Những mái chùa thân thương giữa phố phường

05/08/2024 - 06:38

PNO - Ngày rời quê vô Sài Gòn theo lời thuyết phục của con cháu, nỗi băn khoăn lớn nhất của ba má tôi là “vô đó biết làm chi, không quen biết ai, buồn lắm”. Tới nay, ba má tôi đã sống ở Sài Gòn hơn 28 năm và nơi đây đã thành quê hương của cả gia đình tôi. Mỗi lần đi đâu xa, bước chân về tới thành phố, dù mệt mỏi đến mấy, gương mặt má tôi vẫn sáng lên nụ cười vui.

Một cõi đi về

Nhà tôi ở quận Tân Bình, gần chùa Giác Lâm. Ngôi chùa này đã thành một cõi đi về của cả 3 thế hệ trong gia đình. Ba má sinh ra và nuôi lớn anh chị em tôi ở Huế - mảnh đất miền Trung có những ngôi chùa cổ kính. Trong tâm thức của tôi, những ngôi chùa ngày đó phần lớn đều lánh xa thế tục, ẩn mình sau cây cối, tách biệt với phố phường lấm bụi hồng trần.

Không như ở Huế, chùa ở Sài Gòn có cổng mở ra mặt phố, hòa mình trong phố thị. Thiện nam, tín nữ ăn mặc tự do vô chùa. Chùa trong phố mở lòng đón nhận những kiếp người trong cuộc mưu sinh hối hả. Chùa như một cánh cửa mở ra những chiều kích khác nhau của phố, một không gian sống rất bất ngờ, đầy màu sắc.

Trẻ vui nhà, già vui chùa. Có thể nói, con đường làm quen với Sài Gòn của ba má tôi là con đường đến ngôi chùa cổ gần nhà. Ông bà qua chùa chơi những buổi sớm, buổi chiều, hưởng cái xanh mát thanh nhàn của vườn cây rộng rãi đầy gió, nghe sư thầy giảng kinh, cho bầy cá ăn, ngắm hoa sa la nở rồi rụng trong vườn tượng.

Dần rồi quen, ông bà làm công đức, dọn dẹp, quét tước, phụ nấu cơm chay thiện nguyện những ngày rằm và thấy mình hòa vào nhịp sống của một cộng đồng thiện lành, yêu thương.


Chùa có một nhịp sống riêng theo trăng tròn trăng khuyết, có ngày sóc, ngày vọng, ngày chay. Nhịp điệu của chùa chậm rãi mang lại sự bình an cho ba má tôi, cho những ông bà cao tuổi và cả những người trẻ chọn cảnh chùa như một chốn dừng chân, chữa lành ngay giữa lòng phố thị.

Ba má tôi đã lần lần biết thêm những ngôi chùa ở thành phố. Ông bà rành Sài Gòn hơn đám trẻ. Ba tôi tìm đọc cuốn Sài Gòn năm xưa của cụ Vương Hồng Sển rồi tự hào kể cho con cháu nghe: ở Sài Gòn có 3 ngôi chùa cổ, thứ tự là Giác Lâm (quận Tân Bình), Minh Hương Gia Thạnh (quận 5), Thất Phủ Quan Võ miếu (quận 5).

Mấy đứa nhỏ trong nhà cũng thích được ông bà dẫn vô chùa chơi. Con trẻ chạy loăng quăng quanh những gốc cây, nghe ông bà kể sự tích nhà Phật, chỉ vẽ Phật pháp.

Lớp trẻ trong nhà biết về chùa nhờ những câu chuyện của ba má. Giác Lâm cổ tự là một trong những ngôi chùa cổ nhất của TPHCM, chứng nhân của Sài Gòn 300 năm tuổi. Chùa là tổ đình của phái Thiền Lâm Thế Tông, có vai trò rất lớn trong đời sống tâm linh của người dân Nam Bộ. Năm 1988, Bộ Văn hóa Thông tin đã công nhận chùa Giác Lâm là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.

Giác Lâm có dáng vẻ hiền hòa với 3 dãy nhà ngang nối liền nhau, trước là chính điện thờ Phật, tiếp đến là giảng đường và sau cùng là nhà trai. Đây là lối kiến trúc hình chữ tam của các ngôi chùa phương Nam. Phố phường hiện tại đã quần tụ quanh chùa, có cả những dãy nhà lấn vào khuôn viên chùa. Dù vậy, sân chùa vẫn rộng rãi cho người thong thả đi bộ, lễ Phật.

Ngày tôi mới tới, khuôn viên chùa là vườn cây xanh cao vời vợi. Theo thời gian, bảo tháp được xây dựng hoàn chỉnh, chùa có thêm vườn tượng Phật, rồi thêm các tòa giảng đường. Trước chính điện, cây bồ đề do đại đức Narada mang từ Sri Lanka sang trồng vào năm 1953 ngày một vươn cao, sum suê, tỏa bóng mát, hàng vạn lá nhỏ lấp lánh trên cao. Cây từ phương xa đã về đây bén rễ, vươn cành mạnh mẽ.

Mạch ngầm nguồn cội

Sài Gòn có những mạch sống mà ngay cả người sống lâu năm ở đây cũng phải đến một độ tuổi nào đó mới có thể thấu hiểu qua những chiêm nghiệm của mình. Ai cũng nghĩ Sài Gòn xô bồ, hối hả, đêm không ngủ, ngày không một phút ngơi tay nghỉ chân.

Nhiều người nghĩ thành phố này chỉ dành cho người trẻ, cho những ai đang trong cuộc cạnh tranh hối hả để mưu sinh. Nhưng Sài Gòn còn biết bao nơi chốn dành cho những người không còn trẻ, những người chọn nhịp sống chậm rãi hơn.

Thành phố mở nên mỗi thế hệ đều tìm thấy nơi chốn của mình; các mạch sống song hành, giao thoa với nhau, bổ sung, cân bằng cho đời sống thành phố thêm nhiều ý vị.

Chùa trong phố có đôi khi làm ta lạ lẫm. Tu hành giữa phố thị nào phải chuyện dễ dàng. Nhưng nếu không có chùa giữa phố, ba má tôi chắc cũng khó khăn mới hòa nhịp được, mở lòng với cuộc sống ở mảnh đất phương Nam rộn ràng này. Bữa cơm chùa, những chuyến đi từ thiện, chùa “kiểu Sài Gòn” đã cho ông bà cơ hội để làm những điều đó một cách tự nhiên.

Tôi biết mỗi ngày đi chùa, tâm nguyện của ba má là cầu mong cho con cháu khỏe mạnh, gia đạo bình an, công việc thuận lợi… Chùa trong phố đang nuôi dưỡng một thái độ sống rất đời, rất tích cực.

Những người cao tuổi tiếp nhận năng lượng từ chính những người trẻ rồi đến lượt mình, họ cung cấp cho cuộc sống trẻ trung của thành phố, của cháu con một sự cân bằng cần thiết, một góc an tĩnh để có thể trú ẩn khi cần, một lối trở về hồi phục năng lượng trước khi dấn thân trở lại với những đóng góp, cống hiến hết mình cho cuộc đời.

Giác Lâm là một trong những ngôi chùa cổ nhất TPHCM - ẢNH: PHÙNG HUY
Giác Lâm là một trong những ngôi chùa cổ nhất TPHCM - ẢNH: PHÙNG HUY

Ba má đã gửi tâm tánh vô chùa, và qua ba má, đám cháu con cũng có một phần gốc rễ nơi ngôi chùa ấy. Ngày đầu năm, các cháu theo ông bà đi chùa, những đôi lứa chắp tay thành tâm lễ Phật.

Trong nhà, có những đứa cháu đi du học tận bên Tây bên Mỹ, ngày về nhà vẫn mong được bà nội dẫn đi chùa, còn có đứa vô chùa xin chữ, hay xin thầy “cho” ngày đám cưới. Chẳng phải mê tín gì đâu, ngày giờ được “cho” cũng như một hạt mầm bình an, sự chứng giám của nguồn cội, tổ tiên. Hạt mầm ấy gieo vào trong những gia đình trẻ, tiếp nối cái mạch ngầm tuôn chảy bền bỉ gắn với đất tổ, với giống nòi.

Ba tôi qua đời năm ngoái. Bài vị ông được đưa về chùa để được vui cảnh chùa, gần con cháu. Vậy là gia đình tôi đã trở thành “người Sài Gòn” chánh hiệu, cha ông đã gửi một phần cốt nhục nơi mảnh đất phương Nam này. Sài Gòn là vậy, người từ tứ xứ mà thành bà con, đồng hương, thân thuộc một cách tự nhiên.

Nhìn lên nóc mái ngôi chùa cổ, thấy đôi rồng cùng chầu mặt trời, phía trên là bình tịnh thủy, ngang phía dưới là hình ảnh bát tiên - mối giao lưu văn hóa giữa kiến trúc Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo có từ thuở lập chùa, qua bao lần tôn tạo, ngày càng đẹp hơn, đa dạng hơn.

Những biểu tượng, hình ảnh ấy là hội tụ của tính cách cởi mở, hội nhập - những giá trị đặc trưng quý báu của thành phố này. Những giá trị ấy đã trường tồn với thời gian, vững bền qua bao thăng trầm lịch sử, cũng như tình yêu với thành phố của bao thế hệ đã được trao gửi và giữ gìn nơi mái chùa cổ thân thương giữa phố phường.

Hoàng Mai

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024.
Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI