Những lá thư tay của mẹ chồng Nhật và nước mắt nàng dâu

03/10/2021 - 06:00

PNO - "Nhiều lúc cãi nhau với chồng, em lại nghĩ đến bố mẹ chồng để mềm lòng lại, nghĩ chín chắn hơn, và muốn gắn bó", Trần Thị Diễm chia sẻ.

Khi Diễm trải lòng trên Facebook về biến cố nào đó, bạn bè lại thấy những lá thư viết bằng tiếng Nhật của mẹ chồng cô, ghi một lời dặn dò, một lời chúc trên một mẩu giấy thơ mộng và chỉn chu đúng kiểu Nhật Bản. Tôi hỏi liệu có phải “truyền thuyết về mẹ chồng - nàng dâu” đã… chừa bạn ra, Trần Thị Diễm (đang sống tại Tokyo) bật cười: “Bốn năm qua chưa bao giờ em buồn về nhà chồng, nhiều lúc cãi nhau với chồng, em lại nghĩ đến bố mẹ chồng để mềm lòng lại, nghĩ chín chắn hơn, và muốn gắn bó”…

Lần đầu gặp mẹ chồng, nàng dâu bật khóc

Diễm gặp Miyagawa Yuki ở sân trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Khi ấy, cô là sinh viên năm cuối Khoa Văn học và Ngôn ngữ, còn Yuki, kỹ sư người Nhật, đang theo học một khóa tiếng Việt. 

Năm 2015, Miyagawa Yuki đưa Diễm sang Nhật ra mắt bố mẹ. Trước đó, họ đã trò chuyện qua nhóm chat gia đình, bà Miyagawa cũng đã xem hình và nghe Yuki miêu tả về “nàng Diễm bé nhỏ” mà cậu con trai duy nhất của bà đang yêu. Nhưng khi đối diện với cô bé người Việt có vóc dáng hạt tiêu, bà vẫn bất ngờ.

Khi sửa soạn bữa ăn tối, bà Miyagawa vui vẻ kể lại sự bất ngờ của bà khi thấy Diễm ở sân bay. Dù chỉ hiểu câu chuyện qua thông dịch của Yuki, Diễm vẫn đọc được trong nét mặt của bà Miyagawa sự ngỡ ngàng, hồn nhiên chứ không có ý chê bai. Thế nhưng cô vẫn chạnh lòng.

Ông bà Miyagawa (ông mặc đồ vest, bà mặc áo đầm) sang miền Trung Việt Nam ngay giữa mùa bão để cưới dâu
Ông bà Miyagawa (ông mặc đồ vest, bà mặc áo đầm) sang miền Trung Việt Nam ngay giữa mùa bão để cưới dâu

Diễm tìm cớ xin về phòng riêng. Bao nhiêu áp lực về cách biệt văn hóa bỗng vỡ òa trong Diễm vào khoảnh khắc hồn nhiên của mẹ chồng tương lai.

Những phép so sánh vô lý cứ hiện ra trong Diễm: cô chỉ là sinh viên mới ra trường còn Yuki là một kỹ sư. Cô sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê miền Trung Việt Nam còn anh lớn lên trong ngôi nhà tinh tươm. Cô xuất thân từ gia đình thuần nông, còn bố của Yuki là cảnh sát trong Sở Cảnh sát Nagano… 

Những chuẩn mực và sự khe khắt trong gia đình Nhật Bản, Diễm đã từng nghe càng làm cô thấy tủi. Cô ráng vượt qua cao trào của cảm xúc, rồi lau nước mắt và quay lại phòng khách với dáng vẻ tự nhiên.

Vừa thấy Diễm, bà Miyagawa đã tiến tới ôm cô vào lòng và liên tục “xin lỗi”. Bà nói bà đã làm Diễm tổn thương, bà muốn xin lỗi vì sự vô ý của mình… Nhìn bà luống cuống, còn hai bố con Yuki vừa bối rối vừa nỗ lực thông dịch, Diễm chợt rơi nước mắt. Đó là lần đầu tiên cô cảm nhận được sự gần gũi, chân tình của cả gia đình Miyagawa. 

Lễ vu quy diễn ra vào ngày 4/11/2017, ngay ngày bão Damrey đổ bộ vào miền Trung. Hôm đó, nhóm đồng nghiệp của Yuki từ TP.HCM bay ra cũng bị kẹt lại ở sân bay. Chuyến bay của ông bà Miyagawa liên tục bị hoãn vì thời tiết.

Buổi sáng trước lễ vu quy, nhà gái đứng ngồi không yên. Từ cửa nhà Diễm, mái tôn hàng xóm bay lả tả, cây cối quanh vườn ngã nhào, điện cúp tối om. 

Cơn bão vừa qua đi, nhà gái chưa kịp hoàn hồn thì đã thấy nhà trai xuất hiện. Ông bà Miyagawa ăn mặc tinh tươm bước đi giữa con đường ngập nước và bề bộn cành cây… Lúc này, Diễm phát hiện ông Miyagawa đi cà nhắc, ông bị thương khi va vào một cành cây ngã như Yuki kể qua điện thoại, nhưng ông vẫn tươi cười.

Nhìn họ tiến vào bắt tay từng người bên đàng gái và liên tục “xin lỗi vì đến trễ”, rồi nhìn về phía Diễm với một ánh mắt đầy cảm thông và thân tình - cô rơi nước mắt. Cô biết, họ chưa bao giờ tưởng tượng sẽ phải sang tận một vùng quê xa xôi trong mưa gió tơi bời để cưới vợ cho con trai.

Lá thư tay mẹ chồng Nhật gửi con dâu Việt
Lá thư tay mẹ chồng Nhật gửi con dâu Việt

Mẹ giàu lắm, khi các con có nhiều tiền, mẹ sẽ nhận lại

Khi Yuki kết thúc ba năm công tác ở TP.HCM, Diễm theo chồng về Tokyo - nơi công ty của Yuki đặt trụ sở chính. Tokyo cách Nagano hai giờ đi tàu siêu tốc. Trước khi có dịch COVID-19, ông bà Miyagawa thường lên Tokyo thăm vợ chồng Diễm, còn đôi trẻ hằng tháng lại về thăm nhà. 

Nhưng, chừng ấy gặp gỡ vẫn chưa thỏa sự ân cần, bà Miyagawa còn đều đặn “thăm nom” các con bằng những lá thư tay, kèm một thùng rau quả tự trồng hay một thức quà vườn tược nào đó. 

Năm 2020, miền Trung Việt Nam gặp biến động kinh hoàng về thời tiết. Trong một trận bão, căn nhà ba mẹ Diễm ở Núi Thành, Quảng Nam bị hư hại nặng. Tin này Diễm chỉ trao đổi với chồng. Thế nhưng, những ngày đó, cô đã nhận một lá thư rất “thời sự” từ mẹ chồng. 

Bà viết: “Tình hình ở nhà đang mưa bão vậy chắc con lo lắm đúng không? Cho phép bố mẹ chia sẻ nỗi lo lắng cùng con nhé!… Trong thư mẹ có gửi một chút quà, nhờ con gửi đến gia đình như một sự chia sẻ của bố mẹ. Cầu chúc cho cả gia đình bình an, và con được yên lòng!”.

Diễm liền gọi điện cho mẹ chồng để trấn an bà rằng bố mẹ cô ở quê vẫn an toàn. Lúc này, cô mới biết, khi truyền hình Nhật nhắc đến thiên tai ở Việt Nam, bà Miyagawa đã lên mạng tra cứu tên địa phương của nhà sui gia và được biết vùng đó bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong phong thư gửi từ Nagano, bà để kèm hai phần tiền, một phần bà nhờ Diễm chuyển đến ông bà thông gia, và một phần bà nhờ họ gửi đến bất kỳ ai khó khăn mà họ muốn giúp.

Những dòng chữ viết tay của  bà Miyagawa gửi đến cô dâu Việt
Những dòng chữ viết tay của bà Miyagawa gửi đến cô dâu Việt

Chỉ sau một thời gian ngắn làm dâu ở nhà Miyagawa, Diễm nhận ra mọi thông tin về cô đều được bố mẹ chồng ghi nhớ. Có những chi tiết chỉ thoáng qua trong những câu chuyện phiếm, vẫn được ông bà quan tâm. 

Trước mỗi chuyến hồi hương của Diễm, bà Miyagawa chuẩn bị quà cho từng người trong gia đình cô. Bà nhớ từng người già, con trẻ trong nhà Diễm và gửi đến từng người những món quà phù hợp nhất.

Có lần, bà chuẩn bị cả một túi bánh kẹo không đường và dặn Diễm “gửi cho các bệnh nhi”. Hỏi qua đáp lại một hồi, Diễm mới hiểu mẹ chồng cô đang muốn gửi quà cho những đứa trẻ mà thời sinh viên Diễm thường lui tới chăm sóc.

Những đứa trẻ đó chỉ xuất hiện thoáng qua trong lời kể nhiều năm trước của Yuki về một cô gái Việt Nam mà anh đang yêu. Đã nhiều năm Diễm không còn làm công việc tình nguyện kia nữa. Thế nhưng hình ảnh một cô gái vẫn lui tới giúp đỡ những đứa trẻ ở bệnh viện nhi vẫn làm bà Miyagawa lưu tâm, và bà muốn “đồng hành” ngay khi có thể.

Với cuộc sống đủ đầy của đôi vợ chồng trẻ ở Tokyo, Diễm luôn lựa lời từ chối những món tiền và quà biếu của mẹ. Trước mỗi lần như thế, bà Miyagawa đều nói: “Mẹ giàu lắm, ai nhiều tiền hơn thì phải cho người ít tiền hơn, chừng nào các con có nhiều tiền, mẹ sẽ nhận lại”.

Diễm biết, dù có trở thành triệu phú, cô cũng không thể trả hết cho mẹ những ân tình đã dày lên mỗi ngày…

Vì con dâu, mẹ chồng đi học tiếng Anh

Đầu tháng 8/2021, Diễm tiêm vắc-xin COVID-19 về thì lên cơn đau bụng. Càng về khuya, cơn đau càng dữ dội kèm sốt cao. Việc gọi cấp cứu và tìm bệnh viện trở nên khó khăn khi Tokyo đang có nhiều hạn chế. Đến lúc được đưa đến bệnh viện, Diễm đã có suy nghĩ mình không thể qua khỏi.

Lúc đó, Yuki đã khóc rũ người suốt từ lúc chứng kiến vợ đau đớn, còn việc tìm kiếm sự hỗ trợ y tế thì tưởng chừng vô vọng. Lúc vào phòng cấp cứu, Diễm đề nghị anh không báo tin cho bố mẹ. Trong cơn đau chí mạng, cô cũng kịp hình dung ra cảnh hoảng loạn của ông bà nếu nghe tin xấu chưa rõ kết quả về con dâu. 

Rất may, lần đó Diễm chỉ bị viêm ruột thừa cấp. Việc phẫu thuật diễn ra nhanh chóng, cô sớm vượt qua nguy hiểm. Lúc về nhà, Diễm đã thấy một lá thư tay của mẹ chồng.

Bà viết về việc ba mẹ không thể ở bên cạnh để chăm sóc con dâu bệnh. Rồi như thường lệ, bà lại… viện cớ “mẹ nhiều tiền lắm” để gửi cho Diễm một khoản tiền “mua cái gì thật ngon để bồi bổ”. 

Vợ chồng Diễm cùng mẹ chồng và bà ngoại của chồng
Vợ chồng Diễm cùng mẹ chồng và bà ngoại của chồng
Diễm và ba chồng
Diễm và ba chồng

Lúc này, Yuki mới “khai thật” là, anh phải gọi điện báo tin để bố đứng ra bảo lãnh ca phẫu thuật của Diễm theo yêu cầu từ bệnh viện. Từ lúc biết tin, ông bà đã giành được quyền thanh toán viện phí cho con dâu, và đề nghị Yuki “đừng nói cho Diễm biết”.

Nàng dâu Việt mỗi ngày một khám phá ra những điều mà ông bà Miyagawa luôn chủ ý “không cho Diễm biết”. Giống như một ngày về thăm, Diễm bất ngờ thấy mẹ chồng bập bẹ nói tiếng Anh với mình. Lúc đó, cô mới biết bà vì đứa con dâu chưa sõi tiếng Nhật nên cất công đi học tiếng Anh ở tuổi U60.

Gần đây, bà hào hứng gửi đến Diễm một hộp giấy đựng toàn là “sả và hành lá nhà trồng”. Và Diễm chợt hiểu, bà đã tự tìm tòi và trồng những loại gia vị “rặt Việt Nam” để con dâu bớt nhớ nhà…

Diễm miên man kể, rồi nói: “Em khóc vì nhà chồng hoài, nhưng mà khóc vì những chuyện như vậy đó…”. 

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI