Những “kình ngư” giữa đại ngàn Trường Sơn

29/05/2024 - 05:54

PNO - Ngày hè nắng nóng, gió Lào thổi rát từng cơn, lũ trẻ Vân Kiều ở vùng Lìa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) thường tìm cách giải nhiệt bằng cách vùng vẫy trong dòng sông Sê Pôn, hồ Lìa hoặc bất kỳ khe suối nào có nước. Tuy nhiên, tình trạng đuối nước mùa hè luôn là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình nơi đây.

Từ hơn 2 năm nay, các chiến sĩ đồn biên phòng Thanh đã tạo ra những “hồ bơi” dã chiến ngay chính trên những dòng suối giữa núi rừng Trường Sơn để dạy trẻ bơi lội.

Chính từ những “hồ bơi” này, 2 học sinh Hồ Thị Háo (lớp Chín Trường tiểu học - THCS Xy) và Hồ Văn Thân (lớp Năm Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học - THCS Hướng Lộc), huyện Hướng Hóa đã viết nên kỳ tích bằng những chiếc huy chương ở đường đua xanh của Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Chiến sĩ đồn biên phòng Thanh cùng giáo viên thể dục dạy bơi cho trẻ em Vân Kiều
Chiến sĩ đồn biên phòng Thanh cùng giáo viên thể dục dạy bơi cho trẻ em Vân Kiều

Ngăn suối dạy bơi cho trẻ

Cũng như nhiều vùng cao khác, trẻ em ở huyện miền núi Hướng Hóa còn chịu nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận môn bơi lội. Hè năm 2023, đồn biên phòng Thanh đã mở lớp dạy kỹ năng bơi cho học sinh tiểu học và THCS tại xã Xy với 230 em tham gia.

Những “hồ bơi” dã chiến giữa lưng chừng núi là kết quả nỗ lực hàng tháng trời của các chiến sĩ đồn biên phòng khi miệt mài lội suối, băng rừng tìm đá đắp đập giữ nguồn nước suối để dạy bơi cho các em.

Trung tá Ngô Trường Khôi - Đồn trưởng đồn biên phòng Thanh - cho biết: “Tham gia chương trình này, các em được cán bộ đồn biên phòng Thanh phối hợp với các thầy cô của trường hướng dẫn kỹ năng nhận biết khu vực nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn đuối nước, kỹ năng phòng tránh cũng như phương pháp kiểm soát và điều chỉnh hơi thở.

Hướng dẫn tình huống giả định các động tác thực hiện phương pháp bơi, một số kỹ thuật bơi có thể giúp người không biết bơi thoát hiểm. Các em còn được học phương pháp giải cứu, sơ cứu nạn nhân bị đuối nước... Nhìn chung, các em hưởng ứng rất tích cực.

Dự kiến hè năm nay, đơn vị sẽ mở rộng lớp tập huấn bơi phòng, chống đuối nước này trên địa bàn xã Thanh để có nhiều học sinh được trang bị kỹ năng”.

Ở nhiều trường miền núi Quảng Trị, do điều kiện không gian chật hẹp, địa hình hiểm trở nên việc xây dựng một hồ bơi để dạy học sinh là rất khó.

Ông Đoàn Minh Lộc - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học - THCS Hướng Lộc - cho hay: “Quỹ đất của nhà trường khá chật hẹp. Bên cạnh đó, trường có nhiều điểm lẻ, học sinh ở xa. Thời gian qua, trường vận động giáo viên thể dục cũng như phối hợp với chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho học sinh rèn luyện kỹ năng bơi. Không gian tập bơi thường tận dụng các khu vực sông suối bảo đảm an toàn”.

Cùng niềm trăn trở, bà Nguyễn Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS Xy - mong mỏi trường nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm đầu tư về hồ bơi, áo phao, trang thiết bị phục vụ cho môn bơi cũng như các môn thể dục khác trong chương trình dạy học.

Qua đó, trường có thêm nhiều lớp dạy bơi, thành lập câu lạc bộ bơi nhằm phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng các vận động viên tham dự hội thao, hội khỏe Phù Đổng các cấp…

Chiến sĩ biên phòng chuẩn bị áo phao cho 1 em bé trước khi tập bơi
Chiến sĩ biên phòng chuẩn bị áo phao cho 1 em bé trước khi tập bơi

Trái ngọt đầu mùa

Như nhiều bạn bè khác sinh ra ở miền biên viễn, mãi cho đến năm học lớp Chín, Hồ Thị Háo mới lần đầu được thấy một hồ bơi đạt chuẩn khi em tham gia hội khỏe Phù Đổng cấp huyện rồi đến cấp tỉnh. Tuổi thơ của em là những tháng ngày cùng chúng bạn tắm mát bên dòng suối hay bên bờ sông Sê Pôn.

Hè năm 2023, khi đồn biên phòng Thanh phối hợp với Đoàn Thanh niên xã Xy và Trường tiểu học - THCS Xy tổ chức lớp dạy bơi, Háo liền đăng ký tham gia. Lớp bơi diễn ra vào thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, không buổi nào Háo vắng mặt.

Em chia sẻ: “Được thầy giáo và các chú bộ đội dạy bơi, em biết thêm nhiều kiểu bơi, cách bơi nhanh, bơi dài và giữ được sức bền. Khi nắm rõ các kỹ năng thì việc bơi không còn khó nữa. Trái lại, em càng đam mê môn này hơn. Em biết thêm về phương pháp cứu người đuối nước và chú ý nhắc nhở các em nhỏ về bơi lội an toàn ở các khu vực sông, suối, tránh đuối nước”.

Bơi thành thạo, Háo được trường chọn tham gia hội khỏe Phù Đổng cấp huyện rồi đến cấp tỉnh. Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Háo đạt huy chương Vàng cấp huyện với nội dung bơi ếch 50m và huy chương Đồng cấp tỉnh với nội dung tiếp sức 4 x 100. Thành tích này là cả một quá trình nỗ lực của Háo, sự quan tâm của nhà trường, sự kèm cặp của thầy giáo phụ trách môn thể dục Nguyễn Ngọc Trị và các chiến sĩ đồn biên phòng Thanh”.

Năm nay tròn 11 tuổi, cậu bé Hồ Văn Thân, lớp Năm, điểm trường Của - Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học - THCS Hướng Lộc (huyện Hướng Hóa) cũng lần đầu tiên được tiếp xúc với đường bơi xanh. Thôn Của (thuộc xã Hướng Lộc) nơi Thân sinh sống có địa hình hẻo lánh.

Thường ngày, Thân và bạn bè tắm mát ở hồ nước đầu thôn, nơi người dân ngăn suối lấy nước tưới tiêu cho ruộng lúa. Thấy em thích bơi lội, thầy Lê Bá Thông tận tình hướng dẫn, chuẩn bị cho cuộc thi hội khỏe Phù Đổng. Hằng ngày, Thân tập bơi trong hồ nước thủy lợi, dưới sự giám sát và hướng dẫn của thầy Thông.

Trước hôm về phố dự thi, Thân được trường tạo điều kiện để thầy giáo đưa đến một hồ bơi ở trung tâm huyện để làm quen. Lần đầu xuống TP Đông Hà, em quá rụt rè nên thầy Thông phải đích thân đi theo.

Một điều thật lạ, khi xuống hồ bơi, Thân trở nên tự tin và mạnh mẽ. Chiếc huy chương Bạc nội dung bơi ếch 50m và huy chương Đồng nội dung bơi ếch 100m là thành quả ngọt ngào của cậu bé sau những tháng ngày miệt mài tập luyện.

Phòng tránh đuối nước ở trẻ em luôn là vấn đề cấp thiết. Trung tá Ngô Trường Khôi nói: “Chúng tôi đã chỉ dạy kỹ năng cơ bản về bơi lội cũng như giúp các bạn nhỏ kỹ thuật sơ cấp cứu người đuối nước. Đây cũng là một hoạt động thể thao mùa hè vô cùng ý nghĩa đối với các cháu nhỏ đang sống ở các xã vùng Lìa, huyện Hướng Hóa, nơi cuộc sống còn rất nhiều khó khăn”.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI