Những khu nhà trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em

13/10/2023 - 06:31

PNO - Thí điểm từ tháng 12/2021, đến nay Hội LHPN quận Bình Tân (TPHCM) bắt đầu nhân rộng mô hình “Nhà trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Toàn quận đã có 4 khu nhà trọ triển khai mô hình với quy mô mỗi khu từ 50 phòng trở lên.

Bà chủ trọ "khó tính"

Gia đình chị Trần Thị Thủy vào ở khu nhà trọ của bà Đặng Thị Xuân (số 12, đường 20, khu phố 8, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) cách đây 3 năm. Chị kể, ngày tới coi phòng, 2 vợ chồng đã bất ngờ vì câu đầu tiên bà chủ đề cập không phải là quê quán, nghề nghiệp hay báo giá phòng, điện nước mà là: “Bây có con chưa, nếu có phải cho các cháu đi học mới được ở đây nha”.

Biết anh chị làm nghề may gia công quần áo, có 2 con nhỏ trong độ tuổi tiểu học, bà Xuân dặn nếu làm ăn khó khăn, thiếu hụt, không mua được tập, sách, quần áo, đóng học phí cho con thì cứ báo, bà sẽ hỗ trợ. 

Chị Tô Huỳnh Hồng Vân (phải) nỗ lực tạo việc làm thêm cho chị em sống trong khu trọ
Chị Tô Huỳnh Hồng Vân (phải) nỗ lực tạo việc làm thêm cho chị em sống trong khu trọ

Cũng vậy, vợ chồng chị Nguyễn Thị Xuân Nữ đến thuê phòng 2 năm trước. Vì vợ chồng họ đều là giáo viên nên bà Xuân an tâm chuyện học hành của con họ. Thay vào đó, bà nhắc, như đã nhắc các cặp vợ chồng sống tại đây, rằng cả khu trọ phòng nào cũng có trẻ nhỏ, mình phải ăn ở sao cho bọn trẻ nhìn vô thấy được cái hay, cái tốt mà học theo.

Chị Nữ chia sẻ: “Mới gặp lần đầu, tôi nghĩ cô chủ khó tính quá. Khu trọ có đủ thứ quy định, nào là không bày bừa, nhậu nhẹt trong phòng, không hát karaoke ồn ào. Tiếp đến là phải hết sức cẩn thận khi nấu nướng bằng bếp gas, bếp điện; vợ chồng có mâu thuẫn lời qua tiếng lại thì ra nhà cô nói chứ tuyệt đối không chửi nhau trước mặt trẻ em. Theo thời gian, tôi cảm nhận khu trọ như một gia đình lớn và cô Xuân là người mẹ, người bà đáng kính. Bọn trẻ hễ thấy cô là vòng tay thưa, có đứa gọi bà ngoại, có đứa kêu bà Tư. Sau 2 lần đột quỵ, sức khỏe của cô Xuân đã yếu nhiều, vậy mà tuần nào cô cũng đi một lượt hỏi chuyện học hành của bọn trẻ, cô còn thường xuyên nấu đồ ăn cho các cháu. Chị nào sinh em bé mà chồng xa nhà thì cô đưa đi bệnh viện, nấu đồ ăn, mua tã sữa…”. 

Chồng mất sớm, một mình bà Xuân bươn chải nuôi 3 đứa con, giờ cả ba đều có công việc ổn định. Con gái lớn phụ mẹ quản lý khu trọ. Cả khu có 52 phòng với 180 người trú ngụ, hầu hết đều là gia đình trẻ, trong đó 25 hộ nhận gia công quần áo, giày dép tại nhà, còn lại là công nhân, phụ hồ, chạy xe công nghệ.

Không chỉ quan tâm, chăm lo về tập, sách, học bổng cho các cháu nhỏ, bà Xuân còn tới lui coi ngó chuyện làm ăn, hỗ trợ chi phí mua máy may, kết nối nguồn hàng để người ở trọ có việc làm thường xuyên. Lễ, tết phòng nào cũng có quà. Bà Xuân còn dành riêng 200m2 làm điểm sinh hoạt chung cho cả khu.

Tại đây, từng nhóm người lao động đã được cán bộ, chiến sĩ công an phường, quận xuống hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm và sơ cứu cho nạn nhân khi xảy ra hỏa hoạn; phổ biến về các chiêu thức của bọn lừa đảo qua mạng, tín dụng “đen”, để mọi người nâng cao cảnh giác. 

Ngày 6/8/2023, Hội LHPN quận Bình Tân chính thức triển khai mô hình “Nhà trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại khu trọ của bà Xuân, tặng thêm bình chữa cháy, thành lập tổ hỗ trợ học tập, lớp võ tự vệ và mở góc đọc với hàng ngàn đầu sách, truyện tranh thiếu nhi. Bà Xuân phấn khởi: “Nghe hội thông tin về mô hình là tôi ưng liền. Có nhiều cái hay và cần thiết lắm”.

Bà chủ trọ Đặng Thị Xuân luôn quan tâm đến việc học tập của các em nhỏ sống trong khu trọ
Bà chủ trọ Đặng Thị Xuân luôn quan tâm đến việc học tập của các em nhỏ sống trong khu trọ

Không gian sống bình yên

Mới sáng đầu tuần đã mưa rào, chị Tô Huỳnh Hồng Vân bỏ dở rổ nắp chai, chạy ra kéo xe cơm khô vào. Rồi chị đi nhanh một vòng để cất quần áo cho từng phòng. Khu trọ của gia đình chị Vân nằm trên đường Lê Đình Dương, khu phố 1, phường An Lạc, quận Bình Tân, có 100 phòng.

Thấy mọi người vứt cơm thừa vào sọt rác, chị Vân tiếc nên đã mót ra đem đi phơi bán lấy tiền hỗ trợ những khi có người đau ốm. Lâu dần, không cần nhắc, cả khu trọ đều có thói quen phân loại rác, nhà ai có cơm thừa thì đổ lên xe phơi của chị Vân. Vợ chồng chị mở tiệm tạp hóa ngay đầu khu trọ, vừa bán hàng, vừa nhận gia công ống hút, nắp chai. Những chị em thất nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo, chị chia việc để có đồng ra đồng vô. 

Chị Lê Hồng Cúc (quê Quảng Ngãi) phải chạy thận 3 ngày mỗi tuần, tâm sự: “Trước đây tôi làm công nhân, sau này phát bệnh, sức khỏe rất yếu. Tôi sống cùng gia đình chị gái, chị ấy cũng đang chạy thận, mọi chi tiêu đều trông chờ đồng lương thợ máy của anh rể. May có chị Vân thương, chẳng những du di chuyện tiền trọ, thường hỗ trợ gạo ăn mà còn rủ gia công nắp chai, được đồng nào mừng đồng đó. Chị Vân và bác Nớp - ba chị - kỹ tính lắm, cứ 22g là đi một vòng nhắc từng phòng kiểm tra ổ cắm, bếp điện, bếp gas trước khi đi ngủ. 4g sáng, bác Nớp đã dậy quét dọn. Trước kia bác làm một mình. Bây giờ thì mọi người trong khu phụ quét với bác”. 

Hội LHPN quận Bình Tân lắp đặt dụng cụ tập thể dục ngoài trời cho một khu “Nhà trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em”
Hội LHPN quận Bình Tân lắp đặt dụng cụ tập thể dục ngoài trời cho một khu “Nhà trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em”

Muốn gắn kết anh chị em ở trọ và tạo điều kiện cho họ cùng con em vui chơi, giải trí lành mạnh, chị Vân trang bị ti vi, bàn ghế và dành cả một khu đất để mọi người trồng rau xanh. “Ba tôi xây khu trọ vào năm 2000, hồi đó chỉ được 20 phòng, mọi thứ còn sơ sịa. Về sau, ba xây thêm phòng và nâng cấp điện, nước, nhà vệ sinh, lối đi giữa các dãy rộng rãi, có trang bị bình chữa cháy và camera giám sát” - chị Vân cho biết.

Là địa điểm thứ tư được Hội LHPN quận Bình Tân chọn triển khai mô hình “Nhà trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, khu nhà trọ của chị Vân cũng đã được trang bị thêm bình chữa cháy, kệ sách, thành lập tổ hỗ trợ học tập cho trẻ em… Chị Vân nói, mong sắp tới hội sẽ mở các buổi tư vấn pháp luật, diễn tiểu phẩm về phòng, chống bạo lực gia đình, tổ chức phiên tòa giả định ngay tại khu trọ cho anh chị em cùng tham dự, học hỏi. 

Thế nào là nhà trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em?

Hội LHPN quận Bình Tân thí điểm “Nhà trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại khu nhà trọ 125 phòng của cô Nguyễn Thị Huệ, ở phường Tân Tạo vào tháng 12/2021.

Có 7 tiêu chí cho mô hình, gồm: không để xảy ra cháy, nổ; phụ nữ không bị bạo lực; trẻ em không bị bạo hành, xâm hại; không trộm cắp; không gây rối an ninh trật tự; được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết (võ tự vệ, phòng cháy chữa cháy, phòng, chống mua bán người, kỹ năng sơ cấp cứu…); nhà trọ xanh - sạch - văn minh - nghĩa tình.

Tùy theo điều kiện về không gian và đối tượng thuê mà hội có cách hỗ trợ khác nhau, chẳng hạn lắp thiết bị tập thể dục ngoài trời, cải tạo đất trồng rau, mở lớp võ tự vệ, lớp tiếng Anh. Riêng việc hỗ trợ học tập cho trẻ em, góc đọc sách và bình chữa cháy thì khu nào cũng có. 

Từ 4 khu nhà trọ vừa triển khai, Quận hội đã chỉ đạo hội LHPN 10 phường chủ động khảo sát nhân rộng mô hình tại địa bàn phường mình. Không chỉ những khu trọ có an ninh tốt mà những nơi chưa tốt hội càng phải vận động, tiếp sức chủ trọ đầu tư, cải tạo cho tốt hơn, an toàn hơn.

Ngoài ra, kể từ năm 2024, hội sẽ tập trung gầy dựng mảng xanh tại các khu “Nhà trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em”. 


Mẫn Nhi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI