PNO - Ở TP.HCM có nhiều khu nhà trọ được xây dựng với không gian xanh mát, môi trường thân thiện và đầy ắp tiếng cười khiến người thuê trọ cảm thấy thân thuộc và như được sống ở nhà mình.
Sáng 20/1, trong khu trọ trên đường Đặng Văn Bi, khu phố 4, P.Bình Thọ, TP.Thủ Đức, vợ chồng bà Nguyễn Thị Thục Bình, 76 tuổi và ông Lê Tấn Điện, 81 tuổi, đang ngồi đọc giai phẩm Xuân Phụ Nữ 2021 để “xem có gì hay kể tụi nhỏ nghe chơi”. “Tụi nhỏ” là anh em công nhân, người buôn bán, các bạn học sinh, sinh viên đang sống ở khu trọ của vợ chồng dì từ năm 2017 tới nay.
Đến trưa, vài anh chị bán thức ăn sáng, sửa xe đạp trước cửa tranh thủ giờ nghỉ trưa cùng đọc báo và bàn bạc chuyện làm bánh mứt với dì. Năm nào cũng vậy, cứ tới giữa tháng Chạp, khu trọ lại bàn tán chuyện về quê, chuyện phụ vợ chồng bà Bình gói bánh chưng, bánh tét. “21 tháng Chạp này tôi sắm đậu xanh, thịt heo và 40kg nếp để gói bánh chưng, bánh tét. Sức vợ chồng già đâu có làm nổi, toàn tụi nhỏ phụ giúp. 23 tháng Chạp tụi tôi đặt bàn bánh ngoài cổng, bà con ngang qua, ai cần thì ghé vô nhận vài chiếc bánh về ăn tết cho vui”, bà Bình chia sẻ.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Thục Bình được anh chị em thuê trọ thương quý và trân trọng như người thân bởi sự chân tình
Khu trọ của bà Bình có 30 phòng, diện tích từ 18-21m2. Người thuê trọ đến từ nhiều tỉnh, thành như Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Nhiều hộ khó khăn, như gia đình anh Phong - chị Hòa, dì không lấy tiền trọ. Suốt ba năm qua, cứ mồng Một âm lịch hằng tháng, bà lại nấu cơm cho vô hộp đặt trên bàn ngoài cổng tặng bà con nghèo. Trong năm 2020, để giảm bớt khó khăn do dịch COVID-19 và bão lũ miền Trung, bà Bình đã giảm giá tiền thuê phòng với tổng cộng 46 triệu đồng cho cả khu trọ. Vợ chồng bà Bình còn vận động, gom góp được 20 bao quần áo và trực tiếp chở ra miền Trung chia sẻ cho bà con. Những ngày này, ngoài kế hoạch gói bánh, bà Bình còn lo sắm phong bao lì xì mừng xuân mới cho anh chị em khu trọ. Bà tâm sự: “Chúng ta vừa đi qua một năm quá khó khăn. Tụi tôi muốn san sẻ phần nào lo toan với mọi người. Năm hết tết đến, dù sao đi nữa thì hãy cứ vui và tin tưởng ngày mai sáng sủa hơn”.
Cứ đến đầu tháng Chạp là bà Nguyễn Thị Hai, 63 tuổi, chủ nhà trọ ở khu phố 4, P.Thới An, Q.12, TP.HCM, lại lên kế hoạch đặt mua các loại bánh, mứt, nước ngọt tặng người thuê trọ. Khu trọ được vợ chồng bà Hai chắt chiu gầy dựng từ năm 2004, lúc đầu chỉ có 3 phòng, nay lên 19 phòng, diện tích mỗi phòng từ 15-20m2, giá cho thuê dao động 800.000-900.000 đồng/phòng/tháng. Tiền điện bà thu theo quy định, tiền nước mỗi người 15.000 đồng/tháng.
Vì khu trọ hầu hết là công nhân sống thành gia đình, vợ chồng đi làm, con cái đi học nên bà Hai thường nhận trông giúp tụi nhỏ mỗi khi cha mẹ tăng ca.
Bà kể, để tậu được cơ ngơi này, vợ chồng bà làm việc đúng nghĩa “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Thời con gái, bà Hai làm công nhân xưởng dệt. Từ ngày lấy chồng, rời nhà cha mẹ bên P.Đông Hưng Thuận để qua sống tại P.Thới An, bà đảm trách biết bao việc, xuống ca ở xí nghiệp bà về nhà lo mảnh ruộng, rẫy khoai, đàn heo và trồng cỏ nuôi bò sữa.
Bà Nguyễn Thị Hai thường lui tới các phòng trọ, hỏi thăm chuyện làm ăn, học hành trong từng gia đình để kịp thời giúp đỡ
“Vừa làm công nhân, vừa là nông dân mấy chục năm, bao nhiêu cay cực, tôi nếm trải hết rồi. Bây giờ, hai đứa con đã ổn định, tụi nó tự lo được cho gia đình riêng thì vợ chồng tôi hướng tâm về phía bà con nghèo, như mình đã từng. Mỗi ngày thấy các cháu dắt xe đi làm, chiều về an toàn là tôi mừng. Hồi COVID-19, tôi không nói giảm giá phòng, nhưng thấy đứa nào khó thì cho thôi”, bà Hai bộc bạch.
Vui sống bình yên
Nhận lãnh trách nhiệm quản lý nhà trọ mà cha mẹ xây dựng, chị Võ Thị Trang, 46 tuổi, ở khu phố 2, P.Linh Chiểu, TP.Thủ Đức, đã biến nơi này thành không gian xanh thực thụ với rất nhiều hoa trái. Thấy chị Trang bưng rổ trèo ghế hái mấy trái mướp hương, chị Bùi Thị Lanh, công nhân khu chế xuất Linh Trung, chạy tới giúp.
Chị Lanh quê ở tỉnh Thái Bình, vào TP.HCM làm công nhân hơn 16 năm nay. Đã thuê trọ nhiều nơi, nhưng chỉ khi tới chỗ chị Trang thì chị Lanh mới có cảm giác được sống giữa tình thân. Chị Lanh tâm tình: “Tôi làm công nhân, chồng bán nước mía. Tụi tôi có ba đứa con. Hồi trước, đến những ngày cận tết thường rất buồn, vì không thể về quê, cũng không thể sắm sửa gì. Nhưng đến ở khu trọ chị Trang, tụi tôi sẽ cùng làm tiệc tất niên, được chủ trọ tặng quà, lì xì, vui lắm”.
Giàn mướp hương trong khu nhà trọ của chị Võ Thị Trang (trái)
Giàn mướp hương sai trái xuất phát từ ý tưởng của bà ngoại chị Trang - cụ Nguyễn Thị Út, 90 tuổi. Có lần, cụ gợi ý: “Sao bay không trồng cây gì cho mát, ngoại thấy mùa nắng khu mình nóng bức, thương tụi nhỏ quá chừng”. Vậy là, chị Trang cho làm đất, gieo hạt, làm giàn cho bầu, bí, mướp hương che bóng mát cả sân khu trọ 28 phòng. Trước cửa mỗi phòng, chị còn hỗ trợ anh em trồng mấy chậu trầu bà, kim phát tài, lan hồ điệp.
Bên cạnh cái tính xăng xái, vui vẻ, chị Trang còn được anh chị em ở trọ quý mến bởi những chia sẻ, giúp đỡ thân tình. Mấy năm trước có ông Trần Thông thuê phòng ở một mình, chạy xe ôm kiếm sống. Về sau, ông mắc bệnh phổi, mỗi năm nằm viện mấy tháng, chị Trang đã xin cha mẹ miễn tiền phòng, mỗi ngày nhà nấu cơm, canh đều bưng qua cho ông. Ông mất cuối năm 2020, chị và mọi người trong khu trọ cùng gom góp tiền phụ em trai ông từ quê lên lo tang ma.
Rồi khi COVID-19 ập tới, chị thông báo giảm 200.000-300.000 đồng/phòng/tháng trong ba tháng. Ngoài ra, chị còn mua cả trăm trứng vịt về chia cho mọi người, dặn dò mọi người nhớ đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên để phòng bệnh.
Đầu tháng Chạp này, vài gia đình trong khu trọ của chị Trang chuẩn bị muối kiệu, làm dưa món để ăn tết ở Sài Gòn. Chị Lanh nói: “Tụi tôi ăn tết với gia đình chị Trang. Nhà nào có bánh góp bánh, có mứt góp mứt…”.
Cũng như chị Trang, chị Nguyễn Ngọc Trằm, 33 tuổi, ở khu phố 3, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM, được cha mẹ giao quản lý khu trọ 94 phòng, 270 người thuê, đa phần sống thành gia đình. Họ là lao động tự do, công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam và công nhân xưởng sản xuất mút xốp của gia đình chị Trằm.
Chị Nguyễn Ngọc Trằm (bìa phải) hỏi thăm, động viên bà Gối, người đang làm việc trong xưởng mút xốp
Khu trọ đông người, nhưng thoáng mát, sạch sẽ. Ngày nào chị Trằm cũng lui tới coi sóc chuyện vệ sinh, đời sống anh chị em để kịp thời trợ giúp khi cần thiết. Năm 2014, chồng bà Lê Thị Gối, 50 tuổi, quê Vĩnh Long, là ông Huỳnh Văn Cười, bị đột quỵ, được chị Trằm phát hiện và nhờ người đưa đi bệnh viện kịp thời nên đã qua cơn nguy cấp. Thấy ông Cười bị liệt nửa người và mất khả năng lao động, chị Trằm đã miễn tiền trọ cho vợ chồng ông. Bà Gối phấn khởi: “Chẳng những không lấy tiền trọ mà cô Trằm còn hay cho chúng tôi gạo, mắm. Ở đây, chúng tôi có cảm giác như được sống ngay trong nhà mình giữa thành phố vậy. Gần đây, chồng tôi bắt đầu đi lại được, ông còn nấu cơm, lau sàn”.
Nhắc đến chị Trằm, chị Nguyễn Thị Ngọc Huỳnh - Chủ tịch Hội LHPN P.Tân Tạo, Q.Bình Tân - xúc động: “Ngày 3/2 tới, chị Trằm sẽ chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng. Chị ít nói, cái gì cũng lặng lẽ làm. Trong năm 2020, chị đã hỗ trợ anh em khu trọ rất nhiều, từ việc miễn giảm tiền trọ đến tặng khẩu trang, nước rửa tay, nhu yếu phẩm. Vào dịp tết Thiếu nhi, Trung thu, chị đều chuẩn bị bánh kẹo tặng các bé sống ở đây. Khoảng sân rộng 120m2 của gia đình chị cũng là nơi Hội LHPN quận, phường hay mượn làm địa điểm tổ chức các chương trình cho trẻ em nhà trọ vui xuân, thi cắm hoa, nấu ăn, tuyên truyền phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, tiết kiệm điện, hiến máu nhân đạo…”.
Những năm gần đây, khoai mỡ được giá, nhiều hộ đã tăng sản lượng. Với giá bao tiêu là 9.000 đồng/kg, người trồng khoai sẽ có lời khoảng 20 triệu đồng/1.000m2.