Những mái trường dựng lên từ ruộng nương

25/07/2023 - 05:41

PNO - Chính bà con trong bản đã hiến tặng cả ngàn mét vuông đất như sự chung tay để dựng lên những mái trường kiên cố.

Thiếu đất dựng trường ở miền núi, ngỡ đùa nhưng lại hoàn toàn là hiện thực. Bởi trường học vùng cao vừa phải đảm bảo địa hình an toàn, vừa không quá xa trung tâm bản, lại vừa có 1 khuôn viên đủ cho các hoạt động của học trò. Thế rồi, chính bà con trong bản đã hiến tặng cả ngàn mét vuông đất như sự chung tay để dựng lên những mái trường kiên cố.

Hiến hàng ngàn mét đất

Những ngày này, xã Mường Nhé, xã Chung Chải của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đang khẩn trương xây dựng Điểm trường mầm non Co Lót (thuộc Trường mầm non Mường Nhé, xã Mường Nhé) và Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Chung Chải số 2 (xã Chung Chải) để kịp đưa vào sử dụng cho năm học mới. Ông Mùa A Tùng - Trưởng bản Co Lót, đang phụ nhà trường, phụ các nhà tài trợ quán xuyến công việc. Nền đất này (600m2) vốn là khu vườn sum suê xoài hoa tím, măng tre bát độ, và cũng là chuồng của đàn trâu, đàn bò nhà ông.

Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Chung Chải 2 xây dựng trên 3.640m2 hiến tặng của gia đình ông Lý Hồng Sơn - ẢNH: P.C
Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Chung Chải 2 xây dựng trên 3.640m2 hiến tặng của gia đình ông Lý Hồng Sơn - ảnh: P.C

Khi Điểm trường mầm non Co Lót xin được kinh phí xây trường từ nguồn xã hội hóa, ông Phạm Thiết Chùy - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mường Nhé và bà Hồ Thị Thắm - Hiệu trưởng Trường mầm non Mường Nhé - lên bản vận động. Trưởng bản Mùa A Tùng nói rất thân tình, chất phác: “Tao đông con, nhiều cháu, cũng khó khăn lắm. Nhưng cô giáo Thắm và chú mày (ông Chùy) cần đất xây trường thì cứ lấy đất vườn của gia đình tao mà làm. Tao chỉ có vậy thôi”. 

Hỏi lý do gì khiến ông quyết định nhanh đến vậy, ông lão người Mông trầm ngâm: “Bao nhiêu năm, trẻ con trong bản đi học mầm non, cả cô giáo, cả các cháu phải học trong những lán tranh tre. Vách ngang ngực người lớn, lòng lớp học chỉ rộng có thế này thôi” - ông Tùng đưa 2 tay ra phía trước, “vẽ” 2 góc vuông - “nắng thì xiên, mưa thì lầy như ruộng cấy, cực lắm”.

Bên xã Chung Chải, người đàn ông dân tộc Si La, cao lớn nhất bản Nậm Sin - Trưởng bản Lý Hồng Sơn “quyết định hiến tặng quyền sử dụng đất đồi nương (giáp ranh khu nhà bán trú Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Chung Chải số 2) của gia đình cho trường để thi công xây dựng công trình trường lớp”.

Diện tích mà gia đình Trưởng bản Sơn hiến tặng, lên đến 3.640m2. Bởi quy mô xây dựng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Chung Chải số 2 khá lớn, gồm 3 dãy lớp học 2 tầng, 1 dãy nhà hiệu bộ 2 tầng, và khu nhà ở 2 tầng - 14 phòng cho học sinh bán trú. 

Ngày trước, ông Sơn đứng trước cửa là phóng tầm mắt ra đồi nương xanh màu bắp, củ mì, khoai… Gia đình và 2 đứa con độ tuổi ăn học của ông cũng cậy nhờ nhiều vào diện tích canh tác đó, nên ban đầu, vợ ông không đồng ý hiến tặng. Bây giờ, ông Sơn ời ời kể với vợ: “Con nhà mình gần trường nên “sướng”, chứ bọn trẻ ở các bản về bán trú - ở lại trường trong những gian phòng quây tôn chật hẹp; nắng là nóng ngột ngạt, mưa thì dột ướt hết chăn màn, quần áo, sách vở. Cùng là con em người Mông mình, cùng là con cháu người Chung Chải cả. Mình phải nghĩ lâu dài cho các cháu”. 

Vợ ông thấy chồng nói có lý, có tình nên đồng ý hiến đất xây trường. Nửa năm nay, mỗi khi mặt trời lặn dần lưng núi; đi làm nương về, vợ chồng Trưởng bản Lý Hồng Sơn lại đứng bên nhà mình nhìn sang, chạm mắt vào khu nhà nội trú cho học sinh đang mỗi ngày một rõ rệt hình hài.

Chắt chiu cho thế hệ trẻ

Ở xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu; hơn 2 năm nay, học sinh lớp Một, Hai của 3 khu dân cư ở bản Nậm Nàn đã không còn cảnh chia nhau học ở 2 điểm trường, trong 2 ngôi nhà gỗ cũ nữa. Điểm trường mới xây dựng của cả bản Nậm Nàn có 2 phòng học, 2 phòng công vụ cho giáo viên và khu nhà bán trú cho các cháu lớp Một, Hai của bản. Toàn bộ các phòng này được xây dựng trên 500m2 đất hiến tặng của gia đình anh Mùa A Ký. 

Ông Mùa A Tùng đứng trên phần đất gia đình mình hiến tặng để xây dựng Điểm trường mầm non Co Lót - ẢNH: P.C
Ông Mùa A Tùng đứng trên phần đất gia đình mình hiến tặng để xây dựng Điểm trường mầm non Co Lót - Ảnh: P.C

Ông Phạm Quốc Bảo - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nậm Manh - chia sẻ: “Nhờ anh Ký hiến đất, các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí, việc học của trò, việc dạy của thầy cô đều thuận lợi hơn rất nhiều”. Anh Ký cũng vui không kém gì đám trẻ lớp Một, Hai trong bản. Anh bảo gia đình mình hiến đất, mà già trẻ, lớn bé trong bản đều phấn khởi vô cùng. Ý nghĩa nhất, là việc học hành của các cháu không còn trắc trở như con đường đến 2 điểm trường ngày trước nữa.

Khi ở xã Mường Nhé, chúng tôi hỏi ông Mùa A Tùng, rằng ngoài thương các mầm non của Co Lót, hẳn ông còn lý do đặc biệt khác!? Ông Tùng nói, giọng chầm chậm như những đám mây đang lững lờ trôi qua đỉnh dốc đầu bản. Gần 20 năm trước, ông được Nhà nước hỗ trợ heo nái, heo giống có bao nhiêu, ông giúp bà con trong bản một nửa số con, một nửa còn lại ông đưa xuống chợ huyện bán.

Ngày đó, 33ha của Co Lót cấy được 2 vụ lúa nước mỗi năm, là nhờ công trình thủy lợi của Nhà nước. Co Lót khi đó được giúp 12 mái nhà, 19 con trâu… Nên ông bảo việc hiến đất của gia đình mình cho xã xây điểm trường, lý do lớn nhất là mong con cháu của Co Lót được học trong những gian phòng mưa không đến mặt, nắng không đến đầu. 

Lý do sau nữa, ông là trưởng bản gần 20 năm, nên ông thay mặt dân bản Co Lót “cảm ơn Nhà nước đã giúp người Co Lót thoát khỏi nhà tạm, cái đói và từng bước thoát nghèo”.

Ông Phạm Thiết Chùy xúc động khi nhắc đến từng mái trường ở huyện Mường Nhé được dựng lên từ nương rẫy của bà con. Kinh tế dẫu còn nhiều khó khăn, song bà con không phải chịu cảnh đói nghèo triền miên như trước, đám trẻ ở các bản học bán trú còn được Nhà nước hỗ trợ 1 phần tiền học, tiền ăn; nên việc đến trường của các em cũng được cha mẹ ít nhiều quan tâm hơn trước. Song, để người dân sẵn sàng hiến hàng ngàn mét vuông đất nương rẫy canh tác là sự kiên trì, bền bỉ và cả hy sinh của các thầy cô đi gieo chữ vùng cao. 

“Hôm thầy Chùy xuống vận động, tôi đã thấy cái chân tình của thầy với học sinh, với dân bản. Nên về thuyết phục được vợ, là tôi phải báo ngay cho thầy. Tôi bảo thầy Chùy: “Tao cho mày đất, mày xây nhà cho học sinh Chung Chải nhé. Tao bảo vợ rồi, mày là thầy giáo tốt, tao tin mày, nên vợ tao cũng tin” - Trưởng bản Lý Hồng Sơn kể. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI