Dành sự quan tâm đời sống vật chất, tinh thần cho lao động nữ
Tôi suy nghĩ và quan tâm nhiều đến các vấn đề về bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe, thai sản, nuôi con nhỏ, quyền thụ hưởng lợi ích cho lao động, nhất là lao động nữ. Bởi thế, đại hội lần này, tôi kỳ vọng Hội LHPN Việt Nam và các cấp Hội sẽ tiếp tục có nhiều chương trình hướng đến nữ công nhân. Đó là xem xét, kiến nghị về thời gian làm việc, tăng thời gian nghỉ ngơi cho lao động nữ 1 giờ/ngày, làm việc 5 ngày/tuần thay vì 6 ngày như hiện nay; phụ nữ mang thai được hưởng các chế độ bồi dưỡng riêng, doanh nghiệp phải ưu tiên bố trí việc làm nhẹ nhàng; khuyến khích lao động nữ mạnh dạn đóng góp sáng kiến bằng khen thưởng xứng đáng.
Ngoài ra, các tổ chức Hội có thể kết nối cùng doanh nghiệp tổ chức các hoạt động truyền thông, vui chơi giải trí dành cho nữ công nhân. Các hoạt động truyền thông, nếu được tổ chức tại doanh nghiệp thì sẽ dễ dàng tiếp cận với nhiều nhóm đối tượng cả nam và nữ, công tác tuyên truyền sẽ phát huy hiệu quả hơn.
Bà Phạm Thị Hồng - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Nệm Vạn Thành
Cần nhìn lại những chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là nữ lao động nhập cư
Năm 2021 trải qua với nhiều mất mát, đau thương, trong đó, người lao động di cư tại các đô thị nổi lên như một vấn đề không chỉ mang tính chất xã hội mà còn là mối ưu tư về mặt chính sách cần đặt lên bàn nghị sự. Những cuộc “rời đi” khỏi chốn mưu sinh là các khu trọ dành cho người có thu nhập thấp đã tạo nên một xúc cảm xã hội về những người lao động nghèo kiếm sống nơi đô thị.
Những nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có vẻ như sau đợt dịch, lao động di cư dứt khoát “trở về”.
Thu nhập trung bình hằng tháng của người lao động ở mức dưới 7 triệu đồng. Với thu nhập ít ỏi ấy, họ dường như không có dư để cầm cự qua bốn tháng dịch bệnh không có thu nhập.
Không chỉ khó khăn về tài chính, hầu hết những gia đình lao động di cư cũng trở thành nhóm dễ bị tổn thương vì dịch bệnh do điều kiện cư trú chật hẹp tại các phòng trọ. Rất nhiều nỗi lo vẫn theo gót họ nơi mảnh đất đô thị…
Thế nhưng những mong đợi của họ lại hết sức khiêm tốn, như mong ước được ưu đãi tiền điện, nước, được hỗ trợ bảo hiểm tự nguyện… là những vấn đề rất nhỏ và cụ thể để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống hằng ngày và có những dự phòng cho tương lai khi gặp khó khăn, bệnh tật.
Do đó, tôi nghĩ rằng, đại dịch COVID-19 vừa qua cũng chính là dịp để chúng ta nhìn lại những chính sách an sinh xã hội dành cho người lao động, đặc biệt là nữ lao động nhập cư.
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội
Gia đình hạnh phúc là nền tảng cho sự phát triển lành mạnh và phồn vinh
Tham gia nhiều phiên xét xử, tôi không khỏi xót xa khi thấy các trường hợp chị em vì thiếu kiến thức mà phạm pháp. Vì vậy, tôi kỳ vọng ở sự tiếp sức, giúp chị em được phát triển trên mọi phương diện của cuộc sống.
Phụ nữ hạnh phúc phải hướng đến tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc, trong đó phải đảm bảo các tiêu chí tôn trọng, bình đẳng. Bình đẳng phải được thực hiện ngay từ trong việc làm và cả gia đình, công việc nhà đến việc chăm sóc con cái, không phân biệt con gái, con trai. Phát triển kinh tế cũng là yếu tố quan trọng trong xây dựng gia đình hạnh phúc. Bản thân phụ nữ phải rèn luyện bản lĩnh, sự tự tin, có ý chí phấn đấu, tinh thần tự học, có ý chí vượt khó, nuôi dưỡng khát vọng làm giàu chính đáng phù hợp với điều kiện, năng lực của bản thân. Phụ nữ hạnh phúc, gia đình hạnh phúc sẽ là nền tảng cho sự phát triển lành mạnh, an toàn và phồn vinh của xã hội.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM
Cần đánh thức giá trị tự thân trong mỗi người phụ nữ
Vai trò của người phụ nữ trong xã hội ngày nay đã thay đổi rất nhiều khi có rất nhiều những đóng góp, thành quả của phụ nữ đã và đang được ghi nhận. Tuy nhiên, không ít chị em vẫn còn vất vả. Nguyên nhân của sự vất vả đó phần nào do sự chịu đựng vốn đã hằn sâu, họ tự mặc định đàn bà phải chịu cực, đàn bà phải chấp nhận thiệt thòi, bất công. Có những người phụ nữ không biết cách để bảo vệ con cái và chính bản thân họ dẫn đến những trường hợp bị bạo hành đến chết.
Đó là những người phụ nữ tự “bỏ quên” chính mình. Lâu nay, chúng ta đã chăm lo rất nhiều cho đối tượng phụ nữ yếu thế với mong muốn cuộc sống của họ tốt đẹp hơn. Nhưng đó chưa phải là cái gốc của vấn đề. Chúng ta cần tìm ra phương cách khác để giúp họ thay đổi nhận thức, đánh thức giá trị tự thân. Chỉ khi mỗi người có ý thức tự vận động, biết yêu mình, thì họ mới xây dựng được một gia đình hạnh phúc, cuộc sống của họ mới thay đổi tích cực.
NSƯT Hạnh Thúy
Thu Lê - Diễm Trang (ghi)