Những ký ức đẹp khi rời khu cách ly tập trung

04/04/2020 - 15:44

PNO - 14 ngày cách ly là thời gian bắt buộc để tự bảo vệ trước đại dịch, cũng là thời gian để những người đang cách ly làm bạn với nhau...

Bỗng dưng được thêm cuộc sống mới

Nathan Collis, 23 tuổi, là designer (người thiết kế) quốc tịch Úc. Anh từng đến Việt Nam nhiều lần để tham gia một dự án về gốm ở Bắc Ninh. Trong một lần đi về như thế, tối 18/3/2020, anh được đưa vào cách ly tại Trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh của Đại học Quốc gia TPHCM trong các hoạt động phòng chống COVID-19 của Việt Nam.

Anh chàng mảnh khảnh với chiếc áo thun trắng cùng chiếc máy quay mini từ lâu đã yêu mến vùng đất hình chữ S bên bờ biển Đông, bỗng dưng gặp cơ hội "vàng" để được sống với hàng trăm người Việt Nam.

Từ phòng cách ly trên lầu, Nathan đi quanh sân, đi dạo qua hành lang và kết bạn với Ngô Đình Hải, cũng 23 tuổi - một du học sinh trở về từ Anh quốc. Hải là dân thành phố này, đang theo học thạc sĩ quản trị doanh nghiệp quốc tế, Trường Đại học Nottingham Trent. Sự cởi mở của những con người đi qua nhiều vùng đất khiến họ dễ dàng kết bạn.

Nathan Collis chào tạm biệt những bạn bè khi rời khỏi khu cách ly sáng 4/4/2020
Nathan Collis chào tạm biệt bạn bè khi rời khỏi khu cách ly sáng 4/4/2020

Hải đem cà phê Việt Nam cho Nathan tập pha và uống. Sáng nào cũng vậy, như một thông lệ, lan can trước phòng cách ly của Hải trở thành nơi để từ hai rồi đến ba, bốn người trẻ ngồi chơi. Điều kiện để được uống cà phê là phải đảm bảo ngồi cách nhau 1m và ai uống xong phải tự mình rửa sạch ly.

Không chỉ biết uống cà phê Việt Nam, Nathan còn được bày cho chơi cờ tướng, lắng nghe tên những địa danh ở TPHCM - nơi mà Nanthan tâm sự rằng anh cảm thấy như là quê nhà, thậm chí anh còn yêu mến hơn vì vùng đất này con người dễ gần, dễ chia sẻ câu chuyện cho nhau hơn.

Ngồi uống cà phê trong buổi sáng cuối cùng ở khu cách ly, Nathan nói việc đầu tiên sau khi rời khỏi nơi này, anh sẽ lập tức đi tắm. Vì dù rất yêu vùng đất phía Nam này, anh vẫn không thể quen được cách tắm không có vòi sen, phải dùng ca nhựa để dội lên người. Ngoại trừ điều này, Nathan không có gì phải phàn nàn cả, vì những người bạn xung quanh anh đã quá tuyệt vời.

Du học sinh - chất kết dính tình thương yêu ở nơi cách ly

Ngô Đình Hải là một trong hàng trăm du học sinh ở khu cách ly Trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh. Ngoại ngữ tốt và lòng nhiệt huyết đã khiến Hải trở thành một phiên dịch viên "bất đắc dĩ" ở nơi này.

Ngô Đình Hải - thứ 2 từ phải sang, đã trở thành phiên dịch viên của cả khu cách ly tập trung
Ngô Đình Hải - thứ 2 từ phải sang, đã trở thành phiên dịch viên của cả khu cách ly tập trung

Hình như người nước ngoài nào ở nơi này cũng đều trở thành bạn Hải. Bất cứ cơ quan báo đài nào muốn phỏng vấn người nước ngoài nào, hãy nhờ Hải. Ở nơi cách ly tập trung, có nhiều điều bất ngờ cho Hải như gặp lại người bạn học chung trường tiểu học đã hàng chục năm trời bặt tin nhau.

Cùng với những người bạn mới có, cũ có, Ngô Đình Hải như một "cầu nối" cho những người đang cách ly. Chẳng hạn, khi phát hiện một nhóm người Bangladesh đang cách ly không biết nói tiếng Anh, Hải lập tức "truy tìm" người có thể biết ngôn ngữ này và nhờ giúp đỡ họ, giải thích các quy định ở khu cách ly...

Nguyễn Gia Khánh, 23 tuổi (quận Tân Bình, TPHCM) - du học sinh trở về từ nước Đức cũng là một "chất kết dính" như Hải. Cùng với 3 người bạn, cả nhóm rủ nhau cùng về nước và được ở cùng một khu cách ly. Sự trẻ trung sôi nổi của nhóm bạn này khiến nơi cách ly trở thành "trại hè" của du học sinh. Tại nơi đây - dù đang cách ly, cuộc sống của nhóm bạn trẻ vẫn đầy thú vị: sáng tập thể dục, trưa học yoga, tối đi học nhảy...

Nguyễn Gia Khánh - cô gái đứng giữa và các bạn cùng về từ nước Đức
Nguyễn Gia Khánh - cô gái đứng giữa và các bạn cùng về từ nước Đức

Để chuẩn bị cho ngày 4/4/2020 - ngày ra về khi đã yêu mến nơi này, Gia Khánh nghĩ rằng phải làm một cái gì đó. Một chiếc tủ gỗ được khiêng ra, dán vào những tờ giấy trắng tinh để làm "lưu bút" của những người trong khu cách ly. Trên tấm bảng lưu bút này, ngoài chữ ký, tên và số phòng, là những lời cám ơn dành cho những người cùng phòng, cho lực lượng dân quân tự vệ, cho cán bộ chỉ huy....

Nói về những ngày cách ly, Nguyễn Gia Khánh chia sẻ: "Cái quý nhất sau những ngày này là mối quan hệ, là tình bạn. Lúc đầu ít ai biết nhau nhưng rồi sau thời gian làm quen, nói chuyện với nhau, tụi em đã có với nhau những tình bạn rất thú vị, thậm chí thành bạn thân. Trở về nhà trong thời điểm dịch bùng phát là quyết định chính xác của tụi em".

Trưa ngày 4/4/2020, ông Wayne Frank Chinn (78 tuổi) - cha của đầu bếp nổi tiếng Bobby Chinn - sau thời gian cách ly tại Trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh đã chia sẻ với báo Phụ nữ TPHCM những ấn tượng của mình về cách chống dịch COVID-19 của Việt Nam: "Việc cách ly 14 ngày mà Việt Nam đang thực hiện là bước cần thiết và quan trọng để bảo vệ người dân của đất nước này. Việt Nam xứng đáng được ngưỡng mộ từ cộng đồng thế giới như là một trong những quốc gia ít ỏi bảo vệ được người dân của mình. Các lãnh đạo của đất nước Việt Nam nên được tuyên dương".

Ông Wayne Frank Chinn (78 tuổi) – cha của đầu bếp nổi tiếng Bobby Chinn trên chiếc giường tại khu cách ly tập trung ở Thủ Đức, TPHCM
Ông Wayne Frank Chinn, 78 tuổi - cha của đầu bếp nổi tiếng Bobby Chinn - trên chiếc giường tại khu cách ly tập trung ở Thủ Đức, TPHCM

Hiếu Nguyễn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI