Sóng gió của tôi và chồng đến từ khi mới yêu nhau được vài tháng. Tôi quen anh qua một người bạn gái, cô ấy là đồng nghiệp và cũng là người anh từng thầm thương trộm nhớ. Dù biết tình cảm đó của anh chỉ là đơn phương và đã kết thúc không lâu trước khi quen tôi, tôi vẫn cảm thấy không vui mỗi lần nghĩ tới. Không ít lần tôi vặn vẹo anh về chuyện cũ khiến anh dù khá mềm tính cũng phải bực bội.
Một hôm, sau khi cãi nhau, tôi lại nhắc tới cô ấy. Tôi đòi anh trả lời thật, anh có còn chút tình cảm nào với cô ấy hay không. Câu trả lời của anh khiến tôi điếng người: “Nếu anh nói không còn gì thì là nói dối. Anh không phải người hời hợt, dễ quên như vậy”. Tôi gần như phát điên, đòi chia tay ngay lập tức. Có thể vì quá mệt mỏi sau cuộc cãi vã từ trước đó, anh đồng ý.
Khi thấy tôi về nhà với thái độ buồn bã và đôi mắt mọng nước, mẹ biết ngay lý do. Tối đó mẹ đi tập thể dục, tôi vùi mình trong chăn và khóc tiếp. Tôi thấy vừa ê chề vừa cay đắng bởi cảm giác mình chỉ là kẻ lấp chỗ trống. Hơn nữa, nếu anh thực sự yêu tôi đủ nhiều, anh đã không dễ dàng đồng ý đến vậy.
|
Tôi từng nói chia tay ngay khi biết anh vẫn chưa quên hẳn người cũ. (Ảnh: NVCC) |
Nhưng tôi vừa nghĩ đến đó thì anh gọi. Anh nhỏ nhẹ xin lỗi và khẳng định lúc nãy chỉ gật bừa vì quá nóng. Tôi quá yêu anh nên lúc ấy dù tỏ ra lạnh lùng nhưng trong lòng hạnh phúc đến phát điên. Sau này anh kể, hôm ấy mẹ tôi gọi cho anh. Mẹ bảo tôi vốn thẳng tính, lại chưa va vấp yêu đương lần nào, sẽ khó chấp nhận việc anh chưa thể quên hẳn tình cũ. Nghe mẹ nói, anh không còn giận tôi nữa và cũng thấy mình quá đáng nên đã gọi cho tôi để làm lành.
Cưới nhau về, hạnh phúc được vài năm, tôi phát hiện anh say nắng bên ngoài. Cô ấy hơn đứt tôi về mọi mặt, cả ngoại hình, tri thức lẫn sự dịu dàng khéo léo. Tôi gào thét hai hôm rồi ôm con, dọn đồ về nhà bố mẹ. Bố thở dài, mẹ chẳng nói gì, chỉ giúp tôi chăm cháu. Đợi hai tuần cho cơn uất hận của tôi vơi bớt, mẹ mới thủ thỉ chuyện trò. Đó là lần đầu tiên mẹ cho tôi biết, khi xưa bố tôi cũng từng say nắng khiến gia đình chao đảo.
Mẹ bảo, mẹ không cổ súy cho việc phụ nữ phải cam chịu tha thứ cho đàn ông ngoại tình. Nhưng nhìn đi nhìn lại, chồng tôi chưa làm gì người ta, về nhà cũng yêu vợ thương con hết mực, đối đãi với nhà vợ ân cần chu đáo. Đấy là chưa kể, cu Thóc con trai tôi quấn bố biết bao nhiêu, đứa con trai lớn lên nếu không được bố sát sao dạy dỗ cũng dễ sa vào những thói tật đua đòi rồi hư hỏng. Mẹ càng nói, nước mắt tôi càng rơi lã chã. Hôm sau khi chồng đến, tôi không còn nói giọng ghẻ lạnh, hắt hủi. Ngày tôi đưa con về, nhìn anh như người vừa trút được gánh nặng ngàn cân.
|
Mẹ chính là người hiểu tôi nhất và luôn âm thầm dõi theo tôi (ảnh minh họa). |
Hai năm sau biến cố ấy, bố chồng tôi mất. Chồng bàn bạc đón mẹ về ở cùng để tiện chăm nom. Tôi không phản đối, nhưng khi sống cùng dưới một mái nhà, tôi sớm ngột ngạt vì sự khó tính, khó chiều quá mức của mẹ chồng. Tôi nấu món gì bà cũng chê dù chồng con vẫn khen ngon. Tôi thoa chút son trước khi đi làm thì bà bảo, có chồng rồi đừng chưng diện quá kẻo người ta đánh giá. Chồng tôi hộ vợ chút việc nhà là bà đứng ngồi không yên, ra ngó vào dòm. Tiền bạc chi tiêu của hai vợ chồng bà cũng suốt ngày hỏi han xem tôi có phóng tay không. Ngày nghỉ, tôi ngủ dậy muộn chút bà gặp ai cũng kể như thể tôi là chúa lười.
Quá ngột ngạt, tôi bắt đầu dằn dỗi với chồng. Cộng thêm việc đứa thứ hai chưa đầy tuổi hay ốm bệnh, quấy khóc, tôi bắt đầu stress nặng nề và manh nha nghĩ tới chuyện ly hôn một lần nữa. Một hôm, tôi gọi cho mẹ trong cơn tức giận, tuyên bố sẽ chỉ chịu đựng cùng lắm là một năm nữa, nếu không có gì thay đổi tôi sẽ nộp đơn ly hôn.
|
Tôi mong sau này mình cũng sẽ là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con gái (ảnh minh họa). |
Cứ nghĩ mẹ sẽ bênh tôi, gọi điện trách cứ chồng và bắt anh phải thu xếp việc nhà sao cho con gái bà được thoải mái nhất. Thậm chí tôi còn tưởng mẹ sẽ lên án mẹ chồng tôi và khích lệ tôi "vùng lên". Ai ngờ, mẹ chỉ bảo: “Mẹ thấy con chỉ kể ra toàn điểm xấu, sao không nhắc đến những cái tốt của mẹ chồng con? Nếu không có bà ấy, ai trông con cho con đi làm? Cũng nhờ có bà ấy mà con có thời gian ra ngoài gặp gỡ bạn bè, thỉnh thoảng vợ chồng đi đây đó cùng nhau. Cái gì bỏ qua được thì nên cho qua để nhẹ đầu con ạ. Điều quan trọng nhất là mỗi buổi tối, vợ chồng con cái được quây quần bên nhau chứ không phải cái cảnh đứa này ở với bố, đứa kia ở với mẹ, tối đến ngồi buồn bên mâm cơm chỏng chơ vài cái bát”.
Mẹ nói xong, tôi chợt giật mình, hình như mình ích kỷ quá. Tôi chỉ toàn thấy cái xấu, cái sai của người khác mà chưa từng nhìn lại thái độ của mình, cũng chưa hề nghĩ cho con cái. Từ đó, tôi tập bớt dần việc để ý mẹ chồng, cái gì bà nói tôi cũng chỉ cười xòa cho qua chứ không xù lông lên nữa. Chồng tôi cũng góp ý nhiều với bà, khiến mọi thứ dần trở nên nhẹ nhàng hơn.
Giờ thỉnh thoảng nghĩ lại tôi vẫn thấy sợ, nếu không có sự điềm tĩnh và tâm lý tuyệt vời của mẹ, nếu mẹ tôi chỉ chăm chăm bênh con gái mình bất kể đúng sai, tôi đã không thể bình tĩnh lại sau những lần sóng gió, và có lẽ tôi cũng đã buông tay tổ ấm của mình chứ không thể giữ được mái nhà nguyên vẹn cho hai đứa con thơ.
Mỹ Hạnh