|
Tàu đổ bộ InSight truyền về thứ âm thanh vo ve của sao hỏa khiến các nhà khoa học vừa tò mò, vừa bối rối - Ảnh: National Geographic |
Vũ trụ và khủng long
Chất lâu đời nhất được tìm thấy trên Trái Đất có niên đại cao hơn cả hệ mặt trời chúng ta đang sống. Trước khi mặt trời xuất hiện hàng tỷ năm, một ngôi sao “qua đời” đã tung tinh bụi ra không gian. Một phần nhỏ tinh bụi kẹt trong một thiên thạch Murchison va chạm với Trái Đất. Đây là vật liệu lâu đời nhất được tìm thấy trên hành tinh chúng ta. Bụi kết hợp với đá bên trong vốn đã thắp sáng bầu trời Australia vào tháng 9/1969 khi nó lao xuống. Một phân tích mới đã tìm thấy những hạt tinh bụi có tuổi từ 4,6-7 tỷ năm trong những phiến thiên thạch. Các nhà khoa học tin rằng những mảnh bụi này ẩn chứa những manh mối về lịch sử thiên hà chúng ta.
Sao Hỏa phát ra tiếng vo ve và các nhà khoa học không chắc vì sao! Tháng 11/2018, khi tàu đổ bộ InSight đáp xuống bề mặt lạnh giá, đầy bụi của hành tinh và truyền về các tín hiệu ban đầu. Trong số những điều làm cho các nhà khoa học khắp thế giới vô cùng tò mò lẫn bối rối là tiếng động phát ra từ Sao Hỏa. Nguồn gốc âm thanh vẫn chưa được giải thích. Chỉ biết rằng thứ “âm nhạc” được tạo ra của Sao Hỏa vang lên ở âm vực cao hơn hầu hết các tiếng động tự nhiên trên Trái Đất như tiếng gió gào hay tiếng sóng vỗ bờ.
|
Các mảnh hộp sọ của người Homo erectus phát hiện ở Nam Phi ban đầu được cho là của loài khỉ đầu chó cổ đại. Ảnh: National Geographic |
Bù lại chuyện Hỏa tinh, bí ẩn về “hành vi” kỳ lạ của ngôi sao Betelgeuse cuối cùng cũng được giải đáp vào năm nay. Vốn là một trong số những ngôi sao sáng nhất bầu trời, nhưng hồi tháng 12/2019, ánh sáng lấp lánh của nó bỗng mờ đi một cách lạ lùng. Sự kiện khiến các nhà khoa học kinh ngạc tuyên đoán Betelgeuse đã ở cuối tuổi đời và có thể phát nổ. Tuy nhiên, vừa qua, Cơ quan Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ NASA đã công bố lý do còn lạ lùng hơn cả việc ngôi sao đột nhiên bị mờ: “Nó bị ợ hơi”!? Các quan sát từ viễn vọng kính Hubble cho thấy Betelgeuse có khả năng phóng ra một tia plasma siêu nhanh và nguội đi khi lao ra ngoài. Quá trình này hình thành đám mây che phủ ánh sáng của nó. Ngôi sao trở lại độ sáng bình thường vào mùa xuân tới.
Các nhà nghiên cứu đã xác định được phôi khủng long bạo chúa đầu tiên chưa bị vỡ khỏi vỏ. Khám phá này cùng lúc đến từ hai địa điểm khác nhau ở Canada. Phân tích các hài cốt có niên đại từ 71-75 triệu năm cho thấy khủng long bạo chúa khi mới sinh có kích thước nhỏ đến kinh ngạc, dài khoảng 91cm - tức chỉ bằng một phần mười so với những con trưởng thành.
Dù đã được vô tình phát hiện vào năm 2011 tại Alberta (Canada) nhưng tới năm 2020, hóa thạch 110 triệu năm của khủng long Armored đã gây phấn khích hơn khi một phân tích tiết lộ rằng bữa ăn cuối cùng của nó vẫn còn nguyên trong bụng. “Thảm thực vật” hóa thạch trong dạ dày loài sinh vật đầy gai này tiết lộ rằng một vài giờ trước khi chết, nó chủ yếu gặm nhấm một loại dương xỉ. Những cành cây gỗ ăn kèm với dương xỉ cho thấy cây nốt hương có khả năng chết trong mùa hè.
Và các nhà khoa học đã tạo ra bước tiến vượt bậc trong nghiên cứu DNA hóa thạch. Trong lúc tìm hiểu các hóa thạch hơn 70 triệu năm tuổi được bảo quản tốt, một nhóm nghiên cứu đã xác định được đường viền tế bào dưới dạng nhiễm sắc thể và một số hạt nhân có thể chứa DNA. Do chưa chiết xuất DNA từ các tế bào hóa thạch này, nên họ chưa thể xác nhận liệu DNA có bị thay đổi hay chưa. Tuy vậy, điều này mang đến một viễn tưởng ly kỳ từ những hóa thạch đang được bảo tồn.
Các khám phá thú vị khác
Ngày 25/6, Tổ chức Y tế thế giới WHO chính thức tuyên bố kết thúc dịch Ebola lớn thứ hai đã làm hơn 3.480 người nhiễm bệnh và gần 2.300 người thiệt mạng. Đợt dịch bắt đầu vào tháng 8/2018 tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Ebola là một dạng sốt xuất huyết lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch tiết cơ thể người hoặc động vật, với các triệu chứng chảy máu, sốt, đau dạ dày, suy nhược và phát ban. Việc ngăn chặn dịch bệnh là nhờ tìm ra vắc-xin. WHO đã khởi động chiến dịch tiêm chủng cho bất kỳ ai. “Chúng ta nên ăn mừng khoảnh khắc này nhưng không được tự mãn”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus viết trong thông cáo báo chí về sự kết thúc của đợt dịch.
Từ những tảng đá ở Nam Phi, những mảnh sọ ban đầu được cho là của một con khỉ đầu chó cổ đại. Nhưng khi Jesse Martin và Angeline Leece - hai sinh viên Đại học La Trobe (Úc) - ráp các mảnh ghép lại, họ nhận ra mình đang nắm giữ một hộp sọ đầu tiên của người Homo erectus. Với niên đại khoảng hai triệu năm, hộp sọ đánh dấu những gì sớm nhất còn sót lại của tổ tiên loài người. Khám phá này giúp các nhà nghiên cứu tiếp tục giải mã cây gia phả rối ren của nhân loại để tìm ra thời gian và địa điểm sinh ra của người họ hàng xa xưa của chúng ta.
Các đồ vật bằng đá thu được từ sâu bên trong hang Chiquihuite ở Mexico gợi ý rằng con người có thể đã đến châu Mỹ từ 30.000 năm trước. Ban đầu nhiều người cho rằng sự hiện diện đầu tiên của con người ở châu Mỹ vào khoảng 13.500 năm trước, khi các tảng băng tan rã và các tuyến đường từ châu Á mở ra. Các bằng chứng mới nhất đã đánh đổ lý thuyết này. Kết quả phân tích các đồ tạo tác bằng đá, gồm lưỡi kiếm, lao xen kẽ với những mẩu than, đã xác định niên đại khoảng 30.000 năm và cho thấy con người đã đến châu Mỹ trước khi các sông băng tan chảy.
Một nhóm các nhà khoa học Úc của Viện Đại dương Schmidt đang lập bản đồ đáy biển phía bắc Great Barrier Reef khi họ tình cờ chạm vào một “tòa nhà chọc trời” cao hơn 500 thước dưới đáy biển. Tháp san hô mới hình thành là một trong tám tháp hiện được biết đến trong khu vực. Những cấu trúc tự nhiên này cung cấp môi trường sống quan trọng cho các sinh vật như rùa và cá mập. Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy nhiều cá thể sống phát triển mạnh trong hệ sinh thái này. Họ thu thập các mẫu đá, trầm tích và một số sinh vật gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Khám phá là một phần quan trọng của cuộc cách mạng khoa học biển.
Nam Anh (theo National Geographic)