Những lấp lánh trong u tối

30/03/2020 - 05:32

PNO - Dịch cúm với tất cả những hệ lụy kéo theo, cộng dồn của nó, đang khiến vũ trụ vốn chưa bao giờ bình lặng này mỗi ngày lại “chuyển động” theo một phương khác nhau và không một ai có thể lường trước ngày mai thế giới mình đang sống có màu gì.

Sau một kỳ nghỉ Tết kéo dài và hết sức kỳ quặc, những đứa trẻ của chúng ta hiện vẫn đang bị “giam lỏng” trong nhà. Thế nhưng không giống như những ngày đầu chớm dịch, chúng đã không còn ngơ ngác với những biến động ngoài kia nữa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nếu như nhiều tuần trước đây, chúng còn ngây ngô bảo với tôi rằng tụi con nhớ bạn bè, nhớ thầy cô, nhớ bài học, nhớ trường lớp… thì mấy hôm vừa rồi, tôi đã thấy chúng ý thức dọn dẹp phòng ốc, nhắc mẹ xông nhà bằng tinh dầu và không còn ỉ ôi đòi đi du lịch chỗ này chỗ nọ…

Sau những ca nhiễm và nghi nhiễm tăng từng ngày, chúng ta cũng đã thôi không còn bàn bạc với nhau về các phương án cho con đi học hay tiếp tục nghỉ, nếu đi học thì sẽ đưa đón thế nào, có đeo khẩu trang hay không, làm gì để bảo vệ con trong điều kiện tốt nhất có thể…

Tâm điểm câu chuyện đã bắt đầu chuyển sang những bệnh nhân đang được điều trị, về những người tiếp xúc với họ cũng như hành trình của họ trong những ngày ủ bệnh, về tình trạng cách ly của những người có liên quan đến bệnh nhân, về việc tích trữ lương thực và những hệ lụy về kinh tế…

Hằng ngày, chúng ta chia sẻ rất nhiều thông tin về dịch bệnh trong tâm thế hoang mang, lo lắng, sợ hãi khi nghĩ đến những ngày khó khăn sắp tới. Và rồi, hết giờ làm việc, chúng ta lại trở về nhà với những đứa con của mình, với nguyên vẹn vẻ mệt mỏi trên gương mặt - mà thật ra có cố giấu giếm cũng không được. 

Chúng ta quên một điều rằng, mặc dù nói với nhau rất nhiều về dịch bệnh mỗi ngày nhưng dường như chúng ta rất ít khi lắng nghe ý kiến của những đứa trẻ hoặc chọn lọc những thông tin cần thiết để nói với chúng về câu chuyện Covid-19.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có vẻ như chúng ta đang biến những đứa trẻ thành những chú gà con ngơ ngác, chỉ biết thụ động nấp sau đôi cánh gồng lên mệt mỏi của mình. Nhưng thật sự, giữa những rừng thông tin, cả chính thống lẫn không chính thống, đúng và sai, người lớn còn cảm thấy thật khó khăn để sàng lọc, thì làm sao giúp những đứa trẻ hiểu đúng bản chất của vấn đề?

Tôi quyết định dành cuối tuần của mình để nói chuyện nghiêm túc với các con. Điều này tôi đã từng làm từ khi con vi-rút ấy còn chưa có tên gọi SARS-CoV-2 như bây giờ. Khi đó, con người vẫn còn chưa hiểu biết nhiều về nó, thông tin thay đổi mỗi ngày, những nghiên cứu mới phủ nhận hoặc bổ sung cho những nghiên cứu trước đó, liên tục.

Và các phòng thí nghiệm, bệnh viện, các cơ sở y tế trên thế giới vẫn chưa phút nào tắt đèn. Các con chỉ được giáo huấn khá kỹ về việc tự bảo vệ mình trước dịch bệnh. Và hết.

Tôi chọn kể cho con nghe về những điều tích cực khi cả thế giới phải đương đầu với dịch bệnh. Tôi kể cho con nghe về những bác sĩ hy sinh cuộc sống và tình cảm riêng tư của mình để đối đầu trong cuộc chiến khốc liệt với dịch bệnh, để chữa lành cho những bệnh nhân của họ.

Tôi kể chuyện Việt Nam hiện đang đối mặt với những khó khăn trong trận chiến mới và Chính phủ kêu gọi toàn dân đồng lòng chống dịch.

Chúng ta nên chọn lọc những thông tin tích cực để nói với con, vì ai cũng hiểu một điều rằng, chính sự hoang mang, sợ hãi, mất lòng tin, mới khiến chúng ta gục ngã chứ không phải là con vi-rút kia. Những điều tích cực này không phải tô hồng cuộc sống, mà là tô hồng tâm trí, để khi đối diện với nghịch cảnh, giữa bóng đêm bao trùm, các con cũng chỉ sẽ nhìn ra những lấp lánh từ trong u tối.

Như hôm qua, khi tôi hỏi con gái lớn: “Con nghĩ gì về chuyện học sinh nghỉ học dài ngày như vậy?”, con bé trả lời: “Con nghĩ điều đó là một sự hợp tác tốt của chúng con với xã hội, trong việc kiểm soát dịch bệnh và tìm ra vắc-xin phòng chống”. Tôi biết điều tích cực mà tôi luôn muốn gieo vào con mình, phần nào đã phát huy tác dụng.

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI