Cây thủy sinh trong hồ cá đóng vai trò quan trọng trong việc lọc nước, hấp thụ, loại bỏ chất thải của các sinh vật tạo ra. Lớp thủy sinh trong hồ tạo điều kiện cho các vi khuẩn có lợi phát triển và cũng là chỗ trú ngụ cho các loại cá, tép nhỏ.
Chính vì vậy, lựa chọn một loại cây thủy sinh nào đó để đưa vào hồ cá cần phải đáp ứng được hai yếu tố cơ bản là thích nghi được với môi trường nước và mang lại lợi ích cho các động vật thủy sinh.
1. La hán xanh, la hán đỏ
La hán xanh và đỏ đều rất dễ trồng và sinh trưởng nhanh. Nó thích hợp với việc trồng ngập hoàn toàn trong nước, cần nhiều ánh sáng và có dòng chảy trong bể. Tuy nhiên nó lại có nhu cầu hấp thụ dinh dưỡng rất cao nên phù hợp cho những hồ bị dư dinh dưỡng, nếu đáp ứng đầy đủ CO2 tán lá sẽ phát triển nhanh và bung xòe rất đẹp.
La hán là loại cây cắt cắm, chỉ cần cắt một cành và cắm vào đất là cây đã có thể phát triển. Cũng cần lưu ý là phải hạn chế bón phân nitrate vì nó có thể làm cây đen hoặc chuyển sang màu nâu.
2. Blyxia Nhật
Blyxia còn có tên khác là thủy lan, nó có ưu điểm là sức sống mạnh và thích nghi nhanh. Tuy nhiên chúng lại có nhược điểm là phát triển chậm. Muốn cho cây đẹp nhất thì phải cho nó một môi trường mát mẻ (hơi lạnh).
Bạn có thể dễ dàng trồng một cây mới là chồi sinh ra từ cây mẹ. Loại cây này cũng không quá khó trồng nếu đáp ứng được cường độ ánh sáng 2-4 watt cho mỗi gallon nước, CO2, và một chế độ bón phân trong đó có nitrate, phosphate, kali và các vi chất dinh dưỡng bổ sung.
3. Hồng liễu
Hồng liễu là loại cây có thể trồng cao đụng đến mặt nước hồ và cũng có thể trồng cạn. Cây sinh trưởng rất nhanh nên bộ rễ của chúng cũng chiếm diện tích lớn trong khối đất nền, vì vậy cũng gây khó khăn khi setup lại hồ. Muốn cây đẹp thì nên cung cấp dồi dào ánh sáng. Cây có thể dùng làm trung cảnh hoặc hậu cảnh.
4. Vảy ốc xanh, vảy ốc đỏ
Cây vảy ốc có đặc tính là rất dễ chịu, chúng chấp nhận được các thông số chất lượng nước khác nhau, không có đòi hỏi về độ pH. Mặc dù chúng có thể thích nghi với nhiều nhiệt độ khác nhau, nhưng tối ưu nhất vẫn là nhiệt độ cao, khi đó chúng sẽ sinh trưởng tốt nhất.
Về nhu cầu dinh dưỡng thì chúng trở nên khó tính, chúng cần phải được bổ sung sắt và nitrat thường xuyên nếu không lá sẽ nhỏ, cây còi cọc và có thể chết.
5. Rong tản sừng hưu
Rong tán sừng hưu thường dùng làm nền cho bể cá, chúng cũng dễ dàng sinh trưởng. Tuy nhiên chúng cần một điều kiện nước sạch và cung cấp đầy đủ CO2 để chúng có thể cung cấp Oxy ngược trở lại cho các sinh vật khác.
6. Trân châu
Loại cây này thường được dùng làm tiền cảnh. Cây không đòi hỏi dinh dưỡng cao và dễ dàng phát triển. Trong điều kiện thiếu dinh dưỡng cây cũng có thể phát triển được, khi đó lá thường nhỏ nhưng cũng rất đẹp. Cũng như những cây loại thủy sinh khác, trân châu cũng dễ dàng nhân giống, chỉ cần cắt ngang và cắm xuống đất là sẽ có cây mới.
7. Thanh Hồng Điệp
Loài cây này mặc dù dễ trồng nhưng để cây ra được màu hồng đậm thì cần lượng ánh sáng dồi dào. Nếu bạn thấy những mảng màu loang lỗ trên lá là do chúng nhiễm một loại virut làm ức chế sự hình thành màu của lá. Tuy nhiên loại virut này không ảnh hưởng đến các loài cây khác, cá khác. Cây có thể bố trí làm trung cảnh hoặc tiền cảnh.
8. Cỏ thìa
Cỏ thìa là loại không ưa ánh sáng, chúng sinh trưởng mạnh trong điều kiện ánh sáng yếu. Không như những loại thủy sinh khác cần những điều kiện khắc khe, cỏ thìa là một loại cây vừa lộng lẫy nhưng lại vừa dễ trồng, thích hợp cho những người mới chơi.
Chúng cũng được những loài động vật thủy sinh yêu thích dùng làm nơi trú ngụ. Cỏ thìa có khả năng tự sinh ra cây con, trong điều kiện thích hợp chúng sẽ nhanh chóng phủ khắp mặt hồ.
9. Ngô Công Thảo
Ngô Công Thảo hay còn gọi là rong cúc, là loại thủy sinh có hoa. Chúng ngăn chặn được rêu hại trong bể vì hút chất dinh dưỡng rất nhanh và làm cho hồ cá sạch sẽ. Ngay cả trong điều kiện không có dòng chảy trong hồ, chúng cũng dễ dàng phát triển. Tuy nhiên do phát triển khá nhanh nên chúng cần phải được cắt tỉa thường xuyên.
Huỳnh Dũng