Hai người đàn bà áo quần nhàu cũ đứng ở hành lang nhìn đám trẻ đang chơi trên thảm cỏ mượt. Không có chuyện xô đẩy, kéo chạy, mà là những cử chỉ điệu bộ riêng nhưng đủ khiến cảm xúc biểu lộ trên gương mặt tụi nhỏ. “Tôi làm ruộng, sáng nay đưa nó tới rồi về cắt lúa”, bà có tên Từ Thị Ái ở Hành Minh (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi), khoát tay ra xa, nơi đó có con gái bà là Bùi Thị Kim Trần lần đầu tiên nhập học vào đây.
|
Bé Bùi Thị Ngọc Linh, 9 tuổi (bìa phải), lần đầu tiên đến trường |
“Năm nay nó 15 tuổi, lên lớp Sáu, học trường ở xã, năm nào cũng lên một lớp nhưng có biết đọc biết viết gì đâu, thiểu năng mà, họ đưa xuống lớp Ba đó”. “Giờ chị yên tâm chưa?”. “Rồi, vô đây đứa nào cũng giống nhau, con mình sẽ đỡ tủi, mình đỡ lo…”. Bà nhìn theo con không chớp, gương mặt đen đúa. Bà mẹ nông dân chỉ đủ sức nghĩ vậy thôi, nhưng nó thay cho bao hy vọng ấp iu khi tuổi vào đời của con bao trắc trở.
Có cha mẹ nào sinh con ra mà không muốn con mình lành lặn. Nhưng đời vốn trớ trêu, nên những lo toan, mơ ước cho nó đủ sức đứng lên để mai sau tự tin một mình vào đời, như núi đè trái tim mẹ. Tôi vẫn nghĩ rằng, ngày đến trường của những đứa trẻ khuyết tật có ý nghĩa vượt bậc, ngổn ngang bao cảm xúc khác thường, bởi cơ hội để nó thấy mình cũng giống như bao người khác, nào có dễ dàng gì.
Đây, cô giáo Phạm Thị Hiếu đưa tôi gặp Nguyễn Văn Thông lớp 1B khiếm thính. Cả lớp đứng dậy chào bằng điệu bộ và tiếng nói không tròn vành rõ nghĩa. Cô giáo ra ký hiệu hỏi tuổi Thông, cậu bé chưa kịp trả lời thì cả lớp cau mặt, quay về phía Thông, thúc hối. Rồi con số 13 cũng hiện từ tay Thông. Gia cảnh Thông buồn lắm. Nhà ở Bình Châu, huyện Bình Sơn, cha đi ăn xin ở chợ, mẹ bị tâm thần, 12 năm, Thông sống trong bốn bức tường, nghĩ gì, muốn nói gì, chỉ mình Thông biết.
|
Có giấc mơ đang đến cùng em |
Bữa đưa Thông đến trường, cha của cậu bé thuê xe ôm từ dưới biển ngược lên đây. “Thấy bạn bè, biết được đi học, mắt nó như có điện” - cô Hiếu kể. Đúng, cặp mắt sáng lạ. Cơ hàm cứng, cả năm học phát âm, với cô và trò là như vác đá leo núi đường mưa, thế mà bây giờ Thông đã đọc theo được chừng 80%.
***
Nhìn cô trò rạng rỡ cười tỏa sáng, nước mắt tôi suýt rơi. Nào có dễ dàng gì khi bơi lội trong cơn đau tật nguyền để kiếm chữ, kiếm nghề mà sống. Những đứa trẻ nông thôn, nỗi cơ cực đó càng gấp bội. Một sáng năm 2015, có ông già lọc cọc đạp xe từ Tịnh Hà (Sơn Tịnh) xa lắc đến, chở sau lưng một cô gái câm điếc 19 tuổi. Cha có vợ khác, mẹ bỏ đi, cô gái ở với ngoại từ nhỏ. Bị nhốt trong nhà ròng rã chừng ấy năm, cô như người rừng ngơ ngác, không biết gì hết.
Vào lớp Một khiếm thính, cô gái thoắt bỗng lạ lùng, ngồi viết quên cả ăn, mê chữ đến mức thầy cô ngạc nhiên. Dạy một chữ, cô ngồi viết từ sáng đến khuya khi mọi người đã đi ngủ. “Nó khao khát môi trường sống dễ sợ thật - cô Trần Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn nói - thương ông già, nên cán bộ trung tâm thay nhau chở đi học, năm rồi, nó đã biết chữ, biết may, biết làm này nọ, nên cho nó ra ngoài, xin việc nó làm và cũng vì nó quá lớn rồi”. Nếu không là họ, làm sao hiểu họ được.
Tôi đi dọc hành lang, nhìn những lớp học mà cô và học trò như đang bắt đầu trở lại cái thời con người ta tập nhận biết đâu là nước đâu là lửa đâu là thức ăn. Thời buổi văn minh nhưng khắc nghiệt thay và sẽ còn đó những cam go ì ạch, thậm chí bất lực mở cánh cửa ánh sáng, để những phận đời không may mắn, thấy mình hiện diện là người, bởi sẽ chẳng bao giờ mất cái ni cái gọi là kiếp người thiếu may mắn.
“Mình đau xót lắm, thương lắm, bà con khổ nghèo, nhưng sức mình có hạn”. Chị Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc trung tâm, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, nói như sắp khóc. Ngôi trường này, cả nước đã biết đến, mang tên chồng chị là nhà báo Võ Hồng Sơn. Anh mất, có di nguyện muốn làm từ thiện giúp những đứa trẻ ngặt nghèo ở quê hương Nghĩa Hành - Quảng Ngãi. Má anh đã hiến 4.500m2 đất vườn ông bà để lại, dựng ngôi trường này lên. Nghỉ hưu, chị về đây, quán xuyến, chạy đôn đáo tìm nhà tài trợ, lo cái ăn cái ở học hành cho các cháu.
“Ba năm, kể từ ngày ra đời, là chừng đó thời gian giày vò mình về những đứa trẻ thiếu may mắn. Mình vừa tham gia sát hạch, 40 đơn xin nhập học mà chỉ được nhận 30 cháu. 10 đứa bị loại, do nó bị nặng quá, mình không thể dạy, vậy thì số phận nó mãi mãi sống trong tăm tối của bốn bức tường, tội nghiệp lắm em à”.
Tự kỷ, khiếm thính, thiểu năng… cha mẹ chúng nó, chẳng có ai khá giả. Nghèo thì hay đeo cái khổ. Chị Hà trầm tư, lúc sát hạch, chị rất buồn, phần lớn cha mẹ không hiểu biết khi mang trong mình bệnh tật, cơ hội sinh con lành lặn, hiếm lắm, mà vẫn cứ sinh. Có trường hợp ba đứa con đều tật nguyền, hỏi sao vẫn đẻ đến đứa thứ ba, thì nói rằng cứ ráng để tìm một đứa không bị này nọ.
Đau đớn. Họ sống vùng đó, hoặc đi bộ đội, bị chất độc da cam thời chiến tranh, nhưng đâu có biết, cũng chẳng ai tư vấn khuyên răn họ, để bây giờ là những đứa trẻ chào đời trong nỗi buồn tê dại. Họ tìm đến đây, với lời khẩn cầu từ trong gan ruột, những thầy cô hãy cứu vớt số phận con họ.
***
“Duyên, lên bảng chỉ tên em”. Cô Hồ Đăng Nhi Hằng chỉ một cô bé như một cái nấm trắng ngồi giữa lớp. Nó chạy lên, cầm thước, chỉ đúng chữ Duyên trên bảng. Rộn lên trong tôi niềm vui. Đến được đây là duyên rồi.Duyên ở đời, do mình tự tạo, nhưng cũng do người đưa đẩy. Những phận đời nhấp nhô này, không thể tạo cho ra được cơn mơ ánh sáng cho mình, mà phải nhờ khởi phát từ những tấm lòng cao cả, đưa tụi nhỏ đến bờ bên kia của đổi thay, giã từ đêm đen ủ mục mà chính gia đình và những đứa trẻ chưa từng dám mơ.
Nuôi dạy trẻ khuyết tật, thầy cô vừa là giáo viên, vừa là bảo mẫu, bảo vệ. 133 em, chia làm nhiều lớp, dạy từ lớp Một đến lớp Chín, có thêm 17 em học nghề, là cuộc chiến cam go. Đón, cho ăn, dạy chữ, ở nội trú có mấy em nữa, thì giáo viên cũng phải ở lại ngủ cùng, đề phòng những bất trắc, nhất là với những bé gái đã bắt đầu lớn.
“Học sinh ở đây ngoan, đặc biệt ham học, vâng lời chứ không như các lớp bình thường”, chị Hà nói. Âu cũng là đổi lại cho những nhọc nhằn đêm ngày của giáo viên, khi phần lớn là sinh viên mới ra trường một vài năm, lương thấp, mà việc thì chất chồng. Sống cùng với trẻ khuyết tật, đòi hỏi một kỹ năng sư phạm đặc biệt, phải khám phá thế giới của nó khi giao tiếp không thể thực hiện được bình thường, khi tâm lý của nó từ nhỏ đã bị chèn, rối, bất thường.
Phải biết nó muốn gì, thích gì, mình can thiệp sớm để dìu nó dần vào quỹ đạo cần hướng tới. Tôi nghe nhiều thầy cô, cuối câu chuyện đều nói rằng, thương lắm, sao nỡ từ nan. Cô Hằng kể rằng, môn âm nhạc là khó nhất. Tụi nhỏ khiếm thính không nghe được nhịp, nên phải được học ký hiệu ngôn ngữ, nhưng nó mau quên, dạy một đoạn, hôm sau dạy lại mấy lần mới thuộc, đến lúc nào nó thuộc được nhịp, cất nhạc bằng kí hiệu lên, là nó biết được quãng nào nhanh, quãng nào lơi… Đó là gì nếu không phải là nhịp đập từ trái tim đến trái tim? Cái câu, dạy chữ là truyền tâm, ở đâu không biết, chứ ở đây, có lẽ chẳng nên nói thêm lần nữa.
“Chị lo lắm. Cha mẹ nếu thấy con cái dị tật, mà đưa vào đây từ 1-3 tuổi, rất dễ can thiệp, rồi bao chuyện nữa”, chị Hà nói. Năm học vừa rồi, trung tâm tiễn 19 em ra trường. Có chuyện rằng, một em tên Nguyễn Phan Thành Đạt, nhưng đời không như tên gọi, bị lùn, dị tật. Học xong lớp Chín, thi đậu vào lớp Mười ở Trường THPT Nguyễn Công Phương.
Một bữa, cô Thủy nghe nó điện thoại mà phát hoảng: “Cô ơi, em căng thẳng lắm, cô cho em nghỉ đi, em chết mất”. Cô Thủy nói rằng, giáo viên cấp III ở đó, họ có lẽ không coi em là đặc biệt, nên cứ phổ cập đều đều, trẻ khuyết tật làm sao theo kịp chương trình? Thôi thì cho nó về trung tâm học photoshop, vi tính để nó có thể tham gia gì đó, kiếm sống...
Vậy đó, cánh cửa đã mở, nhưng đâu có mở toàn bộ. Chị Hà day dứt: “Vì thế chị muốn dạy cho chúng nó một nghề căn cơ để kiếm sống khi học hết cấp II, nếu cháu nào đủ sức đi cấp III, cao đẳng đại học, tụi chị sẽ tìm cách đưa vào TP.HCM, trong đó có trường cho các cháu khuyết tật.
Phải kiếm một cái nghề tự nuôi mình được, chứ không thể dang dở. Còn nếu các cháu học tốt, muốn quay về lại đây dạy các em, thì quá mừng. Trung tâm khó khăn lắm, từ kinh phí đến cơ sở vật chất, nếu nhận đủ, nhất định trên 300 cháu. Từ bữa khai giảng đến giờ, ngày nào mình cũng từ chối vài ba hồ sơ, biết là buồn đau, nhưng đành chịu…”.
Trống giờ ra chơi đã điểm. Tôi đi ngang qua lớp Một dạy trẻ tự kỷ, thấy cô bé đang vẽ trên bảng một bé gái tóc dài. Bên kia, chú bé vừa vẽ xong mặt trời. Cô bé ngước lên, ánh mắt long lanh, bím tóc đong đưa. Biết đâu, có cơn mơ bảy sắc cầu vồng đang đến với cô bé, cậu bé đó. Chắc chắn.
Trung Việt