Những lo sợ chưa tan theo bão

26/11/2018 - 06:46

PNO - Nếu một cơn bão cỡ cấp 10 đổ bộ vào địa bàn TP.HCM, ước tính sẽ có bao nhiêu cây xanh bật gốc? Tôi hỏi lãnh đạo một đơn vị quản lý cây xanh ở TP.HCM nhưng ông không dám trả lời.

“May mà bão không vào TP.HCM!”, một kỹ sư của Công ty Công viên cây xanh TP.HCM thở phào nhẹ nhõm trong lúc trò chuyện với tôi, khi biết tin cơn bão số 9 đã tan thành áp thấp nhiệt đới. Dẫu vậy ở địa bàn TP.HCM vẫn xảy ra nhiều vụ cây ngã đổ, có vụ đã cướp đi mạng sống của người dân.

Nhung lo so chua tan theo bao
Cây đổ trên đường Nguyễn Văn Linh làm một người tử vong

Nếu một cơn bão cỡ cấp 10 đổ bộ vào địa bàn TP.HCM, ước tính sẽ có bao nhiêu cây xanh bật gốc? Tôi hỏi lãnh đạo một đơn vị quản lý cây xanh ở TP.HCM nhưng ông không dám trả lời. Là người có hàng chục năm theo dõi cây xanh đường phố, ông biết có quá nhiều cây xanh trên đường phố có bộ rễ bị xâm hại bởi các công trình thi công nên không thể trụ nổi với những cơn gió mạnh, nói gì gặp bão to.

Mỗi khi có tin bão đổ bộ vào phía Nam, nhiều người chăm sóc, quản lý cây xanh ở TP.HCM mà tôi quen biết thường đứng ngồi không yên. Cắt cành, hạ tán là phương án thường được thực hiện trước khi bão vào để hạn chế cây ngã đổ. Song, do phần lớn rễ cây quá yếu nên không ai dám chắc chúng chống chọi được với sức gió cỡ nào. Và để giảm bớt sự phập phồng, những người chăm sóc cây xanh lại lấy sự thuận lợi về vị trí địa lý tự nhiên của TP.HCM để trấn an mình: “Chắc là bão sẽ không vào TP.HCM!”.

Nhưng không ai dám chắc TP.HCM trong tương lai sẽ không hứng bão khi mà thiên tai ngày càng phức tạp. Như cơn bão số 9, dù không phải là cơn bão lớn nhưng hướng đi lại vô cùng khó định. Đọc các bản tin dự báo thay đổi liên tục, lúc nói bão sẽ vào Bình Thuận, lúc chuyển xuống Bến Tre, người dân không thể yên tâm. Trong khi đó, thông tin dự báo về tình hình mưa gió ở địa bàn TP.HCM cũng thay đổi liên tục, nên người dân cũng thấy bất an.

Nhung lo so chua tan theo bao
Dùng máy bơm để hút nước ra khỏi nhà. Ảnh: Duyên Phan

Là đô thị hiện đại nhất nước nhưng công tác dự báo thời tiết ở TP.HCM không tương xứng, người dân chưa nhận được những bản tin dự báo mưa gió một cách chính xác, từ trước nhiều giờ. Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM chỉ có một trạm radar dự báo thời tiết ở H.Nhà Bè nhưng đã xuống cấp và lạc hậu. Từ năm 2017 Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ có báo cáo cho rằng, sau hơn 10 năm hoạt động, với công nghệ cũ, trạm radar này đã bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến công tác dự báo…

Theo giải thích của các chuyên gia về dự báo thời tiết, trạm radar thời tiết ở H.Nhà Bè được chế tạo theo công nghệ cũ. Do đặc trưng kỹ thuật băng sóng C (C-band) nên giá trị đo cực đại lại tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách. Nghĩa là radar chỉ đo được tốc độ gió lớn nhất ở cự ly dưới 120km, càng xa thì sai số càng lớn. Muốn đo được khoảng cách xa hơn 120km thì chỉ có thể đo được gió có tốc độ nhỏ. Nói dễ hiểu, trạm radar thời tiết này khó có thể dự báo chính xác khi xuất hiện những yếu tố thời tiết bất lợi từ xa. 

Để tăng cường khả năng dự báo thời tiết cho địa bàn TP.HCM, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ và Trung tâm Chống ngập đề xuất xây dựng thêm một trạm radar thời tiết ở H.Củ Chi. Tuy nhiên, dự kiến, đến năm 2020 công trình này mới có thể khởi công.

Nhung lo so chua tan theo bao
 

Dù sao, với công tác dự báo thời tiết, cũng có hy vọng về một công trình mới hiện đại hơn, chính xác hơn. Còn với những cây xanh rễ yếu trên đường phố, không biết đến bao giờ nỗi lo mới dứt. 

Liệu có biện pháp nào hạn chế cây xanh ngã đổ trên đường phố ở TP.HCM nói riêng và các tỉnh, thành? Tôi hỏi tiến sĩ Đinh Quang Diệp, chuyên gia về cây xanh đô thị nhưng ông cũng thở dài: “Không phải là không có giải pháp kỹ thuật mà là các cơ quan quản lý có chịu làm không”. Ông giải thích rằng, do nhiều đơn vị muốn thấy cây nhanh có tán nên bứng trồng những cây to trong khi những cây này thường có bộ rễ rất yếu. Mặt khác, kỹ thuật chăm sóc cũng không đảm bảo. Đơn cử như kỹ thuật tưới cây, không áp dụng kỹ thuật tưới nước thấm sâu để dẫn rễ ăn sâu xuống đất như ở các nước thường làm nên rễ cây thường ăn ngang và rất yếu.

Như cách lý giải của tiến sĩ Đinh Quang Diệp, để ngăn cây xanh ngã đổ không có cách nào khác hơn là phải trồng cây từ nhỏ và chăm sóc cây đúng kỹ thuật tạo ra những bộ rễ vững chắc. Cũng như công tác phòng, chống thiên tai, làm sao tạo ra sự an toàn bền vững cho người dân chứ không phải mới có mưa to là đã lo chạy bão. 

Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI