Những lúc mệt mỏi, tôi lại bắt gặp nụ cười các em

24/04/2019 - 08:00

PNO - Năm năm qua, lớp bồi dưỡng văn hóa câu lạc bộ Lửa Việt (hẻm 36 đường Huỳnh Thiện Lộc, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú) đã và đang phổ cập, dạy kèm cho hơn 170 trẻ em khó khăn.

“Cũng có những lúc cảm thấy mệt mỏi, thấy mình không đủ sức để lo và tưởng như phải bỏ cuộc thì tôi lại bắt gặp nụ cười nơi các em. Một tiếng cũng thầy, hai tiếng cũng thầy, điều đó làm mình có thêm nghị lực và biết rằng vẫn còn rất nhiều người đang cần mình” - anh Huỳnh Ngọc Định, chủ nhiệm câu lạc bộ Lửa Việt, chia sẻ. 

Khát vọng đến trường, biết chữ
Hơn 6g chiều, trong căn nhà số 325/7 đường Kênh Tân Hóa, thuộc khu phố 3, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, hai anh em Trần Tấn Phát (15 tuổi) và Trần Tấn Tài (12 tuổi) háo hức chờ dì Hường, cán bộ Hội Phụ nữ, đến dẫn đi học. Chị Trần Tuyết Ngọc, dì của hai em, cho biết: “Suốt từ chiều đến giờ, tụi nó cứ đi ra đi vô hỏi sao dì Hường chưa tới”. 
 

Nhung luc met moi, toi lai bat gap nu cuoi cac em
Lớp Một luôn rất đông nên lớp học luôn cần đến 2-3 cô giáo

Từ khi cha mẹ chia tay, hai em trở nên bơ vơ, lúc ở với bà ngoại đi bán vé số, lúc lại ở với mẹ và cha dượng, lúc thì bỏ nhà đi bụi… Thương hai cháu, chị Ngọc thuyết phục chồng đón chúng về nuôi dạy mấy năm qua, dù gia đình chị cũng vô cùng khó khăn: ở trọ, bán hủ tíu để nuôi ba đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Biết được hoàn cảnh của chị Ngọc, chị Nguyễn Thị Bông Hường, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường, gợi ý cho hai cháu Phát, Tài đến học lớp bồi dưỡng văn hóa miễn phí để biết cái chữ. Thế là từ chiều hôm ấy đến nay, hai đứa trẻ có thêm niềm vui đến lớp như bao đứa trẻ khác.

Lớp bồi dưỡng văn hóa của câu lạc bộ Lửa Việt ở hẻm 36 đường Huỳnh Thiện Lộc, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười đùa của con trẻ. Thấy người bước vào, chúng đứng dậy chào. Xen lẫn trong mươi đứa học trò lớp Một là một cô bé tầm 13-14 tuổi. Em đang uốn lưỡi tập đọc chữ “trường”. Từ ba tháng trước, sau khi được đứa bạn trong xóm rủ rê, cô bé Lê Mỹ Diệu đã đến lớp chẳng bỏ bữa nào. Em thổ lộ: “Con thích học lắm. Bây giờ con đã biết đọc, biết viết tên mình. Con vui và thương các thầy, các cô lắm”. 

Cả trăm đứa học trò đến với lớp học là cả trăm mảnh đời bất hạnh, khó khăn, nhưng vẫn khát khao được đến trường, được biết chữ. Nhiều trẻ phải theo cha mẹ đi làm, rày đây mai đó, nên không được đi học. Có trẻ không xin đi học được vì quá tuổi. Cũng có trẻ may mắn, hằng ngày được đi học ở trường lớp chính quy, thì buổi chiều, buổi tối vẫn đến lớp bồi dưỡng để được các anh chị sinh viên ôn bài, củng cố kiến thức. 

Không chỉ các em nhỏ, lớp học còn có năm học trò tuổi từ 40 đến gần 60. “Tôi đến học để biết chữ, để biết đọc hợp đồng, biết ký tên” - cô Nguyễn Thị Thu Trang, 47 tuổi, nói. Chẳng là vừa qua, cô Trang đi xin việc làm, hai bên đã thỏa thuận mức lương 3 triệu/tháng, nhưng trong hợp đồng lại ghi 1,8 triệu đồng và cô phải chịu thiệt thòi!  

Thắp sáng giấc mơ 

Lớp học được thành lập từ tháng 6/2014 bởi anh Huỳnh Ngọc Định - chủ nhiệm câu lạc bộ và gần 20 bạn sinh viên. Giờ học được duy trì xuyên suốt từ 18g đến 20g, từ thứ Hai đến thứ Bảy hằng tuần. Các bạn sinh viên đến với lớp học vì thương các em nhỏ, đồng thời cũng muốn trau dồi thêm cho mình bản lĩnh và kỹ năng trong cuộc sống và nghề nghiệp về sau.

Chị Huỳnh Tố Linh - người gắn bó với câu lạc bộ ngay từ những ngày đầu, đồng thời cũng là người định hướng hoạt động của lớp học cho biết: “Ban đầu lớp học chỉ duy trì trong hai tháng hè nhằm giúp các em ôn lại kiến thức. Nhưng do được phụ huynh tin tưởng gửi gắm, các bạn sinh viên cũng rất nhiệt huyết, nên tôi hỏi mượn văn phòng Ban điều hành khu phố 3 làm lớp học dài lâu”.

Tuy nhiên, do giờ sinh hoạt, hội họp của khu phố nhiều lúc trùng giờ các em học, nên chúng tôi đã đi thuê phòng. Số lượng trẻ xin học ngày càng tăng, từ 30 lên 60, rồi gần 100, chúng tôi và các bạn sinh viên bàn tính và quyết tâm thuê hẳn một căn nhà với giá 11 triệu đồng/tháng để làm chỗ dạy, đồng thời cũng là nơi ở cho các bạn tham gia. Thay vì đi thuê phòng trọ ở đâu đó thì thuê ở đây, cùng chia nhau trả. 
 

Nhung luc met moi, toi lai bat gap nu cuoi cac em
Học sinh lớp Một đang được cô giáo sinh viên rèn chữ

Tuy có phòng ốc mới nhưng vẫn thiếu thốn trăm bề, chị Linh và anh Định phải tìm đến các Mạnh Thường Quân, các trường học, xin hỗ trợ bảng đen cũ, bàn ghế cũ cho các em ngồi.

Sau nhiều ngày vất vả ngược xuôi, năm phòng học cũng hình thành. Để đáp ứng sự đa dạng về trình độ, nhóm xếp hai lớp vào một phòng; học sinh cấp THCS thì học cùng một lớp và được các bạn sinh viên kèm riêng từng em; riêng lớp Một, số lượng đông nhất, được dành cho một phòng học lớn. Các em mầm non muốn làm quen với chữ cũng được xếp chung vào lớp Một. Mỗi lớp thường có hai hoặc ba bạn sinh viên theo dạy.

Những đứa trẻ theo học, khi đói cũng có thể ăn cơm, ăn mì, do các nhà hảo tâm, các bậc cha mẹ ủng hộ và các thầy cô chuẩn bị sẵn.

Năm năm qua, dưới sự dẫn dắt của anh Định, chị Linh, lớp bồi dưỡng văn hóa câu lạc bộ Lửa Việt đã và đang phổ cập, dạy kèm cho hơn 170 trẻ em khó khăn, trong đó có 70 trẻ không đủ điều kiện đến trường. Với mong muốn góp phần tạo nên sự thay đổi cho cuộc đời của những đứa trẻ khó khăn, bất hạnh, anh Định và chị Linh cho biết sẽ tiếp tục duy trì lớp học cho đến khi nào còn có thể. 

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI