PNO - Hội nghị Trung ương 7 đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc, thống nhất ban hành nhiều nghị quyết, kết luận và quyết định quan trọng, có liên quan chặt chẽ và có ý nghĩa to lớn đối với việc thực hiện Nghị quyết Đại...
Hội nghị Trung ương 7 đã hoàn thành khối lượng lớn công việc, ban hành nhiều nghị quyết, kết luận và quyết định quan trọng. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Sau 10 ngày làm việc khẩn trương, dân chủ, nghiêm túc, Hội nghị Trung ương 7 đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, thể hiện tinh thần trách nhiệm của các đại biểu tham dự, phát huy trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc vào các đề án, báo cáo. Qua đó, Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao thông qua nội dung các nghị quyết, kết luận của Hội nghị. Hội nghị Trung ương 7 đạt được một số kết quả chủ yếu, có ý nghĩa quan trọng.
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Theo đó, Trung ương yêu cầu, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở nhằm xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, có tính ổn định, phù hợp với chức năng nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị phải đồng bộ với đổi mới thể chế kinh tế; thống nhất giữa các tổ chức trong toàn hệ thống. Kiện toàn tổ chức bộ máy phải đi đôi với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Hoàn thiện thể chế phải gắn liền với đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng. Tăng cường quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, nhất là ở cơ sở.
Thứ hai, Hội nghị nhất trí cho rằng, tiếp sau Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, việc lần này Trung ương bàn và ban hành Nghị quyết về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận là rất cần thiết trong tình hình hiện nay.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, rất nhiều vấn đề mới đặt ra tác động đến tư tưởng, tình cảm, đời sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Do vậy chỉ có làm tốt công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng thì Đảng mới có sức mạnh.
Để thực hiện được yêu cầu trên, phải quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng về dân vận, về đại đoàn kết dân tộc, đặc biệt tôn trọng và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, hết sức chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân; luôn trọng dân, gần dân, hiểu dân, tin dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Mọi quan điểm, chủ trương của Đảng, luật pháp và chính sách của Nhà nước phải vì dân.
Do đó, tiếp tục nâng nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác dân vận. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, các hội quần chúng. Kiện toàn và nâng cao năng lực dân vận của các cơ quan, đơn vị và đội ngũ làm công tác dân vận, đặc biệt trong các cơ quan hành chính Nhà nước, các cán bộ thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với dân.
Thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương hoan nghênh và cảm ơn đồng bào, chiến sỹ cả nước và kiều bào ở nước ngoài đã nhiệt tình hưởng ứng, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đồng thời ghi nhận và biểu dương Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp và các cơ quan chức năng đã tổ chức chu đáo việc lấy ý kiến nhân dân, tổng hợp đầy đủ, tiếp thu nghiêm túc, giải trình các góp ý. Tuyệt đại đa số các tầng lớp nhân dân tán thành với nội dung của dự thảo và cho rằng dự thảo đã bám sát mục tiêu, yêu cầu, quan điểm và định hướng đã được xác định trong các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Quốc hội, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Thứ tư, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trung ương cho rằng đây là 3 lĩnh vực cực kỳ quan trọng, đã được quan tâm, có bước phát triển và đạt được kết quả quan trọng thời gian qua, nhưng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém. Ứng phó với biến đổi khí hậu còn bị động. Tài nguyên chưa được khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững. Ô nhiễm môi trường diễn ra phổ biến, có xu hướng gia tăng. Do đó, trước hết cần nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân và toàn hệ thống chính trị, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại. Tài nguyên là tài sản quan trọng, nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững.
Nhiệm vụ chung đặt ra là phải đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Thiết lập, ứng dụng các mô hình dự báo tổng thể tác động của biến đổi khí hậu, thí điểm phương thức quản lý thích ứng với biến đổi khí hậu, sau đó nhân rộng ra cả nước.
Trong đó, cần sớm xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch để thực hiện có hiệu quả các chiến lược đã ban hành, tập trung giải quyết những vấn đề nhân dân đặc biệt quan tâm như: triều cường, nước biển dâng, nhiễm mặn, nạn phá rừng, khai thác mang tính hủy hoại môi trường…
Thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét kỹ và nhất trí cao với những nhận định, đánh giá đề xuất nêu trong Báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Hội nghị thống nhất cho rằng, trong hơn một năm qua, toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc, nghiêm túc quán triệt và chủ động, tích cực triển khai Nghị quyết, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia và đã thu được những kết quả quan trọng. Nghị quyết là rất cần thiết, đúng đắn, kịp thời nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tiêu cực, suy thoái trong Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Trung ương yêu cầu kiên quyết, kiên trì tiếp tục lãnh đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với những bước đi vững chắc để thực sự tạo được chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng.
Về xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, Trung ương đã cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp lựa chọn nhân sự đưa vào quy hoạch, về số lượng cho mỗi chức danh, về cơ cấu độ tuổi, giới tính, thành phần xuất thân và phương án nhân sự giới thiệu vào quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ 2016 -2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Cũng tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu 2 đồng chí bổ sung vào Bộ Chính trị và 1 đồng chí vào Ban Bí thư khóa XI.
Theo NGUYỄN HOÀNG (Chinhphu.vn)
Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung vào Bộ Chính trị khóa XI hai đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; bầu bổ sung đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương vào Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI