Những kiểu nói dễ xa nhau

13/03/2016 - 11:32

PNO - Dấu hiệu dự đoán ly hôn rõ nhất là khi một hoặc cả hai vợ chồng có những biểu hiện coi thường nhau.

Nhung kieu noi de xa nhau
Ảnh mang tính minh họa

Giáo sư John Gottman, Đại học Washington (Mỹ), chuyên gia hàng đầu về quan hệ vợ chồng ở Mỹ, sau hơn hai mươi năm nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng, dấu hiệu dự đoán ly hôn rõ nhất là khi một hoặc cả hai vợ chồng có những biểu hiện coi thường nhau.

Quả đúng như thế. Có khi trong thâm tâm bạn không đánh giá người bạn đời như vậy nhưng cách nói của bạn có thể khiến người nghe cảm thấy bị coi khinh. Nó thể hiện qua sự phê phán hoặc mỉa mai giá trị người đối diện. Có bốn loại giao tiếp mà khi nói, người ta thường cố ý hoặc vô tình để lộ thái độ khinh bỉ.

Ra chỉ thị

Đây là kiểu nói thường bắt đầu bằng “Em nên…”, “Em cần…”, “Anh phải thế này”. Đôi khi đi liền sau là một mệnh lệnh. Thí dụ: “Em phải làm điều này ngay bây giờ!”. Hầu hết chúng ta chẳng ai thích bị người khác sai khiến, cho nên khi bạn sử dụng cụm từ: “Anh phải…” cộng với một mệnh lệnh đi kèm, nó dễ khơi dậy trong người bạn đời cảm giác khó chịu và phản kháng. Đây là loại ngôn ngữ dẫn đến những bất đồng và xung đột.

Chụp mũ

Với câu “Anh rất cẩu thả, không bao giờ đậy nắp tuýp kem đánh răng”, bạn chỉ căn cứ vào một hành vi mà khái quát tính cách một người theo hướng tiêu cực. Chẳng hạn: “Tắm xong sao anh không tắt máy nước nóng, làm người khác mở ra bị phỏng hết cả. Anh phải bỏ ngay cái tính cẩu thả ấy đi”. Hoặc chồng bảo vợ: “Mọi người đang nói em chẳng ra gì kìa”…

Có thể thấy, những câu nói như vậy đánh giá một người khác theo hướng phiến diện, đồng thời biểu lộ thái độ chán chường, bất lực vì không có hy vọng nào thay đổi được người kia.

Phê phán, miệt thị người khác

Mọi tình huống giao tiếp bao giờ cũng hàm chứa hai yếu tố: một là đánh giá đối phương, hai là đánh giá hành vi của họ. Nếu bạn coi khinh người bạn đời thì cách nói của bạn sẽ có tính miệt thị. Thí dụ: “Sao anh dốt thế nhỉ”. Nếu muốn loại trừ thái độ đó, bạn có thể nói: “Anh là một người thông minh (khẳng định giá trị anh ta), nhưng những gì anh làm sáng nay không được sáng suốt lắm” (phê phán).

Thí dụ khác: “Em không bao giờ làm được việc gì cả. Đúng là vô tích sự”. Có thể thay bằng: “Anh thấy em làm việc này không tốt như mọi khi”.

Khi người bạn đời không quan tâm đến mình, bạn đừng nên nhận xét: “Anh chẳng quan tâm gì đến em cả, hay anh đã có người khác?”. Cách nói như thế là gây sự chứ không phải góp ý. Bạn có thể nói: “Em biết dạo này anh bận nhưng hôm nay mình đi ăn sáng với nhau được không?”.

Nói chung, khi hai người chung sống với nhau lâu dài, không nên đưa ra những lời phê phán một chiều. Nó có thể dễ dàng khơi dậy phản ứng tiêu cực từ phía người nghe và kết quả là họ cảm thấy tức giận, tổn thương và chống đối. Có một nguyên tắc là khi định chê ai cái gì, trước hết hãy khen họ.

Những câu nói hủy diệt tình yêu

Để nuôi dưỡng tình yêu, chúng ta cần nuôi dưỡng cảm xúc yêu đương bằng những lời động viên cổ vũ và cố gắng loại bỏ những câu nói tiêu cực, nó có thể hủy hoại tình yêu. Ví dụ: “Sự quan tâm của em là vô nghĩa với anh”. “Em cần gì mấy cái thứ rẻ tiền đó”. Khi chúng ta nói những lời xúc phạm người khác, chúng ta có thể gây ra sự bất bình ngay lập tức.

Những cách truyền thông hàm ý khinh nhau trên đây chẳng khác gì đầu độc hôn nhân. Nó phá hủy cả sức khỏe và hạnh phúc vợ chồng. Giao tiếp là một kỹ năng mà bạn có thể học. Nó giống như khi bạn muốn gõ trên máy tính 90 từ một phút, bạn phải luyện tập hàng ngày. Người xưa có câu: “Uốn lưỡi trước khi nói”. Bạn nên nhớ rằng xây dựng tình cảm rất công phu nhưng đôi khi chỉ cần một câu nói là đi tong tất cả.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI