháng đầu năm 2018.

Trẻ bị thương tật đau đớn

Hiện khoa Răng hàm mặt Bệnh viện Nhi đồng 1 có chín bệnh nhi đang nằm viện vì tai nạn giao thông trong bốn ngày nghỉ lễ tết dương lịch vừa qua. 

Bé gái Phạm Thị Tú A., 11 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang, vẫn còn đau đớn vì gãy hai tay và những vết thương khắp mặt. Trong dịp tết dương lịch, bé A. được mẹ chở đi chơi và bị ngã khi có chiếc xe khác va quệt.

Bé A. té đập úp mặt xuống đường và bất tỉnh. Người mẹ hoảng loạn khi thấy cả mặt con be bét máu. Gia đình đưa bé vào bệnh viện địa phương, nhưng tình trạng quá nặng nên được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1.

Nhung mam xanh bi 'buc tu'
Bé Phạm Thị Tú A.- bị gãy hai tay, chân và chấn thương mặt do tai nạn giao thông

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu - Trưởng khoa Răng hàm mặt của bệnh viện - cho biết, khi nhập viện, A. bị gãy hai tay, chân phải, gãy mũi, hàm gò má, bờ ổ mắt và gãy xương hàm dưới. Phải mất ba giờ, các bác sĩ mới thực hiện xong ca phẫu thuật xử lý các chấn thương nặng và phức tạp ở mặt của A. Bác sĩ Đẩu cho biết, nếu có đội nón bảo hiểm, tình trạng của A. sẽ không nặng đến vậy. 

Tương tự, bé H.S.P., 6 tuổi, ở tỉnh Đồng Tháp, được mẹ chở đi chơi cũng không đội nón bảo hiểm. Khi xảy ra tai nạn, bé P. bị ngã xuống đường làm gãy xương hàm trên, xương hàm dưới và rách mặt. Còn em Phạm Hoàng D., 15 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long, chưa đủ tuổi nhưng chạy xe máy và không đội nón bảo hiểm. Hậu quả, khi va chạm với xe khác, D. bị gãy hàm gò má, rách mặt và chấn thương sọ não.

Ý thức tham gia giao thông kém 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, nhưng chủ yếu vẫn là do sự bất cẩn và ý thức tham gia giao thông của người lớn kém. Nhiều phụ huynh không cho trẻ đội nón bảo hiểm khi ngồi xe máy di chuyển ngoài đường. Vì quên, lười và cả lý do sợ trẻ đội nón bảo hiểm mỏi cổ, đau đầu… 

Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu kể, ông từng thử làm thống kê khi chạy xe từ nhà đến bệnh viện. Chỉ khoảng 5km nhưng ông thấy có đến 17 xe chở trẻ nhỏ mà không đội nón bảo hiểm. Có không ít trường hợp mẹ chở con cho ngồi, đứng ở phía trước, khi xe nghiêng hoặc va chạm té ngã thì trẻ rơi ra ngoài và bị xe khác cán tử vong. Ngoài ra, cha mẹ chở con nhưng không chấp hành luật an toàn giao thông, vi phạm các lỗi như: uống rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi không đúng làn đường...

Nhung mam xanh bi 'buc tu'
 

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tuy số vụ và người chết do tai nạn giao thông ở người lớn giảm trong những năm gần đây, nhưng tỷ lệ trẻ em bị tai nạn giao thông và thương vong do tai nạn giao thông không hề giảm, thậm chí còn tăng. Cũng theo ông Hùng, mỗi năm hơn 1.000 trẻ tử vong do tai nạn giao thông.

Khi bị tai nạn giao thông, đa phần trẻ bị gãy xương; một số trường hợp chấn thương nội tạng, chấn thương sọ não. Các chấn thương ở bụng có thể dẫn đến xuất huyết nội do vỡ tạng, nếu không được can thiệp kịp thời dễ đe dọa đến tính mạng của trẻ. 

Các chuyên gia nhi khuyến cáo: nếu xảy ra tai nạn giao thông, trường hợp nhẹ, trẻ có thể được chăm sóc ở nhà hoặc tại cơ sở y tế địa phương như trạm y tế phường, xã. Trường hợp nặng, hoặc va chạm mạnh, trẻ có biểu hiện choáng, đi đứng không được, lơ mơ, ói… cần đưa ngay đến bệnh viện. Có trường hợp trẻ bị chấn thương kín nên ban đầu không có triệu chứng rõ ràng. Vì vậy, cha mẹ cần theo dõi trẻ và khi có dấu hiệu bất thường phải đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra, điều trị kịp thời. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI