Những mái nhà trong rừng sâu

19/08/2021 - 06:43

PNO - Trong những cánh rừng của miền núi Quảng Trị, có một cộng đồng sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Muốn đem thứ gì đó vào bản, họ phải gùi và vượt núi.

Phía sau núi thẳm, rừng xanh

Từ cầu treo Đakrông, Quảng Trị chạy xe theo Tỉnh lộ 14 hơn 50km, bạn sẽ đến A Vao, huyện Đakrông. Trung tâm xã nằm trên một quả đồi cao. Trường trung học cơ sở và tiểu học A Vao nằm cạnh trụ sở xã. Đây là hai công trình được xem là kiên cố và bề thế nhất ở địa phương.

Nơi đây, đồng bào Vân Kiều, Pa Cô chiếm đa số. Mật độ dân số ở A Vao rất thấp. Chỉ có một vài quán nhỏ bên vệ đường, do người miền xuôi làm chủ. Thực phẩm tươi sống dưới xuôi muốn lên được đây phải nhờ vào những chuyến bán hàng lưu động.

Thung lũng A Tang
Thung lũng A Tang

Từ trung tâm xã, bạn rẽ xe theo hướng đông bắc, đi theo một tỉnh lộ nhỏ khác sẽ đến điểm cư dân xa nhất của A Vao: bản Ba Lin. Sau những trận mưa kèm sạt lở kinh hoàng ở Quảng Trị trong năm 2020, con đường này bị chia cắt nhiều đoạn. Tuyến đường đang được thi công, rải nhựa lại. Khi hoàn thành, nó sẽ giúp giao thông vùng này được thuận tiện hơn.

20km dọc đường vào Ba Lin, cứ vài cây số bạn sẽ bắt gặp một ngôi nhà sàn. Người dân địa phương sinh sống, dựng nhà rải rác ven đường, không quần tụ thành thôn bản. Ban ngày, những ngôi nhà hầu như đóng cửa. Đi cung đường này, tay lái phải rất cẩn thận, thắng trước và sau phải luôn sẵn sàng.

Chạy xe gần một tiếng sẽ vào đến Ba Lin. Bản hiện ra với một điểm cư dân cũng phân bố rải rác, trải dài từ cao xuống thấp, trên một vạt đất rộng. Ở đây có Đồn biên phòng A Vao và một điểm trường cấp I, còn lại là nhà sàn của người dân vùng cao. Đường sá cũng được đầu tư, đổ bê-tông ở những tuyến chính. Sóng điện thoại chỉ duy nhất mạng Viettel dùng được.

Phía bên kia đỉnh đồi, đi bộ hơn một giờ đồng hồ sẽ đến thung lũng A Tang. Để vào được thung lũng này, nơi chỉ có mười nóc nhà, là một hành trình đầy gian truân. Biểu đồ hình sin như thế nào thì đường ở đây cũng tương tự. Những con dốc dựng đứng. Hai bên đường, cây dại, cỏ lau mọc sát; một số đoạn cây lớn ngả chắn ngang. Sau những trận mưa lớn, nước từ trên các đỉnh dốc đổ xuống, tạo thành các rãnh lớn dọc đường đi.

Cung đường này là tuyến duy nhất để người dân thung lũng A Tang ra với bên ngoài. Những tháng mưa lũ lớn, cư dân thung lũng rất dễ bị chia cắt. 

Từ đường đi vào, đứng trên một quả đồi cao sẽ nhìn rõ khung cảnh thung lũng A Tang. Người dân gọi đây là bản tám nhà dù nay con số đó đã lên mười. Bản hình thành từ năm 1992, khi những người đầu tiên đi tìm đất dựng làng. Vào đến đây, thấy không khí tốt, rừng núi bao quanh, yên tĩnh, họ vạt đất, dựng nhà.

Dân cư nơi đây sống, sinh hoạt như một bộ tộc trong rừng sâu. Những đứa trẻ đem nhẻm, nhem nhuốc, một số đứa chỉ mặc quần không áo, một số trần truồng chạy khắp bản. Thấy người lạ, chúng nép vào cha hoặc bỏ chạy hay đứng khóc. Thanh niên trong bản mùa này ở nhà còn phụ nữ lên rẫy đi lượm khoai, sắn. 

Ở đây, vườn nhà này thông qua vườn nhà kia, không hề có hàng rào. Một quả đồi thấp, họ đào, đắp dần thành khoảnh đất rộng, bằng phẳng, dựng lên căn nhà. Để đem tôn vào, họ phải cõng trên vai rồi cuốc bộ.

Trước đây, điện được dùng từ tua-bin phát dưới suối. Sau những trận mưa lũ trong năm 2020, hệ thống này hư hỏng, các nhà tài trợ đã tặng đèn năng lượng mặt trời cho địa phương. Bên trên các mái nhà nay có thêm tấm pin mặt trời, đến tối đèn tự đỏ, sáng rực.

Thế nhưng, đó là chuyện của mùa hè. “Đến mùa đông, ở đây lạnh cả mấy tháng trời, chắc không đủ năng lượng cho đèn đỏ”, vị cán bộ Biên phòng đồn A Vao lo lắng.

Trẻ con ở A Tang
Trẻ con ở A Tang

Đường sá đi lại khó khăn nên hầu như người dân không buôn bán gì với bên ngoài. Sắn, mì, lúa rẫy họ trồng chỉ để phục vụ nhu cầu ăn uống.

“Mỗi ngày chỉ gánh được hai bao sắn ra ngoài kia. Nếu trồng cả rẫy, gánh không kịp sẽ hư hết”, anh Hồ Văn Xa lý giải nguyên do người dân ở đây không trồng sắn dù năng suất cây trồng này rất lớn.

Cá dưới suối, lúa trên đồi

Chín giờ sáng, ông Hồ Sâu cùng con trai cầm tay lưới giăng cá treo sẵn dưới nhà, đi bắt cá. Con ông - anh Hồ Cu Chang (35 tuổi), một người đi suối như cơm bữa - bắt được nhiều cá lớn nhưng không biết bơi. Anh Chang chỉ mang theo cái nỏ cùng chiếc kính lặn, lội dọc những điểm nước nông để săn cá.

Hai cha con đi theo con suối A Tang. Đến điểm xa nhất, họ bắt đầu giăng lưới, đánh cá ngược về lại bản. Ông Hồ Sâu năm nay 60 tuổi. Dấu hiệu của tuổi tác chưa thể hiện nhiều trên cơ thể ông - một thân hình vạm vỡ, chắc nịch. Tóc ông chưa có một sợi bạc, nước da ông ngăm đem. Chân trần, ông đi thoăn thoắt trên những thanh đá sắc bén.

Con suối A Tang mùa này cạn, nước không chảy quá xiết. Cha con ông Hồ Sâu phải di chuyển nhiều địa điểm mới tìm ra được những vũng nước sâu, nơi có thể giăng lưới. “Suối nay có cá mát, bắt về nấu canh với lá chua rừng thì ngon khỏi bàn”, ông Sâu giới thiệu ngắn gọn rồi nhảy xuống vũng nước, thả lưới.

Chỉ cần bạn tìm trên Google với từ khóa “cá mát Quảng Trị”, kết quả sẽ có rất nhiều thông tin. Báo chí viết về loài cá này như một sản vật huyền thoại của núi rừng Quảng Trị. Với khách quý, dân bản ở đây mới bắt thứ cá này về đãi. Còn không, họ chỉ mời khách với thịt gà, vịt nuôi sẵn dưới sàn, quanh vườn.

Muốn vào, ra người dân ở đây phải cuốc bộ, gồng gánh đi trên cung đường đồi dốc
Muốn vào, ra người dân ở đây phải cuốc bộ, gồng gánh đi trên cung đường đồi dốc

Để bắt được cá mát không khó mà cũng chẳng dễ. “Hôm nào gặp hên thì bắt được nhiều”, ông Hồ Sâu vừa đuổi cá dưới suối vừa nói vọng lên. Bên dưới một đoạn, anh Chang cầm chiếc nỏ, đeo kính lặn, lội ở những vùng nước cạn ngang đầu gối rồi gục đầu xuống, soi từng hộc đá, bắn cá.

Tài nghệ bắn cá của anh Chang vào loại cao thủ nhưng đàn cá mát cũng tỏ ra khá tinh vi. Việc con người đi đánh cá thường xuyên tạo ra cho đàn cá một sự lọc lõi. Chỉ cần nghe tiếng động, cá sẽ lẩn trốn trong hốc, hang đá. Ông Sâu giăng lưới xong phải dùng thanh sào chọc vào các hang xua đuổi cá ra.

A Tang không chỉ có cá mát. Anh Chang đã từng bắt được cá chình suối. Con lớn nhất anh bắt được hơn 10kg, những con 3-4kg thì thường xuyên. Săn cá chình khá kỳ công, phải có lưỡi câu và dây đủ chắc. Mồi phải thật hấp dẫn để dụ được cá ra. Muốn bắt được cá chình phải thả câu ban đêm, đến rạng sáng sẽ thu lưỡi.

Hơn ba tiếng đi giăng lưới, cha con anh Chang bắt được tầm hơn 1kg cá mát. “Hôm nay có khách mà không gặp hên”, ông Hồ Sâu vừa cười vừa nói, rồi tiếp: “… nhưng chừng đó cũng đủ làm được một nồi canh rồi”.

Mọi người cất dọn lưới, băng lại đường cũ về bản. Nồi cơm bằng lúa rẫy đã được người nhà nấu sẵn. Anh Chang rửa sạch cá rồi bỏ vào nồi, thêm chút lá chua hái từ bìa rừng. Một lát sau, nồi canh vừa chín, chúng tôi ngồi quây quần bên bếp ăn cơm, nhấp rượu.

Người dân ở đây đa phần tự cung tự cấp. Thức ăn họ săn, bắt dưới suối, trên rừng. Gạo rẫy họ tự trồng, đủ cung cấp đến mùa giáp hạt. Họ chỉ mua dầu, mắm muối hoặc những thứ thiết yếu nhất từ bên ngoài. 

Bài và ảnh: Nguyễn Đắc Thành

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI