Lần này, chị chẳng thiết tha yêu cầu chồng “có gì thì nói ra cho rõ ràng mà giải quyết”. Bởi thực sự, hình như mọi chuyện đang được giải tỏa, dù trong lặng im.
Vợ chồng giận nhau gần ba tuần, chẳng nói với nhau lời nào nhưng chị thấy dễ chịu. Mọi việc trong nhà đều diễn ra bình thường, đúng trình tự, chỉ khác là tất cả đều âm thầm lặng lẽ, không còn những tiếng càm ràm hằn học. Ai làm việc nấy, cứ như đang thu gọn vào thế giới riêng với những suy tư.
Bạn bè gia đình đều nhận xét chị là người hay nói. Điều này cũng dễ hiểu, chị là giáo viên dạy văn, cái nghề đã vận vào thân, mới sinh ra thế. Nhưng bản thân chị lại không nhận ra cái “tật” ấy của mình, cứ nói ra rả suốt ngày từ trường về nhà. Có lần chị than thở với đồng nghiệp chuyện học sinh không chịu nghe lời dù ngày nào cũng nhắc nhở, chị ấy bảo: “Nhiều chuyện không nói có khi hay hơn, nói nhiều đâm ra nhàm, tụi nó không nghe đâu”. Tuần đó lên lớp, chị thử làm mặt lạnh và kiệm lời, học sinh có vẻ nể sợ và ít vi phạm hơn.
Nghĩ đến lời khuyên đó nên lần này vợ chồng giận nhau chị kiên quyết không mở lời. Chứ hồi trước, mỗi lần cãi nhau, chị lại lấy chuyện tận đâu đâu ra để nói, yêu cầu anh giải thích này nọ nhưng cuối cùng vẫn ấm ức trong lòng. Bởi đáp lại chị, anh chỉ trả lời nhát gừng. Mà mỗi lần vợ chồng gây sự đều do chị châm ngòi trước, thấy điều gì không hài lòng thì cứ nói toạc móng heo, giảng giải, định hướng, cứ thế chuyện nọ xọ chuyện kia.
Lần này cũng vậy, chị để dành một quả mướp làm giống ngoài vườn. Sáng sớm, anh nổi hứng tưới cây rồi cắt luôn quả mướp to vào khoe với chị: “Em thấy anh tinh mắt không, quả mướp núp kỹ thế mà cũng tìm ra”. Chị nổi trận lôi đình, trách anh vô ý. Chị lấy luôn chuyện hôm qua anh lau nhà không sạch, tuần trước quên đón con, áo quần vứt bừa bãi sau bữa nhậu đêm để chứng minh cho sự “vô ý” cố hữu của anh.
Bình thường, trước đây, chị sẽ nhắc chuyện này liên tục, bất kể giờ giấc, làm anh điên đầu mới chịu. Nhưng đợt này, chị chỉ nổi nóng lúc đó thôi chứ không càm ràm dây dưa. Khoảng ba hôm sau, chị thấy một gói mướp giống được đặt cẩn thận trên bếp. Anh đi làm về sớm hơn. Chị cũng cảm nhận anh cẩn thận hơn khi lau nhà, tự giác đón con mà không cần chị nhắc nhở. Tự dưng, chị thấy thoải mái trong lòng, không còn tức tối nữa.
***
Ngày trước, anh mê chị nhất ở cái khoản ăn nói đâu ra đấy bởi anh vốn rất kiệm lời. Nhưng từ ngày cưới nhau về, anh lại “ngán” nhất khoản ấy. Chỉ cần anh sơ suất một chút thôi là bị chị nhắc nhở, phê bình như một đứa học sinh. Một chuyện nhỏ mà chị cứ nói lui nói tới không biết mệt. Hồi đầu, anh còn giải thích này nọ nhưng dần dần, anh cứ im re cho xong chuyện. Nhưng càng im chị càng nói nhiều hơn, anh tức tối đá thúng đụng nia nên cuộc sống lúc nào cũng ngột ngạt. Về nhà là anh phải đề cao cảnh giác, nhìn trước ngó sau cẩn thận chứ lơ là đổ vỡ cái gì thì đi ngủ cũng không yên.
Anh bực chị lắm, anh lớn rồi chứ có phải trẻ con đâu mà lúc nào cũng chỉ bảo. Có những chuyện anh biết mình sai, nhưng nguyên nhân đến từ nhiều phía, có phải ai cũng hoàn hảo mọi lúc mọi nơi được. Biết chẳng thể đáp trả vợ bằng lời nói vì anh mới nói một chị đã nói đến mười nên anh cứ “trơ” ra cho chị tức chơi!
|
Lần này vợ anh khác lắm, giận mà vợ chẳng nói gì khiến anh rất lo lắng. Ảnh minh họa |
Lần này, vợ chồng giận nhau, anh thấy chị khác, chẳng thấy “mồm năm miệng mười” như trước. Anh vừa lạ vừa sợ, tìm cách sửa sai. Không cần chị nhắc, anh vẫn cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình. Tự mình thay đổi thế, anh cảm thấy dễ chịu hơn, chẳng còn áp lực vì phải gồng mình lên “chống” lại vợ. Chị càng im lặng, anh càng suy nghĩ nhiều, ngẫm lại nhiều chuyện, chứ hồi trước, hễ chị nói là anh gạt ra khỏi đầu cho nhẹ nợ.
***
Nhìn lại cuộc hôn nhân của mình, chị nhận ra, hình như mình quên mất phải giữ một “khoảng lặng” cần thiết giữa vợ chồng. Có những điều không cần nói ra mà đối phương tự hiểu sẽ tốt hơn. Từ trước tới giờ, chị vẫn quan niệm, vợ chồng cứ phải thẳng thắn, chia sẻ tất cả mọi chuyện mới tránh mâu thuẫn. Nó giống như một bài văn lúc nào ý tứ cũng phải rõ ràng, diễn đạt mạch lạc, khúc chiết. Bởi vậy, chuyện gì chị cũng sẵn sàng nói lên quan điểm riêng của mình chứ không giấu giếm. Anh làm chưa đúng thì chị phải sửa bằng cách nhắc nhở cho “mưa dầm thấm lâu”. Bây giờ nghĩ lại, chị thấy trong hôn nhân, đôi lúc một “khoảng lặng” tác dụng hơn vạn lời nói.
Hà Lam