TP.HCM có 5 khu đô thị lớn là Thủ Thiêm (Q.2), Nam Sài Gòn (Q.7, Q.8 và H.Bình Chánh), Tây Bắc (H.Củ Chi, H.Hóc Môn), Bình Quới - Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), cảng Hiệp Phước (H.Nhà Bè) đã được quy hoạch cách đây từ 10 đến hơn 20 năm. Đến nay, mới chỉ có khu đô thị Nam Sài Gòn tương đối ổn định, khu đô thị Thủ Thiêm đã cơ bản hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng, các khu còn lại vẫn còn dở dang, hoang hóa.
|
Một khu đất bị bỏ hoang vì không được cấp phép xây dựng ở xã Long Thới, H.Nhà Bè |
Hàng chục ngàn dân bị ảnh hưởng
Trong các khu đô thị (KĐT) nói trên, Bình Quới - Thanh Đa có lẽ là dự án KĐT có số phận “lận đận” nhất và cũng là KĐT có thâm niên “treo” lâu nhất: 26 năm.
Dự án KĐT Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 1992. Hơn 3.100 hộ dân với khoảng 13.000 nhân khẩu chờ đợi mỏi mòn; nhà cửa xuống cấp, đường sá không được đầu tư. Năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án KĐT Thanh Đa - Bình Quới, người dân chưa kịp kỳ vọng đổi đời thì phía đối tác nước ngoài của liên danh trên rút lui, dự án lại quay trở về vạch xuất phát. Đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM vẫn đang làm các thủ tục để tìm nhà đầu tư mới cho “siêu dự án” này.
Xếp thứ nhì trong việc chậm triển khai là KĐT cảng Hiệp Phước, H.Nhà Bè. Từ khi quy hoạch được công bố vào năm 2004, người dân đã bị hạn chế nhiều quyền lợi về nhà, đất, đến năm 2007, UBND TP.HCM có thông báo yêu cầu “trong thời gian chờ phê duyệt và công bố quy hoạch, UBND TP.HCM chủ trương tạm dừng việc chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không giao đất cho các dự án khác tại KĐT cảng Hiệp Phước”.
Vì “lệnh cấm” trên, hơn 10 năm qua, hàng ngàn hộ dân không được chuyển mục đích sử dụng đất. Năm 2009, UBND H.Nhà Bè giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất cho những trường hợp thuộc diện khó khăn về nhà ở và diện cha mẹ cho con, nhưng từ năm 2012, khi quy hoạch 1/5.000 của KĐT này được phê duyệt, không còn trường hợp nào được giải quyết nữa.
Theo UBND H.Nhà Bè, KĐT cảng Hiệp Phước có quy mô 3.600ha, gồm quy hoạch KĐT và khu cảng Hiệp Phước. Hiện nay, chủ đầu tư đã đầu tư và khai thác khu cảng Hiệp Phước giai đoạn 1, 2 và bồi thường, giải phóng mặt bằng giai đoạn 3, riêng KĐT Hiệp Phước thì vẫn chưa triển khai gì.
Tương tự, gần 10 năm nay, gần 12.000 hộ dân thuộc 5 xã, thị trấn của H.Củ Chi và xã Tân Thới Nhì của H.Hóc Môn cũng gặp vô vàn khó khăn, bất tiện khi nhà, đất bị dính quy hoạch KĐT Tây Bắc.
Chờ chọn nhà đầu tư, điều chỉnh quy hoạch
Về siêu dự án KĐT Bình Quới - Thanh Đa, mới đây nhất, tháng 8/2018, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã họp với các sở, ngành, UBND Q.Bình Thạnh và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, giao UBND Q.Bình Thạnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM về các giải pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng của quy hoạch dự án đến quyền lợi hợp pháp của người dân, giao Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất việc cấp phép sửa chữa tạm cho các hộ dân.
|
Vợ chồng ông Ba Hoàng đang cày xới đất để làm hoa màu trên khu đất ở phường 28, quận Bình Thạnh - Ảnh: Minh Thanh |
Trong khi đó, hai KĐT cảng Hiệp Phước và Tây Bắc hiện vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh quy hoạch. Cụ thể, theo UBND H.Nhà Bè, KĐT Hiệp Phước có quy mô khoảng 1.354ha, đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chung 1/5000. Hiện nay, chủ đầu tư là Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) đang lập quy hoạch 1/2.000 để làm cơ sở triển khai dự án. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và phù hợp với tình hình thực tế, UBND H.Nhà Bè đã kiến nghị UBND TP.HCM cho phép điều chỉnh khoảng 83ha trong KĐT Hiệp Phước thành đất dân cư hiện hữu.
Trước khi có quy hoạch KĐT cảng Hiệp Phước, 200ha đất dọc theo các trục đường chính của xã Hiệp Phước được quy hoạch là khu dân cư hiện hữu; từ khi quy hoạch trùm lên, việc xây dựng nhà ở tại những khu vực này gần như bị đóng băng. Lúc đó, UBND H.Nhà Bè đã kiến nghị điều chỉnh 200ha đất này thành khu dân cư hiện hữu để chỉnh trang đô thị và đảm bảo quyền lợi cho dân, nhưng Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho rằng, nếu điều chỉnh sẽ phá sản toàn bộ quy hoạch KĐT cảng Hiệp Phước, nên chỉ xem xét điều chỉnh 83ha thành đất dân cư hiện hữu.
Việc điều chỉnh này sẽ giải quyết được quyền lợi về nhà, đất cho khoảng 8.000 hộ dân, chiếm một nửa số dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch trong khu vực này. Mới đây, UBND TP.HCM đã chỉ đạo chủ đầu tư xác định tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng và có phương án bố trí tái định cư khi thu hồi đất.
Liên quan đến KĐT Tây Bắc, vào tháng 6/2016, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh quy hoạch KĐT Tây Bắc theo hướng giữ lại các khu vực dân cư tập trung hiện hữu với diện tích hơn 1.674ha để cải tạo, chỉnh trang và công khai cho dân chậm nhất vào tháng 7/2016, đồng thời hoàn tất thủ tục hồ sơ điều chỉnh quy hoạch KĐT Tây Bắc vào tháng 12/2016. Tuy nhiên, đến nay, yêu cầu trên vẫn chưa thực hiện xong.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Hồ Văn Dũng Anh - Phó trưởng Ban Quản lý KĐT Tây Bắc - cho biết, UBND TP.HCM đã yêu cầu hoàn thành việc điều chỉnh ranh quy hoạch trong năm 2016. Muốn kịp tiến độ này, phải chỉ định thầu để chọn đơn vị tư vấn thực hiện điều chỉnh quy hoạch nhưng theo quy định hiện hành, phải đấu thầu. Do vậy, đến nay, mới chọn được đơn vị tư vấn. Hiện Ban Quản lý KĐT Tây Bắc cũng phối hợp với UBND H.Củ Chi lấy ý kiến người dân 5 xã, thị trấn của H.Củ Chi về việc điều chỉnh quy hoạch.
Ông Dũng Anh cho hay, khoảng quý I/2019, việc điều chỉnh quy hoạch mới hoàn thành. Như vậy, cả KĐT Tây Bắc và KĐT cảng Hiệp Phước đều phải chờ đến khi hoàn chỉnh pháp lý mới có cơ sở để mời gọi đầu tư. Điều này cũng có nghĩa, rất khó trả lời câu hỏi “khi nào sẽ thực hiện quy hoạch ở hai KĐT này”.
Bạch Dương