“Khu phố tôi trước đây cũng điên đảo với nạn tạt sơn đòi nợ, bây giờ thì sạch bóng rồi. Chúng tôi có cách trị tín dụng đen” - Bí thư Chi bộ khu phố 5, P.13, Q.6 - nói. Tại TPHCM , các tổ chức đảng, đoàn thể ở một số khu phố đã nghĩ ra nhiều giải pháp trị tín dụng “đen” rất hiệu quả.
Giúp người dân tránh tín dụng “đen”
Sáng sớm, đọc tin trên báo về việc một gia đình bị “khủng bố” bằng sơn và mắm tôm trong những ngày cuối năm ở TPHCM , bà Nguyễn Thị Bạch - Bí thư Chi bộ khu phố 5, P.13, Q.6 - thở dài: “Cuối năm rồi mà bọn đòi nợ cũng không để cho người ta yên nữa”. Bà nói tiếp: “Khu phố tôi trước đây cũng điên đảo với nạn tạt sơn đòi nợ, bây giờ thì sạch bóng rồi. Chúng tôi có cách trị”.
|
Bà Nguyễn Thị Bạch (bên phải) đến thăm hỏi và hỗ trợ tiền cho chị Vân sửa lại căn nhà xuống cấp |
Khu phố 5, P.13, Q.6 có hơn 1.000 hộ, nằm gần khu vực Cây Da Sà (Q.Bình Tân), từng là khu phức tạp về an ninh trật tự với tệ nạn ma túy, cờ bạc, cho vay nặng lãi. Sau nhiều năm phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, bây giờ, bà Bạch tự tin: “Tệ nạn ở khu phố 5 đã được dẹp bỏ 90%”.
Dắt chúng tôi vào một căn nhà nằm sâu trong hẻm 269 Bà Hom, bà Bạch cho biết, nhà này của chị Nguyễn Thị Mỹ Vân, đang được khu phố vận động tiền sửa sang lại. Căn nhà của chị Vân rộng chừng 11m2, bị hư hỏng nặng. Nhiều năm nay, chị Vân đã muốn sửa lại căn nhà để không bị dột vào mùa mưa nhưng không có tiền. Biết hoàn cảnh khó khăn của chị Vân, những ngày tết đến cận kề, bà Bạch cùng các cán bộ trong khu phố đã đứng ra vận động tiền cho chị sửa lại nhà. Việc sửa chữa căn nhà dự kiến sẽ hoàn thành trước năm mới Tân Sửu 2021. “Người dân khó khăn, mình giúp kịp thời thì họ không bí đường mà đi vay nợ tín dụng “đen” bên ngoài” - bà Bạch chia sẻ.
Hôm chị P.T.M. nhập viện, gia đình chị không thể nào xoay đủ mấy triệu đồng tiền viện phí, thuốc men. Trong lúc túng quẫn, chồng chị M. định nhờ người quen vay “nóng” bên ngoài để chữa bệnh cho vợ. Biết chuyện, bà Bạch liền trao đổi với các cán bộ trong khu phố “giải ngân” gói vay không lãi cho gia đình chị M. 5 triệu đồng. Mỗi tháng, chị M. chỉ phải trả lại cho khu phố 500.000 đồng trong mười tháng.
“Nếu vay tín dụng “đen”, mỗi tháng, chúng tôi phải trả lãi rất nhiều. Có khi lãi mẹ đẻ lãi con, phải vay chỗ này bù chỗ kia rồi mất khả năng trả nợ. Cũng nhờ khoản vay của địa phương mà chúng tôi khỏi phải dính dáng vào tín dụng “đen” - chị M. xúc động.
Bà Bạch cho biết, hai năm qua, ban điều hành khu phố đã cho vay hơn 20 lượt người, mỗi người được vay từ 2-5 triệu đồng tùy nhu cầu và trả góp dần mỗi tháng, không tính lãi. Nguồn vốn vay này do các cán bộ ở khu phố đóng góp xây dựng và giao cho chi hội phụ nữ trực tiếp quản lý, điều phối. Người dân trong khu phố 5 khi gặp khó khăn về tiền bạc, có thể đến khu phố vay tiền, thủ tục cho vay rất đơn giản nên họ không phải tìm đến tín dụng “đen”.
Quỹ tương trợ ngăn vay nặng lãi
Ngày cuối năm, bà Phạm Thị Thu Thủy - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 2, P.9, Q.11 - vui mừng cho biết: “Năm 2020, chi hội tiếp tục nuôi heo đất tiết kiệm, vừa rồi đập heo, thu được hơn 10 triệu đồng. Cộng với số tiền tích góp được của năm 2019, nguồn quỹ tương trợ của chi hội đến nay đã gần 20 triệu đồng”.
Quỹ tương trợ hình thành do trong khu phố có chị Y. vay tiền với lãi suất cao bên ngoài để buôn bán, nhưng không may thua lỗ.
|
Các cán bộ Hội LHPN ở Q.11 đi xé bỏ tờ rơi cho vay dán trên tường, cột điện |
Khi đó, chị Y. vay mượn thêm ngoài “xã hội” để đắp đổi qua ngày, mong buôn bán khấm khá, sẽ trả cả vốn lẫn lời. Nào ngờ, chỉ trong vòng hơn ba tháng, số tiền ban đầu chị vay cộng với số tiền vay những lần sau đó và tiền “lãi mẹ đẻ lãi con” khiến tổng nợ lên đến 100 triệu đồng. Gia đình chị phải bán nhà để trả nợ và chuyển đi nơi khác. Thấy vậy, chi hội phụ nữ ở khu phố 2 quyết định xây dựng quỹ tiết kiệm không lãi để giúp chị em trong những lúc ngặt nghèo, ốm đau.
Để xây dựng nguồn quỹ, đầu năm, chi hội phụ nữ mua heo đất rồi vận động hội viên, người dân “bỏ ống heo” theo tinh thần tự nguyện. Số tiền chi hội được khen thưởng từ các phong trào, hoạt động cũng được đóng góp vào nguồn quỹ tương trợ. Qua hai năm thực hiện, nguồn vốn tương trợ tại khu phố 2 đã được 20 triệu đồng. Số tiền trên không lớn, nhưng có thể giúp được những người cần trong lúc khó khăn. Bà Thủy cho biết: “Từ khi có nguồn vốn, chị em trong khu phố gặp khó khăn là đến đây vay chứ không đi vay mượn của tín dụng “đen”. Có người vay 1 triệu đồng đóng tiền học cho con, cũng có người vay 5 triệu đồng để chữa bệnh”.
Đến giờ, chị T. - ở P.9, Q.11 - từng bỏ chồng, con để chạy trốn nợ vẫn còn ám ảnh về lần vay tín dụng “đen”. Gia đình khó khăn, chồng chạy xe ôm, chị T. buôn bán nhỏ. Vợ chồng chị có hai người con đang tuổi ăn học. Cuộc sống khó khăn, buôn bán lại bị hụt vốn, thấy mẩu quảng cáo cho vay tiền dán trên tường, chị gọi điện mượn thử. Ai ngờ, chỉ trong một thời gian ngắn, chị T. đã mất khả năng trả nợ, phải bỏ nhà đi trốn.
Ngay khi biết tin, Hội LHPN P.9 đã đến thăm hỏi và giới thiệu cho gia đình chị T. vay 30 triệu đồng, đồng thời hỗ trợ học bổng cho các con của chị. Hay tin, chị T. đã quay về nhà, nay đã ổn định cuộc sống.
Bà Huỳnh Thị Thanh Trúc - Chủ tịch Hội LHPN P.9 - thông tin: “Các chi hội phụ nữ của phường đều có nguồn vốn tiết kiệm, nguồn vốn tương trợ giống. Từ nguồn vốn này, các chị cho nhau mượn xoay vòng không tính lãi, trả góp theo điều kiện thu nhập cho đến khi hết khoản vay. Nhờ vậy, nhiều chị em không rơi vào vòng xoáy của tín dụng “đen”. Hội LHPN phường cũng thường xuyên giới thiệu chị em vay các nguồn vốn lãi suất thấp, tặng phương tiện làm ăn, học bổng, phiếu tầm soát ung thư cổ tử cung, giúp các chị ổn định cuộc sống”.
Những ngày đầu năm 2021, chị V. (P.3, Q.11) hay lo âu, buồn rầu vì khoản nợ 10 triệu đồng nhưng trả cả năm trời chưa hết, lãi mẹ đẻ lãi con. Biết tin, Hội LHPN P.3 đã giới thiệu chị V. vay tiền để trả hết nợ và hỗ trợ chị chiếc xe bán nước giải khát tại nhà. Hiện tại, chị V. đã ổn định cuộc sống.
Bà Phạm Huỳnh Trang - Chủ tịch Hội LHPN P.3 - cho biết: “Trong hai năm qua, Hội đã giúp cho hai chị thoát khỏi vòng xoáy tín dụng “đen”. Cả hai chị hiện nay đã có cuộc sống ổn định. Khi vướng vào tín dụng “đen”, chị V. bị khủng bố tinh thần, một trường hợp khác bị tạt sơn, đe dọa. Khi nghe tin, cán bộ chi hội phụ nữ đã tìm đến giúp đỡ”.
Cùng với việc hỗ trợ vốn, hằng tuần, các hội viên của Hội LHPN P.3 cũng tổ chức hoạt động “thấy là xé” nhằm xóa bỏ các bảng quảng cáo, tờ rơi cho vay tiền dán trên tường, cột điện, không để tín dụng “đen” hoành hành.
Thiên Ân - Sơn Vinh