Như đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an mới đây hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 15 bị can cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).
Kết quả điều tra cho thấy bị can Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng 3 pháp nhân công ty Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung Điện Mùa Đông để phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ, với tổng trị giá 10.030 tỉ đồng.
Nhóm bị can sau đó sử dụng một loạt chiêu trò chạy “khống” dòng tiền, nhằm đưa Tập đoàn Tân Hoàng Minh trở thành trái chủ sơ cấp, rồi bán trái phiếu, huy động từ hàng ngàn nhà đầu tư, với tổng số tiền gần 14.000 tỉ đồng.
Có tiền, bị can Dũng chỉ đạo sử dụng không đúng mục đích, phương án phát hành trái phiếu, qua đó chiếm đoạt hơn 8.600 tỉ đồng của 6.630 bị hại.
|
Bị can Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh |
Những “lỗ hổng” cần được “vá”
Liên quan đến vụ án, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định một nhóm ngân hàng đã cung cấp dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo và tài khoản trái phiếu liên quan đến các lô trái phiếu của 3 công ty Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung Điện Mùa Đông. Những ngân hàng này gồm: SHB Trung tâm kinh doanh (thuộc SHB), Vietinbank Chi nhánh Tây Thăng Long và Vietcombank Chi nhánh Thanh Xuân.
Trong đó, tại SHB Trung tâm kinh doanh, ngân hàng này nhận tài sản đảm bảo của trái phiếu Ngôi Sao Việt 800 tỉ đồng và Soliel 800 tỉ đồng. Phía ngân hàng ký hợp đồng thế chấp, đăng ký giao dịch đảm bảo, nhận giữ bản gốc giấy tờ liên quan tài sản… mà không có quy định về thẩm định hoặc thẩm định lại giá trị các tài sản đảm bảo. Ngân hàng chỉ dựa vào chứng thư thẩm định giá của các đơn vị thẩm định giá để ký hợp đồng quản lý tài sản với các tổ chức phát hành trái phiếu thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Tại Vietinbank Chi nhánh Tây Thăng Long, cơ quan điều tra xác định việc nhận quản lý tài sản đảm bảo cũng chỉ căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của công ty thẩm định. Về quản lý tài khoản trái phiếu, ngân hàng cho rằng việc rút vốn khỏi các tài khoản trái phiếu của các tổ chức phát hành trái phiếu thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã đúng với phương án phát hành. Vì thế, sau khi dòng tiền ra khỏi tài khoản, ngân hàng không có thỏa thuận quản lý tài khoản khác nên không biết việc chạy dòng tiền khống.
Còn tại Vietcombank Chi nhánh Thanh Xuân, lời khai của các cá nhân tại đơn vị này cho thấy việc rút tiền của tổ chức phát hành trái phiếu thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh là đúng mục đích, phương án phát hành. Số tiền ra khỏi tài khoản trái phiếu sau đó được luân chuyển, rút nộp như thế nào, phía ngân hàng không theo dõi do không có thỏa thuận quản lý với khách hàng như quản lý tài khoản trái phiếu…
Xét theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng và giấy phép hoạt động, 3 ngân hàng nêu trên được phép cung cấp các dịch vụ nêu trên. Tuy nhiên, Bộ Công an cho rằng Nghị định 153/2020 và văn bản nội bộ của các ngân hàng lại không có quy định, hướng dẫn thủ tục, quy trình quản lý tài sản đảm bảo, quản lý tài khoản trái phiếu.
Điều này dẫn tới kết quả điều tra không có tài liệu xác định các ngân hàng có dấu hiệu thông đồng, thỏa thuận với các tổ chức phát hành để phát hành trái phiếu, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự.
|
Cơ quan tố tụng khám xét trụ sở Tập đoàn Tân Hoàng Minh |
Giám sát dòng tiền luân chuyển qua tài khoản trái phiếu
Theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, dù việc cung cấp dịch vụ đối với các lô trái phiếu của 3 ngân hàng “không có dấu hiệu thông đồng”, nhưng qua vụ án Tân Hoàng Minh đã cho thấy những “lỗ hổng” trong công tác quản lý nhà nước, cần hoàn thiện để tránh xảy ra vụ việc tương tự.
Cụ thể, Cơ quan CSĐT Bộ Công an kiến nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát tổng thể các ngân hàng thương mại đang cung cấp dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm của các gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; yêu cầu đánh giá lại tính pháp lý, giá trị tài sản để đảm bảo tính hợp lý, hợp lệ của tài sản và khả năng thanh toán, thanh khoản khi tổ chức phát hành không trả được gốc, lãi trái phiếu đến hạn.
Đồng thời yêu cầu các ngân hàng thương mại cần có quy định rõ quy trình, thủ tục tiếp nhận tài sản bảo đảm của trái phiếu, mở tài khoản trái phiếu đảm bảo chặt chẽ, phòng ngừa vi phạm, không ỷ lại chứng thư thẩm định giá của các công ty thẩm định giá trong khi các ngân hàng đều có bộ phận thẩm định và quản lý rủi ro để đánh giá tính hợp pháp, khả thi của các loại tài sản bảo đảm trái phiếu.
Bộ Công an cũng kiến nghị giám sát dòng tiền luân chuyển qua tài khoản trái phiếu, không để lợi dụng chuyển tiền ra khỏi tài khoản trái phiếu không đúng mục đích phát hành; quy định trách nhiệm của các ngân hàng khi cung cấp các dịch vụ liên quan phát hành trái phiếu.
Với 3 ngân hàng Vietinbank, Vietcombank và SHB, cơ quan điều tra nhấn mạnh cần tổ chức rà soát, kiểm điểm việc cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản, quản lý tài sản bảo đảm các gói trái phiếu riêng lẻ của các công ty Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm về mặt Đảng và chính quyền đối với những cá nhân, đơn vị có liên quan.
Bộ Công an còn kiến nghị nghiên cứu bổ sung quy định báo cáo về dòng tiền thanh toán qua tài khoản trái phiếu, có quy định về tài khoản trái phiếu chỉ dành riêng cho mục đích phát hành trái phiếu và phải có biện pháp giám sát dòng tiền trái phiếu, phòng ngừa hành vi chạy dòng tiền khống để hợp thức phương án phát hành và tạo lập giá trị ảo của trái phiếu.
Đặc biệt, cơ quan điều tra nhận định cần bổ sung, hoàn thiện Nghị định 153/2020 và Nghị định 65/2022 theo hướng quy định, hướng dẫn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có tài sản đảm bảo, nguyên tắc xác định giá trị tài sản đảm bảo, trách nhiệm của đơn vị thẩm định giá và quản lý tài sản đảm bảo; yêu cầu mọi hoạt động mua bán, giao dịch trái phiếu dưới mọi hình thức phải được quản lý, giám sát, đảm bảo công khai, minh bạch thông tin và tuân thủ các quy định pháp luật.
Nghị định ban hành chưa đầy 6 tháng đã phải sửa Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 134/2020 của Quốc hội khóa XIV, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến kỳ họp thứ 4, thuộc lĩnh vực tư pháp. Một trong những nội dung được đề cập là công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo báo cáo, bên cạnh những mặt tích cực, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay còn hạn chế. Điển hình là một số văn bản chất lượng chưa bảo đảm, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn. Có thể kể đến Nghị định số 65/2022 được ban hành ngày 16/9/2022, để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 6 tháng sau, Chính phủ lại phải ban hành Nghị định số 08/2023 ngày 5/3/2023 để tiếp tục sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại Nghị định số 65/2022. Đây cũng là hai nghị định được Cơ quan CSĐT Bộ Công an kiến nghị cần bổ sung, hoàn thiện trong vụ án Tân Hoàng Minh. |
Chi Mai