Những khuôn mặt thời gian

18/09/2017 - 11:22

PNO - Mưa lại rơi trên những tầng tháp cổ, những hàng dài bia đá cứ níu lấy chân khách ra tận vệ đường, phút ngoái lại, cả một thánh tích chìm trong bóng nước...

Vùng đất bên cạnh con sông

Sau khi trao quà cho hai xã nghèo ở huyện Pathumphon, trên đường trở lại thủ phủ Pakse, chúng tôi ghé thăm Wat Phou - di sản văn hóa thế giới được công nhận từ năm 2001.

Nhung khuon mat thoi gian
Người dân nghèo ở huyện Pathumphon, tỉnh Champasak

Cơn mưa dông bất ngờ, mưa đổ qua những hàng bia nghiêng ngả, mưa len theo những phiến đá đứng ngồi. Từ chân núi Lingaparvata, tôi ngước nhìn cả tảng đá trời, thánh địa Wat Phou sừng sững, hoang vu, kỳ bí. Mặc cho cơn mưa mỗi lúc thêm nặng hạt, chúng tôi bám theo từng bậc thang đá, như thể bám vào mỗi cột mốc thời gian, đã đi qua 15 thế kỷ, hổn hển cầu may những gì còn sót lại nơi di chỉ phế tích này. 

Mưa tạnh dần rồi ráo hoảnh. Mọi người rồi cũng leo qua 200 bậc để lên tới một miếu thờ treo trong núi. “Chánh điện” chỉ đủ cho vài ba người lách qua, dâng cây đèn nhang (được bán cho du khách ở ngoài sân), gõ một hồi chuông, thành kính bái niệm. Vì là thánh địa nên tôi không nhìn thấy gương mặt Phật, tôi bắt gặp vẻ uy linh của một vị thần - người tạo nên sức mạnh tối thượng để Bảo tồn (Vishnu), để Sáng tạo (Brahma) và để Hủy diệt - Sáng tạo toàn năng (Shiva) như trong tín ngưỡng Bà La Môn giáo quy ước; mà rốt cuộc là bảo vệ - hồi sinh vùng đất thiêng này, có lẽ.  

Tôi ngoảnh lại, Wat Phou đang tựa lưng vào núi Lingaparvata, vắt qua tầm mắt phóng xa là dòng Mékong uốn lượn. Chẳng khác nào tôi đang đứng ở thánh địa Mỹ Sơn, cũng tựa vào hòn Đền mà ngắm nhìn dòng sông Thu Bồn lặng chảy, khẽ thốt lên “Amaravati đây rồi!” - vùng đất bên cạnh con sông. Một nét vẽ kỳ công của đại vương Bhadrararman từ cuối thế kỷ thứ IV được lưu giữ trên bức tranh Mỹ Sơn, Quảng Nam - Wat Phou, Champasak. Tên ông còn khắc trên văn bia Mỹ Sơn và ngay tại đây, trên văn bia của thánh địa Wat Phou, xác lập một di chỉ văn hóa trải dài từ miền trung nước Việt đến vùng nam nước Lào. 

Nhung khuon mat thoi gian
Đường vào thánh địa Wat Phou - thuộc tỉnh Champasak - Lào. Ảnh: Ái Mỹ

Dòng chảy thời gian chưa hề bào mòn bất cứ dấu tích nào, nó chỉ chất chồng thêm những biến thiên thời cuộc, để con người cứ hăm hở, liều lĩnh lao vào những cuộc chinh phạt, giao thoa, tiếp biến, mở mang… Mà trong ấy, còn vương mang những cuộc hôn nhân đắt đỏ, một bước xuống thuyền mà đổi lấy cả cơ đồ.

Vẫn còn đó, bóng dáng công chúa An Tư chếnh choáng trong lòng địch để nhằm làm chậm bước xâm lăng của kẻ thù phương Bắc; là chút tình của Huyền Trân, sâu hay nông thì cũng là cuộc đổi dời để đất cứ mở về phía trời Nam. Lịch sử luôn vọng về những cảm thức đàn bà…

Máu người Việt đã thấm trên đất Lào

Đó là lời của ông Thẳm Suôi, người dân tộc Suôi tại buổi giao lưu giữa các bộ tộc Lào và người có uy tín tiêu biểu các dân tộc thiểu số TP.HCM, diễn ra tại tỉnh Champasak ngày 11/9 vừa qua. Ông kể, từ nhỏ đã nghe người lớn trong bản nói về những chú bộ đội Việt Nam sang Lào, sát cánh cùng nhân dân Lào chiến đấu chống Pháp, chống Mỹ. Có một chiến sĩ Việt Nam, tên Lào là Bum Mi đã hy sinh để bảo vệ bà con bản Suôi. Người dân huyện Sukhuma đã chôn cất anh ngay trên đất bản, là người ơn trọn đời của tộc Suôi. 

Máu của chiến sĩ Bum Mi, máu của tham mưu trưởng liên quân Việt - Lào, Lê Thiệu Huy đã thấm vào lòng đất Chămpa, ông hy sinh trên đường vượt sông Mékong sang Thái Lan, lấy thân mình đỡ đạn thay cho Hoàng thân Xuphanuvong.

Những ngày đầu khi quân tình nguyện Việt Nam sang Lào thì bộ tộc đầu tiên gắn bó và cùng chung lưng đấu cật chính là người Daru anh hùng. Ông Kăm Bin - người dân tộc Daru xúc động nói, vì không chịu nổi bất công, áp bức của các thế lực ngoại bang như Thái Lan, Pháp, Mỹ mà người Daru đã đứng lên kháng chiến, với người khởi xướng là vị anh hùng Kông Ma Đăm. Được sự giúp đỡ của cán bộ Việt Minh, những cuộc chiến đấu từ vùng Nam Lào, từ cao nguyên Boloven này đã góp phần quan trọng đưa đến ngày chiến thắng, 2/12/1975.

“Trong quá khứ, máu của quân tình nguyện Việt Nam đã đổ xuống đất Lào, vì nền độc lập, tự do cho các bộ tộc Lào. Trong hiện tại, mồ hôi, công sức, trí tuệ của người Việt lại tiếp tục cùng chúng tôi xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội Lào trên tinh thần tôn trọng, tin cậy, hữu nghị. Đó là những giá trị nền tảng dẫn dắt chúng ta đi tới tương lai, là lịch sử đời đời của hai dân tộc, hai quốc gia” - lời của vị trưởng tộc Ôi - nguyên Phó ban tuyên giáo tỉnh ủy Champasak. 

Nhung khuon mat thoi gian
Dòng chảy thời gian chưa hề bào mòn bất cứ dấu tích nào ở thánh địa Wat Phou. Ảnh: Ái Mỹ

Mang theo những “lời như đinh đóng cột” ấy, những gương mặt chân chất, sậm màu đất đỏ Boloven ấy, tôi len lỏi vào khu rừng - vùng căn cứ địa cách mạng Tạt Son nay đã trở thành khu du lịch sinh thái do tập đoàn Khamphay Sana khai thác. Từ cổng vào, chỉ khoảng hơn 100m, đã hiện ra cái hang mang hình đầu rắn, nơi đây hoàng thân Xuphanuvong, trong những ngày xuôi từ Thái Lan về quê nhà lãnh đạo phong trào kháng chiến đã ẩn náu và hoạt động. 

Cũng những ngày tháng Chín này, tròn 72 năm trước, chỉ sau 2 ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Hoàng thân Xuphanuvong vào Phủ chủ tịch để trao đổi, bàn bạc một số công việc hệ trọng. Theo sử liệu, tình cờ, cũng trong chiếc xe hướng về Phủ Chủ tịch hôm ấy, 4/9/1945, còn có cả cựu hoàng Bảo Đại. Một vị cựu hoàng vừa thoái vị tự nguyện làm công dân của một nước độc lập. Một vị hoàng thân chọn con đường dấn thân cách mạng, trở lại nước Lào để lĩnh xướng cuộc kháng chiến trường kỳ. 

Chúng tôi leo qua những nấc thang dây, tre nứa để chạm chân lên đỉnh của hang đầu rắn, ngắm nhìn thảm xanh Viêng Chăn ngút ngàn. Cảm giác như đang đứng giữa núi rừng Việt Bắc, trước giờ Đại hội Neo Lào Itxala (Mặt trận Lào tự do - lần thứ nhất 13-15/8/1950). Trên lưng rắn thần Naga này, vị hoàng thân yêu nước, người con ưu tú của dân tộc Lào đã cùng với những đồng chí trong Neo Lào Itxala tiếp tục con đường bảo vệ những di sản Chămpa, giành lấy nền độc lập thiêng liêng cho các bộ tộc Lào. 

***

Mưa lại rơi trên những tầng tháp cổ, những hàng dài bia đá cứ níu lấy chân khách ra tận vệ đường, phút ngoái lại, cả một thánh tích chìm trong bóng nước. Những tượng đá cựa quậy. Hiện ra những khuôn mặt thời gian, trong ấy, có vẻ đẹp sinh sôi, quyến rũ của những nàng vũ nữ Apsara, nhảy múa cùng vũ điệu Tamia Tatih, Yang Naitri; trong ấy có cả những đôi mắt trẻ thơ buồn vô cực từ bản nghèo Văng Mả - tôi nhìn chúng mà ngỡ là tượng!

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI