Một ngư dân từng làm ăn khấm khá, trước khi đóng tàu vỏ thép để vươn khơi bám biển là ông Võ Văn Hân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn). Tàu vỏ thép Biển Đông 1, mang số hiệu QNg 90999TS của ông Hân là tàu cá vỏ thép đầu tiên ở Quảng Ngãi, được ngân hàng hỗ trợ cho vay đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, hạ thủy vào đầu năm 2016. Thời điểm đó, lễ nhận tàu được tổ chức rất trang trọng.
Tổng trị giá đầu tư tàu gần 14 tỉ đồng nhưng trong đó, ngư dân Hân đã vay ngân hàng hơn 13,2 tỉ đồng. Tàu có chiều dài lên đến 27m, rộng 7,1m, chiều cao mạn 3,3m, công suất 810CV, được trang bị đầy đủ ngư cụ và thiết bị đánh bắt hiện đại; 3 hầm chứa hải sản tối đa trên 40 tấn, nơi để ngư cụ, lương thực phẩm... đủ cho 20 thuyền viên hoạt động liên tục khoảng 30 ngày trên biển.
Ông Hân thừa nhận, bản thân ông chưa lường trước hết được những khó khăn sau khi nhận tàu. Ông phải bỏ thêm rất nhiều tiền cá nhân để đầu tư thêm nên gia đình cạn vốn.
|
Chiếc tàu vỏ thép của ngư dân Võ Văn Hân neo bờ, bị đưa ra đấu giá nhưng chưa ai đăng ký mua |
Hồi năm 2018, tàu cá của ông đang hoạt động ở vùng biển biên giới biển Việt Nam - Trung Quốc, bị mất hết ngư cụ. Trị giá số ngư cụ lên đến 3,6 tỷ đồng nên ông không thể sắm lại để tiếp tục đi biển vì số tiền quá lớn. Từ đó tàu neo bờ, gia đình còn phải thuê người để trông coi.
Từ một gia đình khá giả trong xã Bình Châu, nhà cửa khang trang thời điểm đó, hiện tại, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn vì nợ nần chồng chất. Do tuổi cao, ông Hân chỉ có thể theo tàu bạn kiếm cơm qua ngày, ai kêu thì đi làm.
Mới đây, tàu vỏ thép của ông Hân bị Chi cục thi hành án dân sự huyện Bình Sơn đưa ra bán đấu giá. Tuy nhiên đã hết thời hạn mà không có người đăng ký.
Trong tình cảnh bi đát hơn, ông Phạm Tri Thức (67 tuổi) ở thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ, (TP. Quảng Ngãi), là ngư dân có tiếng với kinh nghiệm nhiều năm đi biển. Ông từng là ngư dân của miền Trung đoạt cúp vàng Thủy sản Việt Nam năm 2012, cùng nhiều giải thưởng khác. Thời sung sức, trong giai đoạn đi biển từ năm 1999 đến 2016, trừ tất cả chi phí, đội tàu gỗ 3 chiếc, trung bình mỗi năm thu lợi về hơn nửa tỷ đồng. Bạn tàu có người gắn bó với ông Thức hơn chục năm trời, thu nhập rất ổn định.
|
Ngư dân Phạm Tri Thức không khỏi chua xót trước nguy cơ bị mất nhà |
Được động viên, khích lệ đóng tàu vỏ thép để phát triển kinh tế, gia đình ông Thức mạnh dạn cải hoán tàu gỗ cũ, vay vốn gần 15,8 tỷ đồng của ngân hàng BIDV Quảng Ngãi đóng tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 của Chính phủ. Sau khi nhận bàn giao, tàu cá vỏ thép QNg91999-TS đã đưa vào hoạt động từ năm 2017.
Ngay năm đầu tiên, tàu cá của ông Thức hành nghề đánh bắt trên vùng biển xa gặp khó khăn. Thuyền viên trên tàu chưa quen hành nghề trên tàu vỏ thép nên hiệu quả khai thác hải sản không cao. Năm 2018, khi tàu hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa, thường xuyên đối mặt với tàu nước ngoài, bị rượt đuổi, va chạm, đập phá tài sản. Thêm vào đó, thời tiết không thuận lợi, biển động nhiều ngày, sóng lớn, tàu phải nằm bờ kéo dài. Nhiều thuyền viên chưa được đào tạo, không quen với hành nghề tàu vỏ thép và lao động trên tàu phải trả tiền cao gấp nhiều lần so với tàu gỗ, trong khi đó hiệu quả đánh bắt hải sản thấp đã dẫn đến chủ tàu thua lỗ nặng và trả nợ cho ngân hàng chậm trễ.
Chưa dừng lại ở đó, cuối năm, tàu bị lốc xoáy bất ngờ, sóng lớn, dòng chảy chuyển động mạnh đã làm hư hỏng nhiều thiết bị và cuốn trôi mất 158 tấm lưới, gây thiệt hại cho chủ tàu hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, tàu cá của ông Thức không được đền bù thiệt hại. Năm 2019 tàu bị neo bờ, mục đích ban đầu của vợ chồng ông Thức vươn lên làm giàu đã khó lại càng khó hơn.
Gia đình ông Thức đã gửi đơn xin cứu xét và kiến nghị đến rất nhiều cơ quan ban ngành nhưng vẫn không thể thoát được cảnh nợ nần. Năm 2021, tàu vỏ thép QNg91999-TS trị giá hơn16 tỷ đồng đã được ngân hàng bán đấu giá với số tiền gần 2 tỷ đồng vì chủ tàu không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng theo hợp đồng.
|
Một chiếc tàu vỏ thép của ngư dân Võ Văn Tình (ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn) vay vốn 14 tỷ đồng neo bờ vì thua lỗ |
Ông Thức chạy tàu ba ngày, ba đêm vào tận Gò Công (Tiền Giang) giao cho chủ mới, chỉ nhận lại hơn năm triệu đồng tiền mà đứt ruột - như chia tay lần cuối với khối tài sản khổng lồ của mình trong những ngày khó khăn nhất.
Mới đây, gia đình ông nhận được thông báo cưỡng chế của Chi cục thi hành án dân sự TP. Quảng Ngãi, sẽ kê biên ngôi nhà hơn 120m2 đang ở. Theo Nghị định 67, con tàu là tài sản thế chấp, nhưng Nghị định này không cấm việc ngư dân và ngân hàng thỏa thuận có tài sản đảm bảo khác. Để vay vốn ngân hàng, ông Thức đã cầm cố sổ đỏ ngôi nhà đang ở. Khi mất khả năng chi trả, gia đình ông đứng trước nguy cơ bị "siết nhà".
Ông Thức từng là bộ đội, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, từng một thời ngang dọc trên biển. Từ ngày nhận được thông báo cưỡng chế thi hành án, có nguy cơ mất nhà, ông Thức trở nên kín tiếng, không trò chuyện với bên ngoài. Thấy tình cảnh người cha từ một ngư dân lừng lẫy, trở thành nợ nần chồng chất, người con trai duy nhất (25 tuổi) của ông, trước đây từng đi biển đã bỏ nghề.
Theo thống kê của ngân hàng BIDV Chi nhánh Quảng Ngãi, ngân hàng này cho vay để đóng 6 tàu theo Nghị định 67, trong đó có 5 tàu vỏ thép với số tiền hơn 75 tỷ đồng nhưng chỉ thu nợ được hơn 16,3 tỷ đồng nợ gốc và hơn 433 triệu đồng tiền lãi. Còn lại, hầu hết ngư dân không có khả năng trả lãi.
Không muốn mất sổ đỏ vì tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 làm ăn thua lỗ, vợ chồng ngư dân Võ Văn Tình (ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn) đã bàn bạc với chị gái để lên ngân hàng chuộc sổ đỏ về. Trước đó, chủ tàu Võ Văn Tình cũng cầm cố sổ đỏ để vay vốn đóng tàu vỏ thép vào năm 2016. Đến năm 2019 gia đình ông không trả được nợ vì thua lỗ. Hiện con tàu đang được neo đậu tại cầu Trà Bồng, (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn), chờ thanh lý.
|
Vợ ngư dân Võ Văn Tình, kể câu chuyện làm ăn thua lỗ khi đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 trong khi chồng đang đi biển |
Một lãnh đạo Chi cục bảo vệ nguồn lợi Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi nhận định: Nguồn lợi thủy sản từ lúc đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 đến nay giảm đi rõ rệt, năng suất đánh bắt không riêng gì tàu vỏ thép mà tàu của những ngư dân khác cũng giảm.
Gần đây, giá dầu tăng cao cũng ảnh hưởng đến hiệu quả làm ăn của người dân, thêm vào đó, vay vốn thương mại đóng tàu theo Nghị định 67, số tiền vay quá lớn khiến ngư dân khó có khả năng trả lãi. Nhà nước hỗ trợ bù lãi suất, nhưng yêu cầu trả lãi suất đúng kỳ hạn dù ngư dân chỉ trả lãi suất 1%/năm. Một số tàu vỏ thép lâm vào cảnh nợ nần, trả lãi không đúng kỳ hạn thì không được tiếp tục bù lãi.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 62 tàu vay vốn theo Nghị định 67, trong đó có 11 tàu thép; 80% hoạt động không hiệu quả do nhiều nguyên nhân.
Thanh Vạn