Những lưu ý khi giao dịch ngân hàng dịp tết

26/01/2025 - 09:01

PNO - Nhu cầu chuyển, rút tiền tăng cao vào dịp tết Nguyên đán thường kéo theo nguy cơ nghẽn mạng, lỗi hệ thống, thậm chí "nuốt thẻ" ATM. Dưới đây là 3 lưu ý để khách hàng chủ động trong các giao dịch tài chính.

Nên thanh toán thẻ tín dụng, khoản vay từ sớm

Nhiều chủ thẻ, đặc biệt là khách hàng sử dụng thẻ quốc tế, vẫn đang chọn hình thức thanh toán thẻ dựa vào số thẻ in trên thẻ để thanh toán. Điều này đồng nghĩa với việc giao dịch được thực hiện qua hệ thống Ngân hàng Nhà nước, thay vì chuyển khoản nhanh Napas 247, dẫn đến thời gian xử lý kéo dài 1-2 ngày.

Nếu khách thanh toán vào cuối tuần hoặc các dịp lễ, tết, thay vì được ghi nhận ngay lập tức, khoản thanh toán có thể bị "treo" đến ngày làm việc tiếp theo, khiến khách hàng đối mặt với nguy cơ bị tính phí phạt trả chậm và lãi suất cao.

Đáng chú ý, một số loại tài khoản vay còn quy định hình thức thanh toán duy nhất qua Ngân hàng Nhà nước. Điều này càng làm gia tăng rủi ro trễ hạn, đặc biệt khi khách hàng thanh toán sát ngày hoặc vào cuối tuần. Như trường hợp anh Tấn Phát (quận 3, TPHCM) chia sẻ: theo hợp đồng, hạn thanh toán của khoản vay rơi vào thứ Bảy. Do bận công việc, anh đã thanh toán vào đầu giờ chiều cùng ngày. Tưởng đã kịp thời, anh bất ngờ khi vài ngày sau nhận thông báo về khoản phí phạt trễ hạn gần 400.000 đồng.

Để tránh tình trạng này, các chuyên gia tài chính khuyến cáo khách hàng nên chủ động thanh toán sớm, tốt nhất là trước vài ngày so với hạn chót.

Có thể chọn nạp tiền tại máy ATM

Khách hàng giờ đây không cần đến ngân hàng vẫn có thể dễ dàng nạp tiền vào tài khoản, mở sổ tiết kiệm ngay tại máy ATM. Theo ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM - các ngân hàng lớn như Agribank, Vietcombank, VietinBank, MB, Techcombank, TPBank, VPBank, ACB… đã tiên phong trang bị hệ thống ATM đa năng, bao gồm CDM (Cash Deposit Machine) và CRM (Cash Recycling Machine).

Với các trụ ATM hiện đại, khách có thể chọn nộp tiền ngay tại trụ mà không cần phải đến ngân hàng - Ảnh: Thanh Hoa
Với các trụ ATM hiện đại, khách có thể chọn nộp tiền ngay tại trụ mà không cần phải đến ngân hàng - Ảnh: Thanh Hoa

Bên cạnh chức năng rút tiền quen thuộc, những máy ATM thế hệ mới này cho phép nộp tiền trực tiếp vào tài khoản, mở sổ tiết kiệm, chuyển khoản từ tài khoản thanh toán sang tiết kiệm, tất toán sổ tiết kiệm và truy vấn thông tin tiền gửi - những giao dịch trước đây chỉ thực hiện được tại quầy. Đặc biệt, máy gửi/rút tiền tự động cho phép nộp tới 100 triệu đồng/lần (tối đa 200 tờ) và không giới hạn số lần nộp trong ngày.

Công nghệ hiện đại còn giúp phân loại mệnh giá (từ 50.000 đến 500.000 đồng) và phát hiện tiền giả, tiền không đủ tiêu chuẩn, giảm thiểu rủi ro so với kiểm đếm thủ công. Để hỗ trợ khách hàng, nhân viên bảo vệ luôn túc trực tại các trụ ATM.

Có thể rút tiền tại ATM của ngân hàng khác

Nhờ hệ thống kết nối liên thông giữa các ngân hàng, khách hàng có thể dễ dàng rút tiền tại bất kỳ trụ ATM nào, bất kể ngân hàng phát hành thẻ, phí dao dịch chỉ dao động từ 1.000-3.000 đồng/giao dịch (cùng hệ thống hoặc khác hệ thống). Thậm chí, một số ngân hàng như TPBank còn mạnh tay miễn phí giao dịch rút tiền, áp dụng cho cả ATM nội mạng lẫn liên ngân hàng.

Đôi khi khách thấy ATM thông báo không rút tối đa 35 tờ thì nghĩ máy ATM hết tiền. Thực tế do khe ATM có giới hạn, mỗi lần ATM cho ra không quá 35 tờ, nếu máy còn tiền 500.000 đồng và 200.000 đồng thì có thể rút một lần 5 triệu đồng. Nếu máy đã hết 2 loại tiền trên, chỉ còn loại 100.000 đồng hoặc các mệnh giá nhỏ hơn nhưng khách chọn rút nhiều tiền thì máy sẽ hiện thị thông báo không rút tối đa 35 tờ. Lúc này, khách nên chọn số tiền rút ít hơn, có thể chỉ từ 1-1,5 triệu đồng/lần rút.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, để bảo đảm an toàn cho hoạt động thanh toán, đặc biệt là các dịch vụ ngân hàng số, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các đơn vị liên quan, các tổ chức tín dụng triển khai một số biện pháp trong dịp Tết Nguyên đán 2025. Theo đó, các tổ chức tín dụng, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cần chủ động dự báo về nhu cầu thanh toán và có phương án ứng phó cụ thể cho từng trường hợp để bố trí đầy đủ nguồn lực, đáp ứng nhu cầu thanh toán tăng cao trước và trong dịp tết.

Các tổ chức tín dụng xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM (máy rút tiền tự động) phù hợp với từng địa bàn, khu vực; giám sát chặt chẽ để phát hiện và tiếp quỹ kịp thời; xử lý, ứng phó các sự cố, tình huống phát sinh, không để ảnh hưởng đến giao dịch thanh toán rút tiền của người dân.

Có biện pháp bảo đảm hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán ổn định, thông suốt nhằm phục vụ công tác thanh toán; xử lý và phản hồi kịp thời các yêu cầu tra soát, khiếu nại của khách hàng theo quy định; khắc phục các sự cố, tình huống phát sinh, bảo đảm hoạt động thanh toán thông suốt, ổn định, an toàn…

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI